Cô Ngọc “cười”

GD&TĐ - Nhiều thầy cô, học sinh gọi cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc, giáo viên môn Công Nghệ - trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) với cái tên thân thương là cô Ngọc “cười”.

Cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc luôn tươi cười dù gặp phải bất cứ chuyện gì.
Cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc luôn tươi cười dù gặp phải bất cứ chuyện gì.

Bởi, ấn tượng đầu tiên khi gặp cô là nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Dù trong bất kì hoàn cảnh gì, cô Ngọc vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Năm 2006, cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, cô về giảng dạy tại trường THPT Ngô Gia Tự với bộ môn Công nghệ. Khi mới đứng trên bục giảng, mỗi ngày cô Ngọc phải vượt quãng đường hơn 12km để giảng dạy cho các em học sinh. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có xe máy để đi lại nên việc đến trường gieo chữ cho học trò của cô gặp nhiều trắc trở.

Bố mất sớm, người mẹ già yếu, lại mang nhiều di chứng do chiến tranh để lại nên cô vừa phải hoàn thành tốt công việc trên trường, vừa đảm đương việc nhà. Khó khăn cứ thế chồng chất lên đôi vai gầy của cô giáo trẻ. Tuy nhiên, cô Ngọc chưa một lần than vãn mà luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày.

Để bồi dưỡng thêm nghiệp vụ, cô Ngọc xin dự giờ ở nhiều lớp để học hỏi cách dạy của các giáo viên trong trường. Qua đó, cô bồi dưỡng, chắt lọc để giảng dạy các em học sinh được tốt hơn.

Cô Ánh Ngọc (bên phải) và cô Trần Lệ Nguyễn Lam Phương thường xuyên chia sẻ với nhau về công việc cũng như cuộc sống.
Cô Ánh Ngọc (bên phải) và cô Trần Lệ Nguyễn Lam Phương thường xuyên chia sẻ với nhau về công việc cũng như cuộc sống.

Cô Ngọc tâm sự, sau khi lấy chồng cô sinh được 2 người con. Tuy nhiên, con gái đầu 13 tuổi của cô bị khiếm thính bẩm sinh nên toàn bộ thu nhập của gia đình đều dùng để chạy chữa cho con. Mong con được như bạn bè cùng trang lứa, gia đình cô Ngọc đưa con từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Kinh phí chữa trị không đủ, cô Ngọc phải vay mượn khắp nơi, nhưng bệnh tình của con vẫn không thuyên giảm. Do đó, gia đình phải dùng máy trợ thính để giúp cháu đến trường học con chữ.

“Con thường xuyên phải chữa bệnh nên đi học chậm hơn các bạn 1 năm. Mặc dù mình cố gắng giành nhiều thời gian hơn cho con, nhưng khả năng nghe và nói còn chậm. Mình thương con nên sẽ cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ con nhiều hơn. Mình tin gia đình mình và con sẽ làm được. Mọi khó khăn, gian khổ đều có thể vượt qua”, cô Ánh Ngọc tâm sự.

Cô Ánh Ngọc giảng dạy các em học sinh.
Cô Ánh Ngọc giảng dạy các em học sinh.

Mặc dù công việc bận rộn, nhưng cô Ngọc vẫn làm tốt nhiệm vụ của một giáo viên và Phó bí thư Đoàn trường. Không chỉ vậy, cô luôn đạt nhiều thành tích cao: Giải Ba trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai (2013 – 2014); Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hội thi “Tìm hiểu Công đoàn Việt nam – 85 năm xây dựng và phát triển”; giải khuyến khích trong cuộc thi viết và thuyết trình về tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - 2018 do Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức…

Ngoài ra, cô Ngọc còn bổ sung kiến thức và kỹ năng qua đọc sách, tham gia các khóa học trên mạng, áp dụng công nghệ thông tin... Qua đó, cô cùng các giáo viên hướng dẫn cho học sinh tham gia các cuộc thi như: Hội thi ứng dụng công nghệ thông tin trong cán bộ, công chức, viên chức huyện Eakar (đạt giải Nhì); đạt 1 giải Nhì và1 giải Ba cấp tỉnh trong cuộc thi Vô địch tin học văn phòng thế giới năm 2019 dành cho học sinh… Không những vậy cô Ngọc còn tiên phong tham gia các khóa đào tạo với mục đích nâng cao nhận thức, đổi mới phương pháp dạy học.

Khi hay tin mình là nhân vật chính trong tác phẩm của cô Trần Lệ Nguyễn Lam Phương, giáo viên Sinh học gửi tham dự cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 – 2020 cô Ngọc khá bất ngờ: “Mình thấy có nhiều người hoàn cảnh khó khăn, tâm huyết hơn trong giáo dục. Bản thân mình còn trẻ, chưa có nhiều cống hiến cho ngành nên cảm thấy chưa thực sự xứng đáng. Mình chỉ biết cố gắng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mình hy vọng sau này các em sẽ học thật tốt, yêu quý và giúp đỡ mọi người. Có như vậy đất nước ta mới ngày càng giàu đẹp”.

Nói về tương lai sau này, cô Ngọc cho hay, bản thân cô sẽ cố gắng, nổ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự gửi gắm của cô Phương trong tác phẩm Cô Ngọc “cười” ở mái trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk.

“Mình luôn vui vẻ, nở nụ cười thật tươi dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Mình tin rằng, bản thân cứ lạc quan, vui vẻ sẽ giúp cuộc sống của mình tốt đẹp lên mỗi ngày. Qua đó, mình cũng mong truyền năng lực tích cực đến với mọi người. Như vậy cuộc sống sẽ dễ chịu, mọi người sẽ yêu thương nhau nhiều hơn”, cô Ngọc tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ