Lùm xùm “trường quốc tế” tự phong

GD&TĐ - Sau trường hợp một phụ huynh nộp đơn khởi kiện đơn vị quản lý của Trường Quốc tế Singapore Đà Nẵng ra tòa vì bị từ chối cung cấp dịch vụ giáo dục cho con mình, mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Trường St.Nicholas chấm dứt hoạt động tại cơ sở hiện tại do việc hình thành không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và giấy cấp phép xây dựng được cấp. 

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Trường St.Nicholas dừng hoạt động tại công trình 458 Nguyễn Hữu Thọ do hình thành không đúng quy hoạch và giấy phép xây dựng.
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Trường St.Nicholas dừng hoạt động tại công trình 458 Nguyễn Hữu Thọ do hình thành không đúng quy hoạch và giấy phép xây dựng.

Đáng nói, đây đều là những “trường quốc tế” tự phong. Sở GD&ĐT Đà Nẵng xác nhận hiện TP chưa có một cơ sở giáo dục nào là trường quốc tế.

Dùng hợp đồng thuê trụ sở để qua mặt Sở GD&ĐT

Ngày 18/9, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng về cách xử lý vướng mắc của Trường Tiểu học, THCS, THPT St.Nicholas, trụ sở tại đường Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng thống nhất ý kiến của Sở Xây dựng về việc hình thành Trường Tiểu học, THCS, THPT St.Nicholas tại khu đất 458 Nguyễn Hữu Thọ là không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và giấy phép xây dựng được cấp.

UBND TP Đà Nẵng giao Sở GD&ĐT TP, UBND quận Cẩm Lệ làm việc với đại diện trường St. Nicholas để nghiên cứu, đề xuất phương án chấm dứt hoạt động giáo dục của trường tại công trình 458 Nguyễn Hữu Thọ; xây dựng phương án di dời học sinh, giáo viên hoặc xây dựng cơ sở mới bảo đảm đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng hiện hành… và báo cáo UBND TP xem xét quyết định trong tháng 9/2019.

Công trình tại địa chỉ 458 Nguyễn Hữu Thọ được Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục Mudd Harvey Việt Nam - chủ đầu tư Trường St. Nicholas thuê đất và cơ sở vật chất – kỹ thuật xây dựng hoàn chỉnh của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bạch Đằng, thời gian thuê là 20 năm. Giấy phép mà Sở Xây dựng cấp phép cho Công ty Bạch Đằng vào tháng 1/2018 tại địa chỉ trên là giấy phép xây dựng văn phòng làm việc. Tháng 8/2018, công trình xây dựng này được Sở Xây dựng nghiệm thu và đưa vào sử dụng theo giấy phép xây dựng văn phòng làm việc.

Trong khi đó, tháng 2/2018, Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục Mudd Harvey, Việt Nam có Tờ trình và hồ sơ về việc xin thành lập Trường Tiểu học, THCS, THPT St.Nicholas. Sau khi thẩm định và kiểm tra thực tế, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có tờ trình đề nghị UBND TP Đà Nẵng cho phép thành lập trường. Trên cơ sở này ngày 17/4/2018, UBND thành phố đã có Quyết định số 1554/QĐ- UBND cho phép thành lập Trường Tiểu học, THCS và THPT St.Nicholas, loại hình tư thục, tại địa điểm số 458 đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng; dự kiến trường bắt đầu hoạt động từ năm học 2018 - 2019. Ngày 23/7/2018, theo đề nghị của Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, UBND quận Cẩm Lệ đã có Quyết định số 5498/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Trường Mầm non St.Nicholas tại địa chỉ trên.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng thừa nhận Sở này đã có thiếu sót khi “chỉ căn cứ vào Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bạch Đằng với Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục Mudd Harvey, Việt Nam mà chưa lấy ý kiến của Sở Xây dựng trước khi trình Chủ tịch UBND thành phố”.

Được biết, khi đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT xuống kiểm tra công trình trên thì các bên đưa ra hợp đồng cho thuê 20 năm để xây dựng trường học. Và thực tế kiểm tra bên trong là các phòng ốc được xây dựng như trường học. Ví dụ như tầng 1 với 18 phòng dùng làm phòng học mầm non và các phòng chức năng gồm: Phòng ghi hình dạng studio, phòng múa ballet, phòng âm nhạc, phòng nghệ thuật, bếp ăn, phòng nghệ thuật; tầng 3 có 20 phòng gồm các phòng học và các phòng chức năng gồm: Phòng tranh biện, phòng thảo luận, phòng thí nghiệm khoa học dạng STEM…

Tháng 7/2018, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu Sở GD&ĐT tiến hành rà soát hồ sơ đề nghị thành lập trường của Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục Mudd Harvey, Việt Nam và nhận thấy giữa Giấy phép xây dựng số 64/GPXD ngày 16/1/2018 của Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng và Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bạch Đằng với Công ty Cổ phần Đầu tư giáo dục Mudd Harvey, Việt Nam thì mục đích xây dựng là không giống nhau.

Cụ thể: Giấy phép xây dựng số 64/GPXD của Sở Xây dựng là cho phép xây dựng văn phòng làm việc (giai đoạn 1); Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của 2 công ty là xây dựng các phòng học, khu hiệu bộ và các khu chức năng phục vụ cho hoạt động dạy và học cho trường học.

Phụ huynh tố cáo “trường quốc tế” trốn thuế

Ngoài việc nộp đơn khởi kiện đơn vị quản lý của Trường Quốc tế Singapore là chi nhánh Công ty CP Kinderworld Việt Nam ra tòa vì bị từ chối cung cấp dịch vụ giáo dục cho con của mình, mới đây, ông N.V.T cũng đã có đơn tố giác gửi đến cơ quan công an Đà Nẵng và Cục thuế Đà Nẵng cũng như Chi cục thuế quận Ngũ Hành Sơn phản ảnh việc đơn vị này đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo như ông T. trình bày: “Theo thông báo của đại diện Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng, gia đình chúng tôi có trách nhiệm nộp tiền học phí cho các cháu trong năm học 2019 – 2020, cụ thể: Trong đó, cháu học lớp 1 phải nộp số tiền hơn 215 triệu đồng; cháu học lớp 6 hơn 259 triệu đồng và cháu học lớp 3 hơn 209 triệu đồng. Tôi đã có hai đứa con theo học ở trường này, có cháu học 5 năm, có cháu học 2 năm, tất cả các khoản tiền nộp cho trường từ trước đến nay đều được cấp Invoice và Phiếu thu” – ông T. cho biết.

Sau khi chuyển khoản các khoản thu theo thông báo của Chi nhánh Công ty CP Kinderworld Việt Nam tại Đà Nẵng cho trường hợp cháu học lớp 1, ông T. cho biết ông có nhận được 2 tờ phiếu thu số 012225 và 001602 ghi ngày 15/5/2019 để xác nhận phía chi nhánh đã nhận đủ số tiền theo quy định. “Nhưng khi tôi yêu cầu họ phải xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật thì họ đã không xuất.

Là một công dân, tôi nhận thấy hành vi này của Công ty Cổ phần Kinderworld Việt Nam - Chi nhánh Công ty Cổ phần Kinderworld Việt Nam tại Đà Nẵng là vi phạm pháp luật theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 200 - Tội trốn thuế; được quy định trong BLHS năm 2015. Cụ thể là “Không xuất hóa đơn khi bán hàng, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán”, ông N.V.T nêu quan điểm.

Được biết, Thanh tra Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã thành lập đoàn thanh tra, ngoài thanh tra các khoản thu tại Trường Quốc tế Singapore, sẽ thanh tra thêm cơ sở vật chất cũng như chất lượng các dịch vụ giáo dục của nhà trường, trong đó có hoạt động xe đưa đón học sinh.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng khẳng định hiện Đà Nẵng không công nhận trường nào là trường quốc tế. Trong số 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì có 3 trường trong tên gọi có cụm từ quốc tế, bao gồm: Trường mầm non quốc tế Little giants; Trường Liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng; Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc tế Hoa Kỳ APU – Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có một trường tư thục trong tên gọi là cụm từ trường quốc tế là Trường Tiểu học và THCS quốc tế Việt Nam – Singapore. Đây là những trường có có yếu tố nước ngoài chứ không phải là trường quốc tế. Riêng Trường St.Nicolas, “theo quyết định thành lập thì tên gọi của trường là “Trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT St.Nicholas” không gắn kèm chữ quốc tế, nên nếu Trường St.Nicholas cũng như các trường khác tự gắn thêm cụm từ “quốc tế” trong giao dịch, nếu có, là không đúng với quy định”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ