Hơn 2.000 giáo viên hợp đồng Hà nội: Không còn cơ hội được xét tuyển đặc biệt?

GD&TĐ - Hơn 2.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất việc trước thềm năm học mới bởi không có một chế độ ưu tiên nào trong kỳ thi viên chức giáo dục. Xét tuyển thì không có văn bản chỉ đạo cụ thể; xét đặc cách thì không đủ điều kiện; thi tuyển bình thường thì như một thí sinh tự do.

Thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên hợp đồng Trường THCS Xuân Sơn (TX Sơn Tây, Hà Nội)
Thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên hợp đồng Trường THCS Xuân Sơn (TX Sơn Tây, Hà Nội)

UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tổ chức họp bàn, giải quyết dứt điểm công tác xét tuyển đối với tất cả các GV đã kí hợp đồng còn tồn đọng trong 20 năm qua trên địa bàn thành phố. Việc xét tuyển theo tinh thần xem xét, đánh giá toàn diện, hiệu quả quá trình công tác, trình độ, năng lực chuyên môn, kết quả công việc, sức khỏe, phù hợp với vị trí việc làm tại đơn vị và quá trình đóng bảo hiểm xã hội..., hoàn thành trước khai giảng năm học 2019 - 2020.

Số lượng GV còn lại mới tổ chức thi tuyển theo đúng quy định. Giao Sở GD&ĐT tăng cường giao ban, quán triệt nội dung chỉ đạo của thành phố tới các nhà trường để ổn định tình hình, tư tưởng của giáo viên, tránh gây bức xúc kéo dài trên địa bàn thành phố.

Trước đó, vào ngày 9/7/2019, tại phiên họp của HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền, thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể.

Các điều kiện gồm: Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây. Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe. Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là GV phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, lời hứa của người đứng đầu TP đã không được lãnh đạo các huyện triển khai. Trong các văn bản hướng dẫn tuyển dụng viên chức giáo dục của các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, TX Sơn Tây... đều khẳng định trên địa bàn không có trường hợp nào được tuyển dụng đặc biệt theo Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.

Các huyện, TX đều thống nhất lựa chọn hình thức: Thi tuyển đối với việc tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019. Thông báo này đã khép lại cơ hội được xét tuyển đặc biệt đối với các giáo viên hợp đồng. Điều này đồng nghĩa họ cũng không được hưởng bất cứ quyền lợi ưu tiên nào so với thí sinh tự do.

Đón nhận thông tin này, thầy Nguyễn Viết Tiến – giáo viên hợp đồng Trường THCS Xuân Sơn (TX Sơn Tây, Hà Nội) buồn bã cho biết, thầy và nhiều giáo viên khác đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng sau gần 20 năm công tác trong ngành Giáo dục. Thời điểm này đã cận kề với năm học mới, toàn bộ giáo viên hợp đồng (GVHĐ) TP Hà Nội đang vô cùng lo lắng, hoang mang vì những thắc mắc không thể giải thích nổi.

Thứ nhất, đã gần 5 tháng kể từ khi UBND TP Hà Nội ra quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 (ngày 7/3/2019), cho đến ngày 29/7/2019 TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra được quyết định tuyển dụng mang tính nhân văn.

Thứ hai, sau rất nhiều những lá đơn kiến nghị xét đặc cách của GVHĐ các huyện gửi tới các vị lãnh đạo từ địa phương đến T.Ư thì ngày 28/6/2019 TP Hà Nội ra Quyết định 3455/QĐ-UBND tưởng rất nhân văn nhưng cuối cùng không một GVHĐ nào đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt. Điều này khiến các GVHĐ đặt ra câu hỏi về tính khả thi của quyết định này.

Thứ ba, ngày 9/7/2019 tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khoá 15 Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ xét tuyển hết GVHĐ với 3 điều kiện: Có từ 5 năm trở lên có đóng bảo hiểm đến nay; có đủ sức khỏe và có trình độ chuyên môn phù hợp với mô tả vị trí việc làm. Lời nói của Chủ tịch UBND TP đã làm cho biết bao GVHĐ rơi nước mắt vì người đứng đầu TP có một quyết sách mang tính nhân văn cao cả, thấu tình đạt lý.

Tuy nhiên, lãnh đạo các huyện lại không thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung vì cho rằng đây chỉ là lời nói, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đến nay, rất nhiều huyện ra thông báo tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 bằng hình thức thi tuyển, không xét tuyển đặc biệt đối với các GVHĐ công tác lâu năm, trái với chỉ đạo của người đứng đầu TP.

Thầy Tiến bộc bạch: GVHĐ chúng tôi đang có cảm giác bị lừa dối, mất niềm tin. Chúng tôi đã rất hi vọng vào những quyết định nhân văn của TP. Tuy nhiên, ngày khai giảng năm học mới - hạn chót để giải quyết trường hợp của các GVHĐ đang đến gần mà chúng tôi vẫn không thể được xét tuyển đặc biệt. Các GVHĐ đang đứng trước nguy cơ sẽ phải rời khỏi ngành sau rất nhiều năm cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ