Tuy vậy, họ cũng chẳng nhàn hơn bởi nhiều người khác cũng "khôn" chẳng kém.
Khổ như đổ xăng
22 giờ đêm ngày 9/11, tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 60 (địa chỉ tại số 171 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), hàng trăm người bất chấp thời tiết giá lạnh và mệt mỏi để chờ đến lượt đổ xăng. Bên trong cây xăng, nhiều người dân đã tỏ ra mỏi mệt khi phải chờ đợi quá lâu.
Khảo sát của phóng viên, trong bán kính 1km trên trục đường Xuân Thủy chỉ có Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 60 hoạt động nên nhiều người dù mỏi mệt vẫn cố gắng chờ đợi đến lượt mình.
Tình trạng tương tự tái diễn ở Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 31 (địa chỉ tại số 111 đường Láng, phường Thượng Đình, quận Đống Đa, Hà Nội). Do trên đường Láng và vùng phụ cận chỉ có duy nhất Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 31 nên dòng người chờ đổ xăng vào thời điểm hơn 22 giờ đêm ngày 9/11 cũng rất đông. Lúc phóng viên có mặt, người đổ xăng xếp hàng tràn xuống cả lòng đường. Gần chục nhân viên tại cửa hàng phải hoạt động hết công suất.
Tại địa chỉ số 231 đường Nguyễn Trãi (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), mặc dù đã khuya nhưng ông Đạo (cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 42) vẫn phải túc trực cùng nhân viên để đảm bảo cây xăng hoạt động thường xuyên tiếp nhiên liệu cho phương tiện của người dân.
Trên cung đường Trần Phú (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) dù gần nửa đêm nhưng 3 cây xăng vẫn đang hoạt động hết công suất. Như nhiều điểm phóng viên đã khảo sát, tất cả các cây xăng này đông nghẹt người. Tuy nhiên, mức bán nhiên liệu tại các cây xăng này đều được giới hạn ở mức 50.000 đồng đối với xe máy và 500.000 đồng đối với xe ô tô.
Gần 23 giờ 45 phút ngày 9/11, tại Cửa hàng xăng dầu Hải Hà – Hà Đông (thuộc Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà, địa chỉ tại số 164 đường Quang Trung, Hà Đông) hàng chục người vẫn đang tiếp tục chờ để được đến lượt đổ xăng. Tại cửa hàng xăng dầu này, người dân được đổ thoải mái, không giới hạn số lượng.
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân cho biết, với lượng người đổ xăng tăng đột biến nhiều ngày qua nên với họ, việc đổ xăng vào ban ngày là… “nhiệm vụ bất khả thi”.
Bởi thế, tranh thủ ban đêm lòng vòng xe đi tiếp nhiên liệu. “Tưởng ban đêm mật độ người đổ xăng thoáng hơn nhưng không phải vậy. Tôi xếp hàng cũng gần nửa tiếng rồi mà vẫn chưa đến lượt”, chị Thu Trinh, nhà ngay cạnh một cây xăng trên đường Trần Phú (Hà Đông) mệt mỏi cho biết.
Cửa hàng xăng dầu Cầu Diễn (địa chỉ tại số 32 đường Cầu Diễn, phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) treo biển “hết xăng, còn dầu” đêm ngày 9/11. |
Hành trình mệt mỏi
Bà Nguyễn Thị Hòa, cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 31, cho biết lượng xăng dầu đã có tình trạng khan hàng một thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đại lý không nhập hàng vào nên người dân đổ đến các điểm bán hàng của Petrolimex khiến các cửa hàng xăng dầu bị quá tải. Theo bà Hòa, riêng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 31, nhân viên tại đây phải phục vụ lượng khách tăng đột biến lên đến 30 - 40% so với trước đây.
“Trước đây, giờ cao điểm mọi người đổ xăng thường là buổi sáng lúc đi làm hoặc tan làm nhưng thời gian gần đây, tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 31 lúc nào cũng là cao điểm. Nhiều khi nhân viên phục vụ rất vất vả nhưng khách hàng cũng không thông cảm. Thời gian gần đây, chúng tôi phải huy động 100% quân số của cửa hàng để phục vụ nhu cầu của người dân 24/24 giờ”, bà Hòa chia sẻ.
Cũng theo bà Hòa, Petrolimex đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu xăng dầu của người dân. Tuy nhiên, bà Hòa nhấn mạnh, các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex không bán hàng vào can, thùng để tích chữ, đầu cơ.
Giống như chị Thu Trinh, sau hơn 40 phút đứng chờ mới đổ được đầy bình xăng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 60 (địa chỉ tại số 171 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), anh Nguyễn Đông Dương (26 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) tỏ ra ngao ngán.
Anh Dương chia sẻ bản thân làm về thiết kế đồ họa tại một công ty trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đều đặn 3 - 4 ngày, anh Dương phải “nạp nhiên liệu” cho chiếc xe máy của mình. Thời gian gần đây, nhiều cây xăng đóng cửa hoặc bán giới hạn nên lượng người đổ về những điểm bán lẻ xăng dầu của Petrolimex rất đông gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài khiến việc đổ xăng rất khó khăn.
“Trước đây, tôi có thói quen đổ xăng vào sáng hôm sau nên khi tan làm tôi thường về nhà luôn. Nhưng từ khi xuất hiện tình trạng ùn ứ tại các cây xăng, tôi buộc lòng phải đi đổ xăng vào những lúc khuya để ngày mai có thể đến công ty đúng giờ làm mà không sợ việc mất thời gian khi đổ xăng làm trễ giờ.
Khi đi làm về, tôi thấy các cây xăng có rất đông người chờ nên đã di chuyển về nhà trọ đợi đến khi đêm khuya sẽ ra đổ xăng vì nghĩ rằng thời điểm đó sẽ thưa vắng người hơn. Tuy nhiên, hôm nay, tôi phải chờ hơn 40 phút mới có thể đổ đầy được bình xăng”, anh Dương chia sẻ.
Anh Dương cũng tỏ ra băn khoăn không hiểu vì sao việc đổ xăng hiện tại lại vất vả đến thế dù qua báo đài, anh cũng nắm được thông tin cơ quan chức năng đảm bảo nguồn cung xăng dầu và người dân không sợ thiếu.
Cùng có tâm trạng mệt mỏi sau khi phải chờ hơn 40 phút tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 31 mới đổ được đầy bình xăng vào thời điểm đã hơn 22 giờ đêm, anh Phan Tuấn Anh (phường Thượng Đình, Thanh Xuân) cho biết thời gian gần đây, anh luôn bị ám ảnh mỗi khi xe báo gần hết xăng.
“Công ty tôi 8 giờ sáng hôm sau sẽ vào làm việc nên tôi phải cố gắng chờ đợi để đổ xăng do tại khu vực này chỉ có 1 cây xăng. Trước đây, tôi có thói quen đổ xăng vào buổi sáng hôm sau trên đường đi làm nhưng cả tuần nay tôi phải thay đổi lại vì việc đổ xăng vào lúc sáng sẽ là nhiệm vụ bất khả thi do trùng vào giờ cao điểm nhiều người đi làm”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo anh Tuấn Anh, việc khó đổ xăng thời gian gần đây cũng ảnh hưởng một phần đến công việc của anh. Anh Tuấn Anh lấy ví dụ trước đây, sau khi tan làm, anh thường trở về nhà ăn uống, nghỉ ngơi một lúc sau đó sẽ tiếp tục làm việc tại nhà đến hơn 23 giờ 30 phút. Tuy nhiên, 1 tuần trở lại đây, công việc buổi tối của anh bị gián đoạn do phải căn thời gian để đi đổ xăng.
“Nhiều lúc đang ở cây đổ xăng mà khách hàng gọi để chỉnh sửa lại tài liệu nhưng tôi cũng không thể nào xoay xở được nên đã nhiều lần phải báo trễ. Những khách hàng dễ tính khi mình trình bày họ sẽ thông cảm cho nhưng nếu gặp phải khách hàng khó tính họ sẽ có phản ứng không mấy tích cực gây ảnh hưởng đến công việc”, anh Tuấn Anh cho biết.