Nghiên cứu khoa học: Nối gần trường học với đời sống thực tiễn

GD&TĐ - Những điểm sáng về khoa học công nghệ của một số trường ĐH cho thấy, các nhà trường, doanh nghiệp đã dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, hỗ trợ hoạt động sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Sản phẩm bột tắm 
dược liệu Wedelia
 từ cây đơn đất. Ảnh: ITN
Sản phẩm bột tắm dược liệu Wedelia từ cây đơn đất. Ảnh: ITN

Biến ý tưởng thành hiện thực

“Nghiên cứu ứng dụng bê tông chất lượng siêu cao trong xây dựng cầu quy mô nhỏ và trung bình” của Bộ GD&ĐT do Trường ĐH Xây dựng làm chủ trì. 

Chương trình nghiên cứu đã ứng dụng thành công vật liệu UHPC chế tạo kết cấu dầm dự ứng lực tiết diện chữ I và tấm ván khuôn cho thi công bản mặt cầu của cầu An Thượng vượt sông Điện Biên tại phường An Tảo (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Cầu An Thượng cùng với tuyến phố được đầu tư đồng bộ đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho phường An Tảo, thành phố Hưng Yên, tạo điều kiện đi lại tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày của bà con nhân dân, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương.

Quá trình nghiên cứu và ứng dụng này đã khẳng định tính ưu việt của dầm UHPC so với dầm bê tông thường: Trọng lượng nhẹ, khả năng chịu lực cao, vận chuyển và lắp đơn giản. Công trình thí điểm là kết quả sinh động của sự hợp tác liên ngành (khoa Vật liệu Xây dựng, khoa Xây dựng Cầu đường, khoa Kinh tế Xây dựng) thuộc Trường ĐH Xây dựng với các đơn vị sản xuất như Nhà máy bê tông Xuân Mai, cũng như sự tham gia đối ứng kinh phí đáng kể từ nguồn xã hội hóa là Công ty TNHH Dây & Cáp điện Ngọc Khánh.

Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Xây dựng chụp ảnh lưu niệm trong buổi khánh thành cầu dân sinh An Thượng. Ảnh: Trường ĐH Xây dựng cung cấp
Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Xây dựng chụp ảnh lưu niệm trong buổi khánh thành cầu dân sinh An Thượng. Ảnh: Trường ĐH Xây dựng cung cấp 

Ngày 12/3/2019, trước sự chứng kiến của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) và chính quyền các cấp thành phố Hưng Yên, Trường ĐH Xây dựng đã tiến hành thử tải và thông xe kỹ thuật cầu An Thượng. Đây cũng là hoạt động quan trọng của Chương trình cầu UHPC nhằm đánh giá khả năng chịu lực của công trình, khẳng định tính ưu việt và sự phù hợp của vật liệu UHPC ứng dụng cho kết cấu cầu. Ngày 30/3/2019, thành phố Hưng Yên đã chủ trì Lễ cắt băng khánh thành và chính thức bàn giao công trình cho địa phương khai thác trong niềm vui hân hoan kết nối đôi bờ của người dân.

Vậy là sau hơn 2 năm thực hiện với sự nỗ lực của các thành viên trong nhóm nghiên cứu và sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài trường, Trường ĐH Xây dựng đã nghiên cứu thành công bê tông chất lượng siêu cao sử dụng vật liệu sẵn có ở Việt Nam để chế tạo các dầm cầu. PGS.TS Phạm Duy Hòa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng không giấu nổi niềm vui khi thấy kết quả nghiên cứu thành công đem đến những sản phẩm có tính ứng dụng cao, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương. Lời khen ngợi giá trị nhất chính là những nụ cười, lời cảm ơn từ người dân phường An Tảo. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Chủ tịch UBND phường bày tỏ: Công trình cầu dân sinh phố An Thượng đã giúp cho nhân dân đi lại được an toàn, thuận tiện.

Đưa sản phẩm đến với người dân

“Bột tắm dược liệu Wedelia” là kết quả của đề tài NCKH do PGS.TS Phạm Thế Chính, Trưởng bộ môn Hóa dược - Trưởng Khoa Hóa học (Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên) thực hiện đã và đang được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày.

Khởi đầu, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã phát hiện dịch chiết, tinh dầu của toàn bộ các bộ phận cây đơn đất có khả năng chống khuẩn rất mạnh đặc biệt là các chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm nguy hiểm như S. aureus và B. subtilis. Trong đó tinh dầu cây đơn đất các giá trị về mặt khoa học rất lý thú giải thích việc sử dụng cây đơn đất cho các bài thuốc kháng khuẩn trong y học dân tộc.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học cũng phát hiện cặn chiết và tinh dầu của các bộ phận cây đơn đất đều có tính chống oxy hóa ở nồng độ phù hợp, hoàn toàn có thể sử dụng làm các mỹ phẩm có khả năng làm trắng da, khả năng đuổi muỗi và côn trùng của tinh dầu cây đơn đất. Đây là một kết quả mới và rất lý thú.

Xuất phát từ thực tế, dựa trên các kinh nghiệm dân gian và trên cơ sở nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học phát triển thành công sản phẩm bột tắm dược liệu Wedelia từ cây đơn đất dùng để tắm phòng chống hăm da cho trẻ sơ sinh, kháng khuẩn, chống viêm da và làm trắng da, được sản xuất theo tiêu chuẩn: TCCS 02:2016/ĐHKH. Sản phẩm được bào chế dưới dạng túi lọc rất tiện dụng cho người dùng.

Sản phẩm đã đạt 1 bằng sáng chế, 1 bảo hộ độc quyền thương hiệu và 1 hợp đồng chuyển giao thương mại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ