Cho tôi trở lại những ngày...

GD&TĐ -Tôi ngồi viết những dòng này khi đợt gió mùa đông bắc đầu mùa đang tràn về. Gió thổi ràn rạt ngoài cửa sổ kèm theo những cơn mưa ngắn mà nặng hạt ào qua. Ngoài kia trời đang chuyển lạnh nhưng trong căn phòng tôi ngồi viết này thật ấm áp. Tôi bỗng nghĩ tới khái niệm “nhà”. 

TS Nguyễn Danh Bình - Nguyên Tổng biên tập Báo GD&TĐ trao quà cứu trợ
cho Trường THCS Bồng Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) tháng10/ 2010.
TS Nguyễn Danh Bình - Nguyên Tổng biên tập Báo GD&TĐ trao quà cứu trợ cho Trường THCS Bồng Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) tháng10/ 2010.

Báo Giáo dục và Thời đại (GD&TĐ) đã bước sang tuổi 55, cái tuổi đang độ chín sau trải nghiệm và vượt qua biết bao thử thách. Tờ báo thân yêu là nơi tôi đã có những tháng năm gắn bó và dồn bao tâm huyết cho công việc làm báo giáo dục. 

Tự sâu thẳm trong tâm thức và tâm cảm, tôi luôn coi tòa soạn Báo GD&TĐ nơi mình làm việc là nhà. Khi còn đương chức, những khi đi công tác xa tòa soạn, tôi chỉ mong sớm hoàn thành công việc để trở về. 

Bây giờ nghỉ hưu rồi, mỗi khi có dịp đến cơ quan, những cái bắt tay nồng nhiệt, những nụ cười rạng rỡ của anh em, của các phóng viên và nhân viên trẻ, của bạn bè đồng nghiệp ở tòa soạn khiến tôi thấy ấm cúng biết bao.

Thời gian trôi một đi không trở lại. Thật oan cho thời gian khi ai đó cho rằng nó vô tình. Thời gian thật giàu tình cảm vì nó gắn liền với biết bao kỷ niệm của cuộc đời ta. Nếu muốn trở lại những ngày đã qua, có cách nào hơn là nhớ về những kỷ niệm, là hoài niệm. 

Quên sao được những ngày làm báo bận rộn, lắm căng thẳng nhưng cũng thật hào hứng. Mùa tuyển sinh, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Rồi tổng kết năm học. Rồi khai giảng năm học mới... Việc này chưa xong việc khác đã chồng lên. 

Thật mừng khi ngành Giáo dục đã thực hiện được những việc lớn, để lại được dấu ấn trên con đường đổi mới và phát triển: Đó là cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, sửa đổi Luật Giáo dục (năm 2009)… và đặc biệt đã xây dựng thành công Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Luật Giáo dục Đại học. 

Những công việc, sự kiện như vậy đã làm cho dòng sông thời gian đầy thêm ý nghĩa. Suốt quá trình này, Báo GD&TĐ và những người làm báo giáo dục luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục với việc đưa tin cập nhật, với các số báo chuyên đề, với các diễn đàn được mở ra trên mặt báo về các vấn đề nóng của giáo dục v.v...

Báo GD&TĐ không chỉ là tờ báo của giáo dục mà còn là tờ báo của “Thời đại”, của xã hội. Tin tức mọi mặt về các lĩnh vực kinh tế - xã hội được phản ánh thường xuyên trên các ấn phẩm của Báo. Báo luôn có những số đặc biệt, các tin bài chuyên sâu về các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước. 

Thật không thể quên không khí của những ngày làm báo Tết, với việc chuẩn bị ra các số báo tăng trang, gộp số, các số báo nhô Chào năm mới, số Tết âm lịch và số Tân Xuân... 

Báo GD&TĐ còn tham gia một cách trách nhiệm vào các sự kiện lớn của đất nước. Báo đã có nhiều bài về chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng được bạn đọc hoan nghênh... 2.Thời gian cứ trôi, mọi sự vật sẽ già đi, chỉ có kỷ niệm còn trẻ mãi. 

Có khi chỉ cần đọc lại một bài viết của mình thì biết bao kỷ niệm lại ùa về sống động. Nhớ nhiều đêm chờ bài, chờ tin phải cùng tòa soạn làm báo muộn, khi về nhà thì phố phường đã đi vào giấc ngủ. Nhớ những khi phải làm báo điện tử đến 1-2 giờ sáng để sáng sớm bạn đọc có món “điểm tâm” khi lướt mạng. 

Làm sao quên được những ngày nghỉ cuối tuần, dù rất ái ngại nhưng vẫn phải huy động, chỉ đạo anh em làm tin, viết bài. Tôi sẽ nhớ mãi trạng thái thăng hoa của mình vào mùa hè năm 2012, khi tôi cùng anh em ở Cơ quan thường trú các tỉnh phía Nam viết chùm bài về các trường đại học ngoài công lập – một đề tài lớn được xã hội rất quan tâm; Chùm bài này về sau đã được nhiều cây bút tham khảo. 

Tôi không bao giờ quên những hội nghị cộng tác viên miền Trung - Tây Nguyên của báo đầy xây dựng và nghĩa tình với sự tham gia của nhiều vị lãnh đạo các địa phương, các trường đại học, các Sở Giáo dục & Đào tạo cùng đông đảo các cộng tác viên khác. 

Chợt nhớ đến đêm nào thức trắng rút ruột để viết bài về cuộc vận động “Hai không”; sáng ra, chân mình đi trên mặt đất mà thấy nhẹ bỗng như không có trọng lượng, mệt bải hoải mà vui vì có được bài viết nói được những điều tâm đắc. (Bài viết này của tôi sau khi đăng đã được nhiều sinh viên báo chí tham khảo khi làm tiểu luận hoặc luận văn về chống tiêu cực trong giáo dục)... 

Làm sao có thể kể hết những kỷ niệm sâu sắc một thời làm báo. Tôi xin dừng dòng hoài niệm của mình bằng hồi ức về một chuyến công tác đặc biệt. Tháng 10/2010, lũ chồng lên lũ ở suốt dải miền Trung.

 Khi đó, đoàn công tác của Báo GD&TĐ cùng các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm đã đi về vùng rốn lũ để cứu trợ. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đến một trường trung học cơ sở của huyện Vũ Quang, HàTĩnh tặng quà cứu trợ cho các cháu học sinh. 

Tôi đã đứng trên nền một phòng học còn lép nhép bùn đất duyệt bài viết về buổi học đầu tiên sau lũ để kịp đăng ngay lên báo điện tử. Cũng ngày hôm đó, buổi chiều muộn, đoàn chúng tôi đến thăm gia đình cô Trần Thị Hoa, giáo viên trường mầm non Hương Thủy, Hương Sơn, Hà Tĩnh. 

Vì lao mình giữa dòng nước lũ để cứu tài liệu dạy học mà cô Hoa đã bị lũ cuốn trôi. Xe chúng tôi lăn bánh theo một con đường nhỏ đầy bùn đất, bên cạnh đường là những khóm tre già còn in dấu ngấn nước lũ ngập đến hai phần ba thân tre. Trên đầu chúng tôi mây đen trĩu nặng. 

Dừng xe và đi bộ băng qua một cánh đồng nhỏ, chúng tôi đến ngôi nhà tiêu điều sau lũ, thắp hương cho cô Hoa và tặng quà cho người chồng góa bụa cùng hai đứa con nhỏ mồ côi của cô mà ngậm ngùi nghĩ đến sự mong manh của kiếp người. 

Trên đất nước mình, có biết bao thầy giáo, cô giáo đang thầm lặng mang hết tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Nếu có ai vì lý do nào đó mà dội nước lạnh vào bầu nhiệt huyết ấy thì thật buồn biết bao. Mong sao giáo dục ngày càng nhận được nhiều hơn sự cảm thông, chia sẻ của xã hội.

Hiện nay ngành Giáo dục đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tư tưởng giáo dục nhằm phát triển năng lực người học và nhiều tư tưởng đổi mới giáo dục khác vốn là ước mong của không chỉ một thế hệ người làm giáo dục nay đã được khẳng định trong một nghị quyết lớn của Đảng. 

Hướng đi đúng và con đường đã mở, nhưng đi như thế nào cho đến đích thật còn lắm gian nan. Từ thời trẻ, tôi đã rất thích hai câu thơ của nhà thơ Hy Lạp Yanít - Ritxốt: “Biết được những giới hạn của sức mình - Là để chúng ta tìm ra cách vượt”. 

Vượt lên chính mình, vượt lên trước thời của mình đang sống là một tư tưởng thật sâu sắc và có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Không có động lực vượt lên thì không thể có sự phát triển. Nghị quyết 29 đã toát lên tư tưởng vượt lên như vậy. Vấn đề đặt ra ở đây đòi hỏi người làm báo phải nỗ lực vào cuộc cao hơn nữa.

Báo GD&TĐ đã 55 tuổi. Chắc chắn ai cũng mong cho tờ báo tiếp tục vững bước trên con đường đi lên phía trước để ngày càng phục vụ hiệu quả hơn cho sự nghiệp trồng người. 

Mong rằng các thành viên của Báo bằng cả cái tâm của mình cùng xây đắp cho ngôi nhà chung ngày càng đàng hoàng, to đẹp và ấm cúng. Nếu có sự đồng thuận thì “tát biển đông cũng cạn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ