NGND.TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Báo”

GD&TĐ - Tôi may mắn khi có một thời gian được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phân công phụ trách hai cơ quan ngôn luận của ngành, đó là Báo Giáo dục và Thời đại (GD&TĐ) và Tạp chí Giáo dục.

NGND Đặng Huỳnh Mai cùng trẻ tự kỷ
NGND Đặng Huỳnh Mai cùng trẻ tự kỷ

Góp phần cho xã hội hiểu và tin tưởng ngành giáo dục

Với tôi, kỷ niệm sâu đậm nhất là thời kỳ triển khai sách giáo khoa năm học 2002 - 2003, khi đưa âm “e” ra dạy đầu tiên ở lớp 1. Thời đó, có quá nhiều ý kiến, đa phần là lo lắng về sự thay đổi; giống với tiền lệ theo dòng thời gian (thời chống giặc dốt của Bác Hồ thì dạy i - t; sau hoà bình lập lại thì dạy o tròn như quả trứng gà, ở miền Nam thì dạy a - ba má...). Nhiều người còn nhầm tưởng là nước mình thay đổi trật tự bảng chữ cái mà cả thế giới đang thống nhất...

Có thể nói đây là một năm học có nhiều sự bất ổn. Những ngày cận kề năm học mới, trước tình hình quá phức tạp về thông tin, chúng tôi đã cùng phóng viên Báo GD&TĐ đi khắp các miền của Tổ quốc, làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ, UBND và HĐND tỉnh để giải thích rõ hơn về sự bắt đầu từ một nguyên âm mới tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến cách đọc và viết của tiếng Việt như “cơm, cá, đi lại ăn uống...”; không phụ thuộc gì đối với việc đưa “e, bé vẽ bê..”, một sự bắt đầu cho SGK lớp 1 năm học 2002 - 2003.

Chính nhờ thế, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình từ nhiều UBND tỉnh, thành phố, hay chí ít là không còn ý kiến phản đối. Năm học mới được triển khai một cách yên ổn tương đối. Mỗi lần đi về, viết được một bài báo, phóng viên Báo GD&TĐ đã tâm sự rằng, đây là cách tốt nhất để bồi dưỡng thực tiễn, niềm tin và công tác chính trị tư tưởng cũng như tay nghề.

Một ấn tượng khác: Báo GD&TĐ là “đất nhà” để góp phần làm cho xã hội hiểu và tin tưởng những điều ngành mình muốn làm, cần làm vì sự phát triển chất lượng của giáo dục. Chẳng hạn như, khi xã hội lên án về hiện tượng “Sáng lớp 4, chiều lớp 1” ở Đồng Tháp, “Sáng 6 chiều 1” ở Quảng Ngãi, hay “3, 4, 5 cùng mù chữ” ở Phú Thọ; sau khi phóng viên cùng chúng tôi đi khảo sát thực tế, Báo GD&TĐ đăng một bài phỏng vấn, cùng một văn bản chỉ đạo chính thức, cụ thể từ lãnh đạo Bộ về nội dung, phương pháp dạy học và một thời khoá biểu đặc biệt dành riêng cho đối tượng giáo viên cũng như học sinh trong hoàn cảnh đặc biệt này. Từ đó, đã làm dư luận lắng dịu, xã hội yên tâm, cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị được nêu tên cũng như phụ huynh học sinh cảm thấy yên tâm để tiếp tục công việc mình đã chọn.

Mỗi lần nhớ lại những cuộc “hành hương” này, lòng tôi luôn cảm thấy tràn đầy hạnh phúc và luôn nhớ đến các bạn phóng viên nữ như như Trâm, Thơm, Mai, Hương.... Bài học tôi rút ra từ đó là không vội phản đối lời chỉ trích từ các báo khác. Điều quan trọng là phải hiểu thật rõ tình hình thực tiễn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, sau đó xử lý vấn đề phát sinh bằng biện pháp chuyên môn thấu tình, đạt lý, thì có thể làm cho người trong cuộc, trong ngành lẫn cộng đồng xã hội đều cảm thấy chấp nhận được.

Còn một điều hạnh phúc khác là Tổng Biên tập Nguyễn Danh Bình là thường trực Bản tin chính trị của Đảng uỷ. Lãnh đạo Báo GD&TĐ đã hợp tác cùng đồng chí Phó Bí Thư thường trực Phùng Khắc Bình và Chánh Văn phòng Đảng uỷ Nguyễn Thị Lan vào thời kỳ tôi là Bí thư Đảng uỷ của Đảng bộ Bộ GD&ĐT. Thông tin này bao gồm trích, cập nhật các nội dung về các chủ trương của Đảng, Ban Cán sự, tin tức cần quan tâm của ngành. Cuối bản tin bao giờ cũng có một bài về giáo dục bằng 2 thứ tiếng Anh và tiếng Việt. Sự gắn kết giữa Báo với công tác Đảng cơ quan Bộ GD&ĐT thời ấy để lại ấn tượng trong tôi.

Cần mở rộng diện thông tin

Để Báo GD&TĐ phát triển, điều đầu tiên cần mở rộng diện thông tin trên nhiều lĩnh vực của ngành, chú ý đến lĩnh vực giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, giáo dục đạo đức, sức khỏe cho học sinh, sinh viên... vấn đề xã hội đang quan tâm nhiều nhất. Giúp lãnh đạo Bộ có thể điều chỉnh hoặc bổ sung nội dung trong quá trình chỉ đạo.

Thật ra, để làm được điều này, có lẽ lãnh đạo Bộ, Đảng ủy cũng nên luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng bản lĩnh, công tác chính trị tư tưởng cũng như chuyên môn cho đội ngũ phóng viên. Lãnh đạo Báo thì góp phần sửa chữa, chăm chút từng câu chữ cho bài viết của phóng viên, cũng là một cách bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ của mình. Điều cũng khá quan trọng là sự dũng cảm, tính chiến đấu của người đứng đầu.

Ngoài ra, phóng viên nữ báo ngành cũng có thể xem là lực lượng có tính chất đặc thù. Để giúp chị em yên tâm công tác, nên thường xuyên động viên, chia sẻ, chú ý một chút về tinh thần bên cạnh động viên về vật chất. Chị em sẽ đoàn kết, hỗ trợ nhau đóng góp tốt cho Báo tốt hơn, tức là đóng góp cho ngành ta ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ