Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển: “Báo Giáo dục và Thời đại với tôi như bạn tri kỷ!”

GD&TĐ - “Từ khi nghỉ hưu, tôi ít có điều kiện gặp gỡ các đồng chí ở Báo, các thông tin về Báo đến với tôi cũng không nhiều, nhưng điều còn lại mãi đối với tôi là sự chia sẻ và tình cảm quý mến của tôi đối với anh chị em đã công tác ở Báo. Hằng ngày, tôi vẫn đọc Báo Giáo dục và Thời đại online, vừa để biết về các hoạt động của ngành, vừa để như gặp lại người bạn tri kỷ đã từng nhiều năm gắn bó với mình”. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển chia sẻ với Báo GD&TĐ trước thời điểm Báo kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60.

Một trong số ít tờ báo tôi đọc hằng ngày

- Trong những năm làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, những dấu ấn nào về tờ báo của ngành khiến ông không thể quên?

- Tôi có 9 năm công tác ở Bộ GD&ĐT (1997 - 2006). Đó cũng là thời kỳ tôi có dịp được làm việc, tiếp xúc với anh chị em công tác ở Báo GD&TĐ, mà trước hết là 2 đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Chụ, Trần Đăng Thao và các đồng chí phóng viên đi cùng tôi trong các chuyến công tác địa phương, hay nhân dịp triển khai các chủ trương lớn của ngành.

Còn nhớ, khi tôi mới làm Bộ trưởng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp trận bão lớn. Phóng viên Báo GD&TĐ đã đồng hành cùng tôi trong suốt một tuần giữa vùng sông nước mênh mông. Hay những chuyến đi công tác vùng khó trong thời tiết rét căm căm cùng đồng chí Tổng Biên tập và phóng viên của Báo… Những chuyến đi đó, tôi còn nhớ mãi…

Tôi cũng có dịp đến thăm và làm việc trực tiếp với tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên của Báo 4 lần. Cho đến nay, tôi vẫn giữ ấn tượng tốt và tình cảm quý mến đối với anh chị em công tác ở Báo.

Tôi rất vui mừng khi thấy Báo có nhiều khởi sắc, ngày càng được độc giả, trước hết là anh chị em trong ngành đánh giá cao hơn.

Tôi còn nhớ một số lần làm việc, hoặc trao đổi riêng với 2 đồng chí Tổng Biên tập. Ngoài những vấn đề có tính chất chuyên môn, có 2 điều làm tôi cứ băn khoăn mãi và hay hỏi các đồng chí đó. Điều thứ nhất là đời sống (mà cụ thể là thu nhập) của anh chị em ở Báo, trước hết là các đồng chí phóng viên thế nào? Có cách gì để cải thiện được hơn không để anh chị em yên tâm với nghề, hết lòng phục vụ cho ngành, đồng thời cũng là để thu hút thêm người giỏi về với Báo? Điều thứ 2 là trụ sở làm việc của Báo ở 29B Ngô Quyền đã giải quyết thêm được đến đâu rồi; đã “an cư” được chưa?

Từ khi nghỉ hưu, tôi ít có điều kiện gặp gỡ các đồng chí ở Báo, các thông tin về Báo đến với tôi cũng không nhiều, nhưng điều còn lại mãi đối với tôi là sự chia sẻ và tình cảm quý mến của tôi đối với anh chị em đã công tác ở Báo. Hằng ngày, tôi vẫn đọc GD&TĐ online, vừa để biết về các hoạt động của ngành, vừa để như gặp lại người bạn tri kỷ đã từng nhiều năm gắn bó với mình.

Người bạn đồng hành tin cậy với nhiều thế hệ nhà giáo

- Ở vị trí có thể thấu hiểu về Báo GD&TĐ trong một thời gian dài, nay vẫn là bạn đọc thường xuyên gắn bó, ông có thể chia sẻ một vài suy nghĩ về tờ báo của ngành?

- Tôi nghĩ, Báo GD&TĐ so với nhiều tờ báo khác, có nhiều lợi thế, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tôi chỉ xin điểm qua vài nét chính.

Về mặt thuận lợi, trước hết, đây là tờ báo ngành về một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, là “Quốc sách hàng đầu”, được toàn xã hội quan tâm. Nếu Báo có cách làm tốt, hấp dẫn bạn đọc thì cũng sẽ được sự quan tâm rộng rãi trong xã hội.

Thứ nữa là Báo có điều kiện tiếp cận nhanh chóng và trực tiếp, có độ tin cậy cao với các thông tin phong phú và đa dạng của đời sống giáo dục (từ chủ trương, chính sách đến các hoạt động cụ thể).

Điều thứ 3, tôi cũng muốn nhấn mạnh là, Báo GD&TĐ có lực lượng độc giả tiềm năng rất lớn (tôi nhấn mạnh chữ “tiềm năng” để thấy được thuận lợi mà chúng ta chưa khai thác hết).

Về những khó khăn, tôi thấy Báo luôn phải chia sẻ với những khó khăn chung của toàn ngành. Đó là những đòi hỏi ngày càng cao và rất khắt khe của xã hội đối với ngành Giáo dục và tờ báo của ngành, trong khi nguồn lực để thực hiện còn rất hạn chế. Do tính chất đặc thù của ngành, của tờ báo ngành, nên Báo GD&TĐ luôn gặp lúng túng trong việc giải quyết các yêu cầu đôi khi là mâu thuẫn, thậm chí đối lập nhau.

Một điều nữa cũng không thể không nhắc đến, đó là cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của phóng viên, khả năng tài chính của Báo còn hạn chế. Chưa kể đến việc cạnh tranh, xu thế thương mại hóa trong lĩnh vực báo chí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những người làm báo trong ngành Giáo dục.

Trong bối cảnh như vậy, Báo GD&TĐ, theo đánh giá chủ quan của tôi, đã làm được nhiều việc, có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức đáng được ghi nhận. Báo ngày càng thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với ngành, với độc giả cả nước. Đó là cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo dựng lòng tin… Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo.

Cần hơn nữa sự dũng cảm, dấn thân

- Theo ông, Báo GD&TĐ nên làm gì trong thời gian tới để xứng đáng hơn nữa với sự ghi nhận trân trọng trên đây?

- Để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, đồng thời cũng là để đáp ứng mong mỏi của đông đảo bạn đọc trong cả nước, trong đó có tôi, Báo GD&TĐ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, dám “dấn thân” hơn để tạo ra những đột phá. Tôi xin nêu ra một vài điều mong mỏi.

Thứ nhất: Thông tin cần nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời hơn. Ở đây cũng cần sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT và sự chia sẻ của các đơn vị chức năng trong Bộ (dành ưu tiên cho báo nhà), chứ một mình Báo GD&TĐ làm cũng khó. Cũng cần khắc phục tư tưởng né tránh, chỉ nói đến mặt tốt, làm mất tính khách quan của Báo. Để làm được việc này, Báo cần có sự dũng cảm và dấn thân hơn nữa; cách làm lại phải khéo léo để không đi quá đà, dẫn đến sự hiểu lầm và tránh được những quy chụp rất dễ xảy ra.

Thứ 2: Các bài viết cần ngắn gọn, nhiều thông tin hơn; hạn chế hoặc lược bỏ các bài báo quá dài, nặng về lễ nghi, báo cáo thành tích.

Thứ 3: Mặc dù đã có nhiều cải tiến, nhưng Báo GD&TĐ hiện vẫn mang dáng dấp của Báo Người giáo viên nhân dân ngày trước, với lĩnh vực được đề cập chủ yếu là giáo dục phổ thông và đối tượng phục vụ chủ yếu là giáo viên; trong khi tình hình hiện nay đã thay đổi rất nhiều và yêu cầu đặt ra với Báo cũng khác trước. Tôi nghĩ, Báo nên dành vị trí xứng đáng cho giáo dục đại học, với nhiều vấn đề nóng bỏng, được xã hội quan tâm hiện nay.

Thứ 4: Cần củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên ngay trong đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục (đương chức và nghỉ hưu). Tôi nghĩ nhiều người có thể cung cấp thông tin hoặc trực tiếp viết bài có chất lượng. Họ sẽ giúp kéo được độc giả đến với Báo. Để làm được việc này, cần có các giải pháp phù hợp, khéo léo và nên làm từng bước.

Ngoài ra, Báo cũng cần quan tâm hơn đến hệ thống phát hành, để sớm đến được tới người đọc, trong đó nhóm đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận hơn là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thông qua sự hợp tác, hỗ trợ của các sở GD&ĐT, các trường phổ thông, trường đại học…

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ