“Cây sáng kiến” môn Tiếng Anh

GD&TĐ - Cô Huỳnh Hữu Hạnh Nguyên là 1 trong 8 người vừa được tỉnh Tiền Giang phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Cô Hạnh Nguyên cùng HS lớp chuyên tiếng Anh.
Cô Hạnh Nguyên cùng HS lớp chuyên tiếng Anh.

Cô Nguyên dạy tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Tiền Giang được nhắc đến với hình ảnh tận tụy, tận tâm với nghề.

Truyền thống gia đình chảy trong huyết mạch

Sinh ra gia đình có truyền thống nghề giáo, cô Hạnh Nguyên chọn nghiệp dạy học như một sự tiếp nối. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TPHCM, năm 1995 cô được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang. Khi Trường THPT chuyên được thành lập, năm 1996 cô được phân công về dạy tại đó cho đến nay.

Gần 25 gắn bó với ngôi trường vốn là nơi đào tạo nhân tài của tỉnh, cùng đồng nghiệp, cô Hạnh Nguyên đã có nhiều đóng góp trong việc đặt nền tảng, đào tạo và bồi dưỡng những học sinh năng khiếu môn Tiếng Anh.

Cô Hạnh Nguyên nhớ lại: Năm 1996, trường chuyên mới thành lập, cơ sở được tận dụng từ một cơ quan nên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy còn thiếu thốn. Chương trình giảng dạy cho khối chuyên hầu như không có… Thời điểm ấy giáo viên trường chuyên hầu hết là những người giỏi được tuyển từ các trường về. Nhờ thế cô Hạnh Nguyên cũng học được từ đồng nghiệp rất nhiều kỹ năng giảng dạy, soạn bài cho học sinh năng khiếu…

Để đáp ứng công tác giảng dạy, năm 2003, cô tranh thủ hoàn thành khóa học sau đại học. Năm 2011, cô được Bộ GD&ĐT cử đi học khóa học chuyên môn sâu về Tiếng Anh tại Singapore cùng với giáo viên các tỉnh thành cả nước. Với những nỗ lực không ngưng nghỉ, cô được xếp thứ nhất toàn khóa học.

Giờ lên lớp của cô Hạnh Nguyên bao giờ cũng tạo cho các em học sinh một không khí học tập cởi mở. Giúp các em có tâm lý thoải mái, hứng thú với hoạt động trên lớp. Cùng với việc áp dụng phương phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác ngữ liệu, học liệu trên Internet để đa dạng hóa nội dung bài học. Trong giờ học, cô Hạnh Nguyên còn khơi gợi trong các em những khả năng, giúp các em tự tin vào bản thân mình. Không chỉ là giáo viên giỏi chuyên môn, trong công tác chủ nhiệm, cô rất hiểu tâm lý học sinh. Cô kịp thời chia sẻ, động viên giúp các em biết cách tự đứng lên khi thất bại, biết vượt qua những biến cố cuộc đời...

Em Nguyễn Huy Phúc, học trò cũ của cô chia sẻ: “Em bất ngờ nhận được thiệp chúc từ cô khi em không còn học với cô nữa. Những dòng chữ rất đẹp, thân thương của cô đã truyền cảm hứng cho em tiếp tục tự tin trong cuộc sống”.

Cô Huỳnh Hữu Hạnh Nguyên.
Cô Huỳnh Hữu Hạnh Nguyên.

Không ngừng truyền lửa cho trò

Với cách dạy hiệu quả và sự tận tâm, cô Hạnh Nguyên được phân công thêm nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Tiếng Anh. Thế là cô lại tiếp tục nghiên cứu và tìm phương pháp thích hợp bởi các em học đội tuyển kiến thức khá tốt. Nếu không chuẩn bị tốt sẽ không tận dụng tốt thời gian để giúp các em phát huy sở trường, khắc phục những điểm còn thiếu sót...

Cựu học sinh Giang Thị Kim Tú (niên khóa 1998 - 2001 từng 2 lần giành giải học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh), nay là giáo viên chia sẻ: “Nhớ một lần được cô khen trước lớp vì trả lời được câu hỏi khó. Từ đó làm động lực tiếp lửa cho tôi tìm tòi, học hỏi thêm. Sau này khi ra trường tôi cũng áp dụng thường xuyên việc khen - khích lệ này để tạo động lực cho học trò của mình”.

Những năm qua, tổ Tiếng Anh của Trường THPT chuyên Tiền Giang đạt được nhiều thành tích, trong đó có đóng góp của cô Hạnh Nguyên. Đặc biệt, số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp khu vực mỗi năm đều tăng. Các cuộc thi: Hùng biện tiếng Anh, Thi tài năng OTE... đều đạt thành tích cao. Cùng với đó là nhiều chương trình tăng cường năng lực tiếng Anh được triển khai một cách hiệu quả như: Hợp tác với tình nguyện viên nước ngoài, giảng dạy TOEIC và TOEFL iBT đã giúp học sinh nhà trường giành được học bổng du học nước ngoài...

Không ngừng đổi mới giảng dạy, cô Hạnh Nguyên còn tích cực đúc kết những kinh nghiệm giảng dạy. Qua đó, giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng tiếng Anh và chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp trong tỉnh. Một số đề tài, sáng kiến của cô được phổ biến rộng rãi như: Bộ đồ chơi từ vựng trong hoạt động “Warm-up”; TOEFL và bài đọc hiểu của học sinh THPT; Kỹ thuật diễn giải và chiến lược làm bài thi môn đọc THPT; Những tiện ích quý giá của Movie Trailers trong nghe hiểu cho học sinh THPT...

Theo thầy Võ Ngọc Ánh, chuyên viên Bộ môn Tiếng Anh (Sở GD&ĐT Tiền Giang) cho biết: Cô Hạnh Nguyên là một trong những giáo viên cốt cán bậc THPT. Cô có nhiều đổi mới và sáng tạo trong dạy học và luôn nhiệt tình, hoà đồng, thân thiện, giúp đỡ đồng nghiệp. Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm của cô đã góp phần nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang. Điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của tỉnh Tiền Giang hằng năm đều đứng hạng cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trường THPT chuyên Tiền Giang thường xuyên có học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp quốc gia.

Với những nỗ lực, cô Hạnh Nguyên đạt nhiều thành tích: Danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh; “Chiến sĩ thi đua cơ sở” 13 năm liền; Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. Ngoài ra, cô còn được Công đoàn Giáo dục Việt Nam khen thưởng thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2008 - 2018”. Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang khen thưởng “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015; “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” giai đoạn 2016 - 2019. Công đoàn Giáo dục Tiền Giang khen thưởng “Xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2018. Cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học và thành tích tốt trong việc bồi dưỡng, giảng dạy học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…