Kết nối các thành phố ASEAN thông qua giáo dục đại học

GD&TĐ - Hội nghị giáo dục toàn cầu Going Global 2017 diễn ra tại London, Vương quốc Anh từ ngày 22-24 tháng 5 với sự tham gia của hơn 900 lãnh đạo giáo dục của hơn 80 quốc gia trên thế giới. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham gia các phiên thảo luận về liên kết đào tạo trong khu vực ASEAN, không gian sáng tạo và kết nối các thành phố ASEAN thông qua giáo dục đại học.

GS,TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - cùng lãnh đạo giáo dục các nước ASEAN đã thảo luận về Kết nối các thành phố địa phương trong ASEAN thông qua Giáo dục Đại học
GS,TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - cùng lãnh đạo giáo dục các nước ASEAN đã thảo luận về Kết nối các thành phố địa phương trong ASEAN thông qua Giáo dục Đại học

Going Global là hội nghị giáo dục toàn cầu được Hội đồng Anh tổ chức thường niên tại nhiều quốc gia. Hội nghị là diễn đàn để các nhà lãnh đạo giáo dục toàn cầu tranh luận về tương lai của lĩnh vực giáo dục đại học và dạy nghề. Chủ đề của Going Global 2017 là Các thành phố toàn cầu – kết nối nhân tài, thúc đẩy đổi mới.

Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng lãnh đạo giáo dục các nước ASEAN đã thảo luận về Kết nối các thành phố địa phương trong ASEAN thông qua Giáo dục Đại học.

Câu chuyện phát triển của ASEAN vốn tập trung vào các thủ đô và trung tâm tài chính như Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta và một số thành phố lớn khác. Tuy nhiên, tầm nhìn tương lai cho cộng đồng ASEAN vượt ra ngoài khuôn khổ của các thủ đô và trung tâm tài chính này, hướng đến thu hút đầu tư cho những thành phố trực thuộc các địa phương xa trung tâm để mở rộng phạm vi kinh tế, giảm sự chênh lệch giàu nghèo, củng cố sự phát triển bền vững xã hội của các quốc gia trong cộng đồng.

Hướng theo tầm nhìn đó, sự dịch chuyển đa chiều về tri thức và nhân lực trong khối thông qua giáo dục đại học được xác định là một công cụ hiệu quả để hỗ trợ công cuộc hội nhập và kết nối giữa mười quốc gia thành viên ASEAN và xây dựng bản sắc khu vực. Phiên thảo luận tập trung vào vai trò của các chính sách giáo dục đại học trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để hỗ trợ dòng chuyển dịch của lao động và nhân tài giữa các thành phố.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu: ‘Chủ đề Các thành phố toàn cầu – kết nối nhân tài, thúc đẩy đổi mới của Going Global 2017 có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam  trong bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các thành phố toàn cầu có thể được hiểu là nơi hội tụ những điều kiện về kinh tế, xã hội, kết nối, công nghệ và hạ tầng để có thể thu hút mạnh mẽ đầu tư quốc tế, thu hút nhân tài đến làm việc/ Nền tảng để phát triển bền vững những thành phố này trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy dòng chuyển dịch đa chiều của lực lượng lao động giữa các nước. 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng Ông Vongthep Arthakaivalvatee, Phó Tổng thư ký ASEAN và lãnh đạo giáo dục các nước trong khối trình bày tham luận và chủ trì phiên thảo luận về chủ đề “Kết nối các thành phố ASEAN thông qua giáo dục đại học”

‘Những thành phố toàn cầu trước hết tập trung vào những đô thị lớn nơi có sẵn cơ sở hạ tầng tốt và các trường đại học nổi tiếng và sau đó lan toả ra các thành phố ở các địa phương khác. Going Global 2017 mang lại cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục cơ hội tuyệt vời để tham khảo những mô hình thành phố toàn cầu trên thế giới. Những kinh nghiệm của các quốc gia phát triển ở các khu vực khác nhau rất hữu ích cho Việt Nam cũng như cho các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN trong phát triển chính sách giáo dục đào tạo để tạo nền tảng hình thành các thành phố toàn cầu trong khu vực’.

Ông Nguyễn Xuân Vang trình bày tham luận về liên kết đào tạo

Để hỗ trợ cho sự phát triển hợp tác giữa các thành phố trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua văn hóa, giáo dục, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Việt Nam đã thực hiện 5 hoạt động chính: (1) tạo điều kiện cho người dân hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ của các nước trong khối thông qua các festival, xuất bản từ điển, dạy ngôn ngữ của các nước trong khối; (2) thúc đẩy trao đổi sinh viên thông qua các chương trình học bổng của nhà nước và khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp trao học bổng cho sinh viên các nước ASEAN đến học tập tại Việt Nam; (3) hỗ trợ các dự án hợp tác, các chương trình liên kết giáo dục đào tạo giữa các nước trong khu vực; (4) ban hành khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi công nhận văn bằng, chứng chỉ và sự dịch chuyển lao động trong khối; (5) hỗ trợ các chương trình nghiên cứu khoa học chung thông qua các đề tài nghị định thư, phối hợp chặt chẽ với các trường đại học trong khối hình thành hệ thống trích dẫn khoa học khu vực.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia cởi mở với giáo dục quốc tế với 310 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó Vương quốc Anh đứng thứ 3 trong các quốc gia có nhiều chương trình liên kết đào tạo.

Ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có bài trình bày giới thiệu bức tranh toàn cảnh về liên kết đào tạo tại Việt Nam, bao gồm các chính sách hướng tới hợp tác quốc tế trong giảng dạy và cấp bằng của Chính phủ Việt Nam cũng như những lợi ích và thách thức Việt Nam đang gặp phải.

Các chính sách này của Chính phủ định rõ quy trình phê duyệt các chương trình liên kết đào tạo, tạo hành lang để khuyến khích phát triển hình thức đào tạo này, đặc biệt với dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 16/12/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ