Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Bát nháo trong tuyển sinh, đào tạo

Vượt chỉ tiêu tuyển sinh hơn 230%

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ GD&ĐT, năm 2019, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ 9/10 ngành/chuyên ngành vượt năng lực theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT. Mặt khác, xác định chỉ tiêu trình độ ĐH khối ngành II và VII vượt năng lực đào tạo của trường theo quy định tại Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Năm 2017, trường tuyển sinh trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu thông báo. Cụ thể, với khối ngành III vượt 79%; khối ngành V vượt 35%. Năm 2018 vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu trường tự xác định các ngành/chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng 36%; Quản lý kinh tế 96,6%; Quản lý công 98%;

Năm 2019 tuyển sinh vượt chỉ tiêu ngành Quản lý công 263%. Tuyển sinh trình độ ĐH chính quy năm 2018 vượt 30,7%, năm 2019 vượt 46,3% chỉ tiêu do trường tự xác định...

Năm 2017, trường không được thông báo chỉ tiêu văn bằng 2 khối ngành VII nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo 138 sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (khối ngành VII); Năm 2018, trường tự xác định không có chỉ tiêu văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng vẫn tuyển 342 sinh viên ngành này.

Đáng nói, trong thông báo tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2018 và 2019 có chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu trường tự xác định; nội dung thông báo không có chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, chuyên ngành đào tạo, không có nội dung về danh mục ngành khác được dự thi theo từng ngành, chuyên ngành đào tạo quy định tại Khoản 2 Điều 10 quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

Trường còn thực hiện việc ra đề thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ chưa đúng quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 13 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Không báo cáo Bộ GD&ĐT về công tác đào tạo trình độ thạc sĩ hằng năm…

Hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh năm 2017 của 3 nghiên cứu sinh Cao Anh Thịnh, Nguyễn Thị Trang Định, Hoàng Dũng có dấu hiệu không phải là hồ sơ dự tuyển năm 2017.

Sai sót trong quản lý đào tạo

Trường giao cho Trung tâm Tin học quản lý kết quả học tập toàn khóa của sinh viên, không có đơn vị kiểm soát, việc phân quyền chỉnh sửa điểm thi và quản lý điểm trên hệ thống chưa rõ ràng.

Một số túi bài thi tự luận kết thúc học phần trình độ ĐH có hiện tượng chấm thi chưa đúng quy định tại Khoản 3, Điều 12 Quy chế 25 và Quy chế 634/QĐ-BGH ngày 15/12/2014 của trường.

Việc xét tốt nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp sớm hoặc tốt nghiệp bổ sung không thông qua Hội đồng xét tốt nghiệp của trường là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 17 Quy chế 25; Ghi chép thông tin trong sổ theo dõi, quản lý các lớp liên kết đào tạo, lớp đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chưa đầy đủ thông tin.

Tổ chức đào tạo một số học phần trình độ thạc sĩ của 19 lớp ngoài trụ sở chính của trường diễn ra khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Sổ gốc cấp văn bằng và mẫu phôi văn bằng của trường chưa đúng mẫu theo quy định và quy chế văn bằng chứng chỉ. Thực hiện việc chỉnh sửa văn bằng chứng chỉ cho người học chưa đúng quy định tại Điều 26 Quy chế văn bằng chứng chỉ.

Không bảo đảm điều kiện duy trì nhiều ngành học

Công tác thanh tra chỉ ra, không có sự thống nhất về kê khai giảng viên giữa Đề án tuyển sinh, bảng lương và trên trang thông tin điện tử của Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội.

Cụ thể: 10 ngành đào tạo trình độ ĐH, 3 ngành trình độ thạc sĩ của trường không bảo đảm điều kiện duy trì ngành theo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH; và chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ với học viên khóa 2017 - 2019 không bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ trường đã ban hành cũng chưa đủ khối lượng tín chỉ tối thiểu theo quy định.

Trường chưa thực hiện đúng quy định về biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28/1/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối với 2 giáo trình tiếng Trung Quốc là vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Chưa thực hiện kiểm định và đánh giá ngoài đối với trường và các chương trình đào tạo tại trường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ