Từ thủ khoa đến hiệu trưởng trường đại học

GD&TĐ - Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Từ Diệp Công Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu luôn được bạn bè, đồng nghiệp, học trò kính nể vì sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học. Ít ai biết được, để thành công như ngày hôm nay, PGS.TS Từ Diệp Công Thành đã phải vượt qua bao gian truân với một ý chí vượt khó mạnh mẽ...

PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu
PGS.TS Từ Diệp Công Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu

Học sinh giỏi xuất sắc

PGS.TS Từ Diệp Công Thành sinh ra và lớn lên ở miền quê Bình Định, ngập tràn nắng gió miền Trung “chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn”. Thời niên thiếu, cậu bé Thành cứ hồn nhiên lớn lên như cây lúa, củ khoai quê nhà với sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ. Cha mẹ anh đều là giáo viên nên cuộc sống gia đình không ít khó khăn về kinh tế. Gia đình phải làm thêm như trồng rau, chăn nuôi heo, gà để cải thiện đời sống. Phải chăng từ những khó khăn ấy, anh đã có nhận thức sâu sắc, ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên mạnh mẽ.

Từ khi còn là cậu bé học sinh cấp 2, Từ Diệp Công Thành được bạn bè cùng trang lứa biết đến một cách ấn tượng như thường xuyên được xếp loại học sinh nhất nhì trong lớp, khi đang học lớp 7 đã giải được bài toán lớp 9, bạn bè nể trọng.

Những tháng ngày đầu chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi vào học lớp 9 ở quận Phú Nhuận là một khoảng cách học rất lớn đối với cậu bé vùng quê với các bạn ở thành phố lớn nhưng anh đã vượt qua một cách ngoạn mục. Kết quả cuối năm học lớp 9, Từ Diệp Công Thành đạt học sinh giỏi cấp quận và đứng thứ nhì toàn khối 9, được tuyển thẳng vào trường cấp 3 Phú Nhuận, nhưng anh không được học trường công lập vì chưa có hộ khẩu thành phố. Như vậy là phải học ở một trường dân lập, mà ở đó thì học phí rất cao, gia đình không lo nổi.

Từ một học sinh được ưu tiên tuyển thẳng, anh vẫn phải thi vào lớp 10 và đã được điểm rất cao (thủ khoa lớp 10 năm ấy) và đậu luôn vào lớp Chuyên 10A1 Trường cấp 3 Phú Nhuận.

Ba năm học cấp 3, Từ Diệp Công Thành luôn là học sinh giỏi xuất sắc. Năm lớp 12, anh có điểm vật lý cao nhất trường. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu tốt, ý chí mạnh mẽ, vượt khó vươn lên, hết cấp 3, anh thi đỗ vào 3 trường đại học uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh là Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Luật với số điểm rất cao. Anh chọn Trường Đại học Bách khoa, bắt đầu con đường khoa học với ngành học là Điện - Điện tử năm 1996.

Một “hiện tượng lạ”

Ở giảng đường đại học, anh được bạn bè ngưỡng mộ vì luôn có thành tích cao trong học tập; tốt nghiệp đại học loại giỏi, chỉ trong vòng ba năm rưỡi (trước một năm so với quy định), một việc chưa từng có.

Để đạt được thành tích như vậy, anh phải nỗ lực rất nhiều. Có những học kỳ anh phải học đến 14 môn và học luôn trong kỳ hè, và nhiều lần xin phép nhà trường để được học nhiều như thế! Mỗi một học kỳ, anh luôn được xếp loại kết quả học tập loại giỏi, được nhận học bổng của nhà trường và học bổng của Hiệp hội Học bổng Việt – Nhật.

Chuyện “học vượt” lúc đó rất khó và hy hữu. Anh phải mất cả tháng để được Ban giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xem xét và phải cam kết với Phòng Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm trong suốt quá trình học. Sự nỗ lực phấn đấu của anh đã được đền đáp xứng đáng, anh được giữ lại làm giảng viên Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Không dừng lại đó, anh tiếp tục học cao học và tốt nghiệp thạc sĩ với tấm bằng xuất sắc. Cánh cửa lại đã mở rộng chào đón, anh nhận được suất học bổng toàn phần nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Cơ – Điện tử tại Trường Đại học UISAN (Hàn Quốc), du học tới miền đất có nền khoa học kỹ thuật phát triển với ước nguyện sẽ học thật tốt để mang kiến thức về phục vụ cho Tổ quốc.

Tại Trường Đại học UISAN, một lần nữa anh trở thành “hiện tượng lạ” trước bạn bè quốc tế về thành tích xuất sắc nổi trội. Kết quả học tập trong học kỳ đầu tiên với 2 môn học đạt điểm cao nhất toàn khóa và một công trình khoa học quốc tế được công bố.

Thông thường nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc là 4 năm, nhưng với nghị lực phi thường, anh đã có những tốc độ học vượt với thành tích cao. Chỉ trong vòng 2 năm, anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ loại xuất sắc, trở thành tiến sĩ ở tuổi 27, trong đó có 6 công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận và được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới.

Ngay khi đang còn là nghiên cứu sinh, anh đã ấp ủ những hướng nghiên cứu cụ thể để phục vụ xã hội với mong muốn học xong là quay về Việt Nam ngay. Anh đã quyết định từ chối mức lương 22.000USD/năm của Hàn Quốc để về phục vụ Tổ quốc.

Cái tên Từ Diệp Công Thành lại được nhiều người biết đến khi năm 2010 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, anh được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vinh danh đứng trong hàng ngũ Phó giáo sư. Khi đó anh mới 32 tuổi, là PGS.TS trẻ nhất Việt Nam.

Người “hoa tiêu” tài giỏi

Hơn 13 năm công tác ở Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) anh đã đi vào nghiên cứu làm ra các sản phẩm đi vào hướng cơ – điện tử y sinh phục vụ chăm sóc y tế với các đề tài trọng điểm như thiết bị tập phục hồi chức năng cho khớp gối, thiết bị kéo cột sống lưng, trong hỗ trợ điều trị đau lưng, cơ năng và thoát vị đĩa đệm cấp độ nhẹ, rô bốt di động trong chăm sóc y tế. Kết quả là thành công tốt đẹp. Năm 2012, anh được chọn cùng một nhóm sinh viên Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa tới Toyama và Hokaido tham dự chương trình Kosen Nhật Bản.

Với những cống hiến và thành tích hoạt động khoa học xuất sắc, PGS.TS Từ Diệp Công Thành luôn được mời đi dự các lớp tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài. Anh thường xuyên được mời làm giáo sư thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học của các trường Đại học danh tiếng ở châu Âu như Đại học Bách khoa Torino (Ý), đại học Gennova (Ý), đại học Khoa học ứng dụng Karahuse (Đức).

Sau những chuyến công tác nghiên cứu giảng dạy ở nước ngoài trở về, anh đem những điều đã học hỏi được về khoa học kĩ thuật, nghiên cứu khoa học với những kinh nghiệm quý báu, anh truyền dạy cho sinh viên Việt Nam. Anh tâm sự: “Với tôi, giảng dạy là cả niềm đam mê. Giảng dạy không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà là nơi truyền nhiệt huyết, tạo niềm tin, hướng tư tưởng tốt đẹp cho sinh viên trong cuộc sống”.

Khi về Bạc Liêu với cương vị là Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy nhà trường, trường Đại học Bạc Liêu đã bắt đầu thực sự khởi sắc: Đoàn kết nội bộ được gắn bó hơn, công tác chuyên môn đi vào nề nếp ổn định hơn, nghiên cứu khoa học được chú trọng, các cuộc họp không quan trọng, không cần thiết đã giảm dần…

Rất hy vọng rằng PGS.TS Từ Diệp Công Thành - người hoa tiêu tài giỏi sẽ đưa con tàu Đại học Bạc Liêu tiến nhanh về phía trước, nơi chân trời mới rực hồng, niềm tin và hy vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ