Trong những năm qua, Đề án 1816 đã phát huy vai trò trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.
Nhờ đó, người bệnh trên cả nước được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn ngay tại địa phương, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển, giảm bớt mệt mỏi cho người bệnh và cả người nhà người bệnh.
Trong khuôn khổ Đề án, tính riêng từ năm 2020 - 2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức chuyển giao 24 gói kỹ thuật/ đào tạo với trên 500 lượt kỹ thuật.
Qua đó, góp phần hỗ trợ, tăng cường năng lực chuyên môn trong lĩnh vực huyết học – truyền máu của nhiều bệnh viện, Trung tâm Huyết học – Truyền máu.
Theo kế hoạch của Đề án 1816 năm 2023, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương sẽ thực hiện 9 gói chuyển giao kỹ thuật gồm: Xét nghiệm Huyết thanh học nâng cao II; Sinh thiết tủy xương; Tư vấn và điều trị bệnh thalassemia;
Chẩn đoán và điều trị Von Willebrand và các rối loạn đông cầm máu khác; Tư vấn và xử trí tác dụng phụ điều trị hóa chất trên bệnh nhân lơ-xê-mi; Quy trình điều trị và chăm sóc người bệnh điều trị hóa chất tích cực trên bệnh nhân lơ-xê-mi;
Xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán bệnh lý huyết sắc tố; Xét nghiệm di truyền chẩn đoán bệnh thalassemia; Ghép tế bào gốc bệnh đa u tủy xương.
Ngoài ra, Viện cũng tổ chức hỗ trợ kỹ thuật theo nhu cầu và đào tạo, tập huấn chuyên môn trong Huyết học – Truyền máu.
Các học viên thực hành Kỹ thuật Điện di huyết sắc tố. |
Tháng 5 vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức Hướng dẫn thực hành trực tuyến Kỹ thuật Điện di huyết sắc tố cho các bệnh viện tuyến dưới.
Đây là nội dung nằm trong gói chuyển giao kỹ thuật Xét nghiệm Sàng lọc và chẩn đoán bệnh lý huyết sắc tố dành cho bác sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên theo Đề án 1816.
Khóa học diễn ra trong 2 tháng, từ ngày 24/4 - 21/6, với sự tham gia của Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ (Yên Bái), Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai.
Đề án 1816 hay còn gọi là Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” được Bộ Y tế triển khai từ năm 2008.
Trước kia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phải cử cán bộ luân phiên về các bệnh viện tuyến tỉnh để hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Hoặc, các bệnh viện cử cán bộ về Viện học tập dưới hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Các khóa đào tạo có thể kéo dài một hoặc nhiều tháng.
Vài năm gần đây, nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19 và tăng cường chuyển đổi số trong ngành y tế, việc chuyển giao kỹ thuật này đã được tổ chức kết hợp tại Viện, bệnh viện tuyến dưới và cả hình thức trực tuyến.
Bên cạnh giảng lý thuyết trực tuyến, Viện đã ứng dụng hệ thống Poly Telehealth di động để hướng dẫn thực hành, chuyển giao kỹ thuật.
Đây là thiết bị truyền tải hình ảnh, âm thanh chất lượng cao. Ưu điểm là nhỏ gọn nên dễ dàng di chuyển, thuận tiện cho việc kết nối tại các khoa xét nghiệm.
Vì vậy, dù không cần đào tạo trực tiếp, các học viên cũng vẫn có thể quan sát được các thao tác thực hành trong thực hiện kỹ thuật. Từ đó, giảm thời gian đi công tác của cả giảng viên và học viên.
Thời gian vừa qua, Đề án 1816 cùng với Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025 đã và đang góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đồng thời, giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên, giúp người dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ khám, chữa bệnh.