Nha Trang - Đà Lạt, tôi và xe máy

GD&TĐ - Năm 1992, tôi bắt đầu đi Đà Lạt bằng xe máy, và mãi đến nay tôi vẫn đi từ Nha Trang lên Đà Lạt bằng xe máy.

Vườn hoa Đà Lạt.
Vườn hoa Đà Lạt.

Không kể những chuyến đi hội họp hoặc đi bằng ô tô, thì tính chẵn trong 28 năm đó, tôi đã đi xe máy lên Đà Lạt được 40 lần, tổng cộng các chuyến đi khoảng 15.000 km (cả đi và về). Khởi đầu là đi cung đường Nha Trang - Phan Rang bọc qua Phi Nom, bọc qua đèo Prenn. Sau đó đổi cung đường tới Đơn Dương qua đèo Dran.

Những lúc khác bỏ đoạn qua Phan Rang, sau khi xuống đèo Prenn thì rẽ vào cung đường qua Bác Ái dài 50 cây số ra Cam Ranh. Từ năm 2007, sau khi đèo Khánh Lê hoàn thành (Quốc lộ 27C) tôi bắt đầu đi cung đường này với chiều dài 140 km. Trong ngần ấy năm, tôi đã đổi rất nhiều chiếc xe, khởi đầu là chiếc xe cánh én, rồi chiếc City, chiếc xe gì đó quên mất tên, chiếc xe Vave Trung Quốc, chiếc Novo và hiện nay là chiếc xe Leade 125 phân khối.

Cung đường đẹp đúng chất khi lên Đà Lạt.
Cung đường đẹp đúng chất khi lên Đà Lạt.

Tôi đi Đà Lạt đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông… vào những mùa hoa anh đào nở, mùa hoa ban, mùa hoa dã quỳ và đi cả trong những ngày lễ hội hoa. Tôi ở từ phòng trọ đến các khách sạn 1 sao, 2 sao, 3 sao đến 4 - 5 sao và cả resort. Nói chung, tôi biết rành các quán ăn lớn nhỏ, giá bán và cả sự hình thành của các điểm đến.

Chẳng hạn như vườn hoa Nguyễn Văn Cừ luôn thay đổi các loại hoa như: Cẩm tú cầu, xã pháo, Tam giác mạch, Bươm bướm và Tết năm nay trồng hoa Ly nguyên ngày xưa là khu dân cư Ấp Ánh Sáng nổi tiếng với món bún bò Huế với các quán luôn bắt đầu bằng chữ O: O Huệ, O Lan, O Ngọc…

Tác giả ở cột mốc độ cao 1.500m trên cung đường từ Nha Trang lên Đà Lạt.
Tác giả ở cột mốc độ cao 1.500m trên cung đường từ Nha Trang lên Đà Lạt.

Đà Lạt trong 28 năm đi và gặp bằng xe máy của tôi, mà mỗi chuyến đi tôi luôn tìm điểm mới cho nên luôn khác biệt. Chỉ kể những chuyến đi trên cung đường mới, tôi có điểm dừng rõ ràng. Chẳng hạn lên Diên Khánh ăn quán bún cá quen, cà phê ở cái quán trên con đường mới Cầu Bà - Khánh Lê.

Thường những điểm dừng dọc đường cũng tùy hứng, lúc vào chợ Liên Sang, dừng ở quán chân đèo, rồi qua đèo lúc dừng ở  tấm bảng 1.500m, có khi ngay đỉnh Hòn Giao rồi sau đó ghé thị trấn Long Lanh uống cà phê…

Những sự cố trong cuộc hành trình cũng là kỷ niệm. Có lần xe chạy mới tới Đà Lạt, sắp tới khách sạn thì “đề” không nổ máy, chỉ kịp kiếm tiệm sửa xe để thay bình ác quy. Lần đi về lại, vừa đến Zoodoo thì xe không lên dốc được, lúc tắt máy lúc như rùa bò, may mà xe tới Long Lanh, anh sửa xe thật nhiệt tình, thay bugi là xe chạy tốt.

Quảng trường Lâm Viên giữa TP Đà Lạt.
Quảng trường Lâm Viên giữa TP Đà Lạt.

Lần khác, xe chỉ còn cách Nha Trang chừng 30 km (con đường từ Khánh Lê đi Cầu Lùng) thì xe lũng bánh. Cứ lên xe phóng ba cây số gặp tiệm sửa xe - tất nhiên là vá xe và thay bugi giá cũng hơi cao. Chuyến đi gặp cơn bão, vừa qua đỉnh Hòn Giao thì mưa, gió và sương mù, đi xuống ngọn đèo 30 km ấy mất gần hai tiếng đồng hồ.

Mới đây nhất, vào tháng 11/2020 khi vừa lên Đà Lạt thì thời tiết Nha Trang mưa khủng khiếp, sáng hôm sau chọn đường qua đèo Dran và Prenn, bọc qua đường Bác Ái để về. Hôm đó, vừa thoát ra được đường Nguyễn Tất Thành thì con đường bị ngập nước gián đoạn giao thông.

Đó chỉ là những câu chuyện của những cuộc hành trình. Bạn bè hỏi sao không đi ô tô? Tôi nói rằng với tôi, đi Đà Lạt bằng xe máy là những chuyến đi đầy thú vị và đáng trải nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.