Đổi thanh xuân lấy nụ cười con trẻ

GD&TĐ - Trên những đỉnh núi cao hay ẩn mình trong cánh rừng già, khi điện, đường chưa có nhưng đâu đó vẫn vang lên tiếng đọc bài ê, a của lũ trẻ. Đồng hành với các em là đội ngũ giáo viên cắm bản. Tháng tháng, ngày ngày miệt mài cùng trang giáo án, vui theo tiếng cười trong veo của học trò để rồi một ngày, các cô giật mình nhận ra chưa tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

Mải mê gieo chữ, nhiều GV cắm bản quên tuổi xuân của mình. Ảnh: Thiên Thanh
Mải mê gieo chữ, nhiều GV cắm bản quên tuổi xuân của mình. Ảnh: Thiên Thanh

Dành trọn tuổi xuân cho nghề

Tháng 9, dòng suối Mo Phí (tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên) vẫn róc rách chảy như muốn kể cho chúng tôi nghe biết bao chuyện đời, chuyện người giữa chốn rừng sâu nơi cực Tây của Tổ quốc. Con suối này đã “chứng kiến” bao buồn vui của các thế hệ giáo viên đến đây công tác rồi tự nguyện ở lại bám trường, bám lớp khi lỡ yêu nghề, mến trẻ vùng biên.

Gặp thầy giáo Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé tại ngã ba biên giới A Pa Chải. Thuyết phục mãi, thầy mới “mở lòng” tâm sự về hoàn cảnh đặc biệt của một số cô giáo đã dành trọn tuổi thanh xuân nơi địa đầu Tổ quốc cho sự nghiệp “trồng người”.

Đó là câu chuyện của cô giáo P.T.T (32 tuổi), công tác tại đơn vị trường học thuộc xã Mường Nhé, sau bao đêm trăn trở rồi quyết định nộp đơn lên Phòng GD&ĐT huyện xin được sinh con ngoài giá thú. Lá đơn ngắn ngủi được cô P.T.T nắn nót từng chữ nhưng thấm đẫm nước mắt với khát khao được thực hiện quyền làm mẹ một cách chính đáng.

Trong đơn cô viết: “Để đảm bảo cuộc sống hiện tại và tương lai của cá nhân tôi. Nay tôi viết đơn này với nguyện vọng thiết tha là được nhà trường và Phòng GD&ĐT tạo điều kiện cho tôi thực hiện quyền làm mẹ. Phương pháp sinh con: Nhờ y học can thiệp. Nếu được tôi xin hứa sẽ không làm ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Một mình nuôi con dưới sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình và xã hội. Chăm lo, dạy dỗ, giáo dục con trong điều kiện tốt nhất mà cá nhân tôi có được”.

“Là phụ nữ, họ hoàn toàn có quyền được làm mẹ. Tình trạng trên xảy ra do tỷ lệ nam – nữ không cân đối nên khi đến mỗi đơn vị công tác, những cặp đôi tìm hiểu nhau, “tâm đầu, ý hợp” thì nên duyên vợ chồng. Những cô còn lại không biết “ghép đôi” với ai. Thời gian trôi qua, họ “quá lứa, nhỡ thì” nên mới nảy sinh ra chuyện đó”, thầy giáo Trần Ngọc Kiên tâm sự.

Làm sao vẹn đôi đường

Tình trạng giáo viên xin được sinh con ngoài giá thú phổ biến nhất khoảng 10 năm về trước khi huyện Mường Nhé chưa chia tách thành hai huyện Mường Nhé và Nậm Pồ như bây giờ. Thời điểm đó, giao thông đi lại khó khăn. Từ trung tâm huyện đến các xã Pá Mỳ, Na Cô Sa, Nà Hỳ, Nà Bủng... nhiều đoạn đường chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Giáo viên có khi cả tháng chẳng có việc gì để ra “đường nhựa”, chỉ quẩn quanh trong bản.

Nhìn các cô hàng ngày cặm cụi với lũ trò nhỏ, tối lại chăm sóc con thơ, vất vả, cơ cực khi thiếu trụ cột gia đình, hơi ấm người cha nhưng thẳm sâu trong ánh mắt vẫn ánh lên niềm vui. Hy vọng tiếng bi bô của con trẻ cùng tiếng cười trong trẻo của học trò vang lên mỗi ngày là động lực tiếp sức cho các cô theo đuổi con đường mình đã chọn, đã yêu và gắn bó cả cuộc đời.

Trong khu nhà công vụ, những thầy cô tìm được tiếng nói chung tíu tít chăm sóc tổ ấm của mình, những nữ giáo viên cắm bản còn lại thui thủi một mình. Họ gần như không có cơ hội tìm hạnh phúc bởi bất đồng về ngôn ngữ với người bản địa. Một phần cũng do sự khác biệt về văn hóa, trình độ và điều kiện sống nên hầu như không thể “kết duyên” cùng thanh niên địa phương. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, thanh xuân các cô dành trọn cho trường, lớp, cho bọn trẻ vô lo vô nghĩ đến lúc giật mình nhìn lại đã bước sang tuổi xế chiều. Lúc này, nhu cầu nghe tiếng bi bô của trẻ thơ bùng lên, thôi thúc các cô thực hiện thiên chức làm mẹ.

“Về mặt pháp lý, Phòng GD&ĐT không thể ngăn cấm. Còn về quản lý Nhà nước, sau khi nhận được đơn, chúng tôi mời từng cô về để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Biết được nỗi lòng của giáo viên, tôi giao cho bộ phận tổ chức phân tích cho các cô ấy hiểu. Quan điểm của Phòng là: Không biết các cô xin con ai, nhưng để đảm bảo quyền lợi đề nghị giáo viên viết đơn, gửi về Phòng. Cam kết không để xảy ra kiện cáo, chấp nhận tự nuôi con”, thầy giáo Trần Ngọc Kiên chia sẻ.

Theo thầy Kiên, mỗi năm Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé tiếp nhận khoảng 2 trường hợp cô giáo xin được sinh con ngoài giá thú. Hầu hết các cô đều ở độ tuổi ngoài 30. Sau khi nguyện vọng cá nhân được đáp ứng, một số giáo viên đã chuyển vùng. Cũng có nhiều người ở lại đơn vị cũ công tác và nguyện tiếp tục gắn bó để xây dựng quê hương thứ hai nơi địa đầu Tổ quốc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ