“Lớp học kết nối” của cô giáo Ngữ văn

GD&TĐ - Tham dự một tiết học kết nối môn Ngữ văn của cô giáo Đỗ Thu Hà (giáo viên Trường THPT số 1 TP Lào Cai), nhiều người ngay lập tức cảm nhận được sự hấp dẫn và thú vị. Lớp học của cô Hà có 30 học sinh, kết nối với lớp học khác ở tận Đồng Nai, cùng bày tỏ ý kiến khác nhau về một bài học. 

Cô Đỗ Thu Hà và học sinh lớp 12D2 Trường THPT số 1 TP Lào Cai
Cô Đỗ Thu Hà và học sinh lớp 12D2 Trường THPT số 1 TP Lào Cai

Lớp học thú vị

Ứng dụng “công nghệ 4.0”, mô hình “Lớp học kết nối”của Trường THPT số 1, TP Lào Cai, với những tiết học được kết nối với các trường phổ thông hàng đầu trong và ngoài nước đem đến nhiều hiệu quả tích cực cho giáo viên và học sinh nhà trường.

Tham dự một tiết học kết nối môn Ngữ văn của cô giáo Đỗ Thu Hà (giáo viên Trường THPT số 1 TP Lào Cai), nhiều người ngay lập tức cảm nhận được sự hấp dẫn và thú vị của lớp học này khi 30 học sinh trong lớp kết nối với lớp học khác ở tận Đồng Nai. Hai lớp học cách xa nhau hơn 1.000 cây số. Cùng nhau học chung một bài học tại cùng một thời điểm, học sinh cả hai trường không hề bỡ ngỡ, lạ lẫm hay rụt rè. Với sự hỗ trợ của máy móc, trang thiết bị, các em hoàn toàn chủ động trong việc tiếp thu nội dung kiến thức cũng như trao đổi thông tin với trường bạn.

Em Nguyễn Liên Hương (học sinh lớp 12 D2) cho biết: “Em rất thích những tiết học kết nối của cô Hà. Tham gia tiết học này, chúng em không những được học hỏi, trao đổi kiến thức môn học, mà còn được rèn sự tự tin trong giao tiếp. Những tiết học như thế này, không những giúp học sinh được học hỏi, trao đổi nội dung kiến thức bài học, rèn kỹ năng giao tiếp, ứng xử trước đám đông”.

Từ nhiều năm nay, Trường THPT số 1 TP Lào Cai mở những tiết học kết nối với nhiều trường học cả nước. Ngoài tiết học Ngữ văn của cô Hà kết nối với Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai, còn rất nhiều tiết học của các môn học khác như Lịch sử, Địa lý, Toán học, Hóa học, Vật lý cũng được Trường THPT số 1 TP Lào Cai kết nối với nhiều trường THPT khác.

Không chỉ kết nối với các trường học trong nước, từ đầu năm 2018 đến nay, Trường THPT số 1 TP Lào Cai thực hiện nhiều tiết học kết nối bộ môn Tiếng Anh với học sinh và giáo viên các trường phổ thông của các nước như: Mỹ, Nga, Australia, Indonesia, Philippines, Thái Lan…

Cô Đỗ Thu Hà gây hứng thú cho HS khi ứng dụng công nghệ thành công trong dạy học
 Cô Đỗ Thu Hà gây hứng thú cho HS khi ứng dụng công nghệ thành công trong dạy học

Tấm gương sáng về tự học

Để thực hiện những tiết học kết nối, cô giáo Đỗ Thu Hà đã có nhiều sáng kiến, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nhóm giáo viên yêu thích công nghệ. Sau đó đề xuất với lãnh đạo nhà trường chuẩn bị các điều kiện về hệ thống máy tính, camera, máy chiếu, loa, đường truyền Internet để tiết học diễn ra suôn sẻ.

Nói về cô giáo Đỗ Thu Hà, các thầy cô ở Trường THPT số 1 TP Lào Cai đều cho rằng, cô là một trong những tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo, thông minh, linh hoạt, sự quyết tâm.

Cô Hà luôn có ý thức tự nâng cao, đổi mới để bắt kịp xu thế của thời đại. Là giáo viên cốt cán của tỉnh, là tổ trưởng chuyên môn nên ngoài công việc giảng dạy và lãnh đội, cô giáo luôn quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp của mình từ phương pháp tổ chức, tiếp cận công nghệ thông tin, xử lý tài liệu, hướng dẫn học sinh ôn tập, giúp đỡ học sinh chậm tiến bộ.

Trong công việc, cô Hà luôn thẳng thắn, dứt khoát nhưng cũng khiến mọi người quý trọng và nể phục bởi chuyên môn giỏi. Cô đã tạo ra sự lan tỏa tốt về sự sáng tạo, say sưa, tâm huyết với nghề. Mười hai năm tuổi nghề, thời gian chưa nhiều nhưng cô giáo đã đạt được độ chín về chuyên môn, điều mà bất cứ một giáo viên đứng lớp nào cũng mong muốn.

Với nhiều thành tích trong giảng dạy, cô Đỗ Thu Hà đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen của Sở GD&ĐT Lào Cai, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?