Kết nối nguồn lực, hỗ trợ hiệu quả để xây dựng trường học an toàn, thân thiện

GD&TĐ - Sau khi tiếp nhận nguồn lực, Sở GD&ĐT phải bàn giao cho các trường để sử dụng hiệu quả, các em học sinh phải được hưởng lợi chương trình.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam.

Ngày 28/11, tại tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam về việc triển khai Chương trình kết nối nguồn lực, xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025.

Cùng đi với đoàn công tác có ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT), nhà báo Dương Thanh Hương – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, cùng các đơn vị liên quan của Bộ GD&ĐT và các nhà tài trợ chương trình.

Còn nhiều khó khăn ở trường học miền núi

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 725 trường công lập. Trong đó, Mầm non có 226 trường, Tiểu học là 233 trường, TH&THCS là 38 trường, THCS là 218 trường và THPT là 54 trường. Với tổng số học sinh toàn tỉnh là 342.688 học sinh.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam báo cáo tại buổi làm việc.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam báo cáo tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, có 68 trường ngoài công lập, trong đó có 60 trường mầm non, 1 trường Tiểu học, 1 trường THPT và 6 trường có nhiều cấp học (trong đó có cấp học THPT), có 786 nhóm trẻ, 556 lớp mẫu giáo, 134 lớp phổ thông; 9.325 trẻ mầm non, mẫu giáo, 1.942 học sinh phổ thông.

Đại diện ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, về mạng lưới trường lớp công lập, sau khi Đề án sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam đến năm học 2024 – 2025 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện Đề án, trong đó chủ yếu tập trung vào thực hiện các giải pháp mà Đề án đã nêu ra để rà soát, bố trí lại mạng lưới trường, điểm trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập.

“Kết quả rà soát mạng lưới trường, điểm trường, lớp học và bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện nay so với năm học 2020 giảm 25 trường, 272 điểm trường. Tuy nhiên, quy mô lớp học tăng 330 lớp do số lượng học sinh tăng 16.851 em”, ông Tường thông tin.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tỉnh cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế trong những năm qua, cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới, đặc biệt đối với các huyện miền núi…

Cụ thể, hiện có nhiều phòng học được xây dựng từ khá lâu ở những điểm khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hiện không đáp ứng yêu cầu dạy học. Theo thống kê năm 2022, hiện toàn tỉnh vẫn còn 42 phòng học tạm tập trung ở huyện Nam Trà My và Tây Giang. Toàn tỉnh đang có 436 phòng học hư hỏng, đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn để sử dụng...

“Đây là những khó khăn cần được giải quyết kịp thời để đảm bảo cho các em học sinh có một môi trường học tập đảm bảo an toàn – nhu cầu cơ bản thiết yếu của mỗi học sinh khi đến trường. Nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn: phòng giáo dục nghệ thuật, phòng giáo dục thể chất, phòng đa chức năng, phòng làm việc của Ban giám hiệu. Các loại trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và vui chơi của học sinh đã xuống cấp, hư hỏng”, ông Tường cho hay.

Cạnh đó, một số khó khăn như: khu vui chơi, vận động cho học sinh ở các trường thuộc các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn chưa có...

Vị đại diện ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất, với những khó khăn, hạn chế nêu trên, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất các trường trên địa bàn, ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam cũng rất cần sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến giáo dục; quan tâm đầu tư xây dựng trường, lớp.

“Trong đó, ưu tiên các hạng mục như phòng học, phòng phục vụ học tập, phòng đa năng, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch… của các nhà hảo tâm sẽ là nguồn lực hỗ trợ tích cực, là niềm động viên lớn cho ngành giáo dục”, ông Tường đề xuất.

Báo cáo về thực trạng, nhu cầu đầu tư cho các trường mầm non, trường phổ thông cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Văn Nhị - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho hay, về quy hoạch mạng lưới có 1 trường Mầm non Hoa Mai, 9 trường mẫu giáo. Với tổng 107 lớp ở các độ tuổi. Trong đó, toàn huyện có 60 điểm trường với 76 lớp ở các điểm trường thôn nóc lẻ. Toàn huyện cũng có 19 trường phổ thông, với 286 phòng học.

Về tình hình cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cũng cho biết, hiện trên toàn huyện có 108 phòng học. Trong đó phòng học cấp 4 là 93 và 15 phòng học tạm. Đa số các trường đã có các phòng học thông thường phục vụ cho giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ…

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cũng đề xuất đề xuất xây mới và sửa chữa 24 phòng học phục vụ cho học tập, giảng dạy. Trong đó sửa chữa 6 phòng, xây mới 18 phòng. Cấp bổ sung 565 bộ bàn ghế học sinh và 70 bộ thiết bị đồ dùng và 70 bộ đồ chơi ngoài trời.

Ông Nguyễn Văn Nhị - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) nêu những khó khăn của ngành giáo dục huyện.

Ông Nguyễn Văn Nhị - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) nêu những khó khăn của ngành giáo dục huyện.

“Cần xây mới và sửa chữa 76 phòng học phục vụ cho việc học tập, giảng dạy ở cấp phổ thông, trong đó sửa chữa 20 phòng, xây mới 56 phòng. 47 phòng học bộ môn cần sửa chữa. Cấp bổ sung 655 bộ bàn ghế cho học sinh và thiết bị dạy học các lớp theo thông tư 37, 38 quy định thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học và THCS…”, Phó phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My đề xuất.

Ngoài ra cũng có một số khó khăn nhất định như: Chưa có hệ thống phòng giáo dục nghệ thuật, phòng giáo dục thể chất, phòng đa chức năng; một số đơn vị hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được nhu cầu ở các trường mẫu giáo.

Cam kết thực hiện hiệu quả chương trình

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã bày tỏ cảm ơn với sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, các nhà tài trợ đến làm việc, hỗ trợ ngành giáo dục, học sinh trên toàn tỉnh nhiều phần quà giá trị. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng cam kết sẽ cùng với Bộ GD&ĐT triển khai cụ thể các chương trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, tỉnh cũng đã đầu tư nguồn lực cho ngành giáo dục, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết hết được bất cập trong giáo dục, còn nhiều vấn đề trăn trở.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị UBND huyện Nam Trà My phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh để thực hiện tốt việc kết nối nguồn lực, xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Bên cạnh đó, phối hợp tốt với các doanh nghiệp triển khai các nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

“Đây là những việc trọng tâm mà huyện Nam Trà My phải thực hiện cho tốt. UBND huyện phải phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người. Sở GD&ĐT tỉnh tiếp cận thực hiện, xâu chuỗi nắm vụ việc, trên cơ sở đó tham mưu tỉnh giải quyết các đầu việc này”, ông Tuấn đề nghị.

Ông Trần Anh Tuấn cũng yêu cầu Sở GD&ĐT triển khai theo trình tự, đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời hiệu quả sử dụng phải cao.

Đối với việc tiếp nhận triển khai 35 tỷ đồng hỗ trợ trong chương trình "Sóng và máy tính cho em", ông Tuấn cho biết, trong tuần này Văn phòng UBND tỉnh sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh thống nhất chủ trương chương trình. Yêu cầu Sở GD&ĐT báo cáo tỉnh cụ thể cách làm, hình thức…

Hiện tỉnh Quảng Nam đang giao Sở GD&ĐT xác lập nội dung trong việc thực hiện đề án tổng thể liên quan đến cơ sở vật chất, hỗ trợ con người…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho hay, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận để đầu tư cho giáo dục. Hiện đang sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được tiến trình đổi mới căn bản giáo dục. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT đã chọn ra 30 điểm để kết nối nguồn lực xã hội, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trong đó có huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay, Bộ GD&ĐT đang kết hợp chặt chẽ với các địa phương về vấn đề giáo dục trên các địa bàn, từ ngân sách, con người… Các tỉnh thành phải chỉ đạo tổng thể về giáo dục trên địa bàn. Sở GD&ĐT phải phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện. Từ đó, ngành GD&ĐT các quận, huyện phải kết hợp chặt chẽ với UBND các, xã phường… để quản lý chặt chẽ các vấn đề giáo dục.

Nghị định 80 của Chính phủ đã tiếp cận theo cách trường học an toàn, lành mạnh thân thiện, như vậy Bộ GD&ĐT đang cụ thể hóa thêm một bước nữa chính là an toàn, thân thiện. Chính vì vậy, việc kết nối nguồn lực cũng gặp những khó khăn, nhưng khó khăn, vất vả ở đây cũng chỉ vì học sinh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, “Điều ước cho em” là chương trình lớn của Bộ GD&ĐT nhằm thay đổi cách tiếp cận trong tăng cường trách nhiệm của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực đầu tư, nhất là ở miền núi xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có nhiều khu công nghiệp.

Chương trình triển khai tại 600 trường học trên cả nước; trong đó Quảng Nam có 10 trường mầm non, 5 tiểu học, 5 THCS thuộc huyện Nam Trà My được hưởng chính sách này.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý, việc tiếp nhận 35 tỷ đồng trong chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại tỉnh Quảng Nam khi triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thứ trưởng Minh cũng yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, sau khi tiếp nhận nguồn lực từ chương trình, các sản phẩm phải bàn giao cho trường để sử dụng hiệu quả, đặc biệt các em học sinh phải được hưởng lợi từ chương trình.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tượng trưng món quà 6.500 bình lọc nước cho các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tượng trưng món quà 6.500 bình lọc nước cho các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trước thông tin việc đề án trang bị cơ sở vật chất, thu hút hỗ trợ giáo viên của UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam tham mưu cho tỉnh một số nội dung để đề án phải rõ ràng, giáo viên yên tâm công tác.

“Chặng đường mới sẽ còn rất dài, hy vọng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để từ đó Sở GD&ĐT kết nối đến UBND các quận, huyện, xã phường để đạt kết quả tốt nhất của chương trình”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Đề (bên trái) - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) trao tặng quà của nhà tài trợ cho Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Thanh Đề (bên trái) - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) trao tặng quà của nhà tài trợ cho Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam.

Dịp này, Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Phát triển Bền vững (SIPCO), Hội Thể thao học sinh Việt Nam cũng đã trao 6.500 bình lọc nước trị giá 7,1 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam. Quỹ Toyota trao tặng số tiền 320 triệu đồng để xây dựng 2 nhà vệ sinh cho học sinh.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) cũng trao 500 quả Bóng đá chương trình Bóng đá không giới hạn trị giá 150 triệu đồng. Doanh nghiệp khoa học Công nghệ DUCA cũng trao tặng 1 phòng học chuẩn thông minh Smart room dành cho 1 trường THCS và tặng đèn học thông minh. Công ty Colgate Palmolive tặng Sản phẩm kem và bàn chải, tờ rơi hướng dẫn chải răng...

Nhà báo Dương Thị Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao tặng 50 triệu đồng cho quỹ học bổng của tỉnh Quảng Nam.

Nhà báo Dương Thị Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao tặng 50 triệu đồng cho quỹ học bổng của tỉnh Quảng Nam.

Cũng tại chương trình, bà Dương Thị Thanh Hương – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại đã trao tặng 50 triệu đồng của Báo cho Quỹ học bổng của tỉnh Quảng Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ