Kế hoạch hóa gia đình - “kế hoạch nhỏ, lợi ích lớn“

GD&TĐ - Đó là nội dung chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng Cục DS - KHHGĐ (Bộ Y tế) khi bàn về ý nghĩa của kế hoạch hóa gia đình đối với công tác dân số nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội nói chung.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Kế hoạch nhỏ" - lợi ích lớn

Kế hoạch hóa gia đình là việc thực hiện các biện pháp nhằm tránh có thai, sinh con ngoài ý muốn. Công tác kế hoạch hóa gia đình nếu thực hiện tốt sẽ mang lại ý nghĩa to lớn đối với không chỉ gia đình mà cho toàn xã hội.

Theo thống kê, tại Việt Nam tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thanh niên (10-19 tuổi) chiếm khoảng 20%. Vấn đề này để lại những hậu quả vô cùng lớn không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về mặt tinh thần.

Mang thai ngoài ý muốn dẫn đến những tai biến có thể xảy đến trong quá trình thai nghén ở tuổi vị thành niên như sản giật, tiền sản giật, chảy máu đe dọa tính mạng người mẹ. Hậu quả về lâu dài đó là tình trạng vô sinh – hiếm muộn, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra, nếu mang thai ngoài ý muốn nhưng không có điều kiện để chăm sóc, nuôi dạy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của trẻ sau này. Đối với những bà mẹ, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai,… nếu sinh bằng phương pháp thường thì đứa trẻ có thể có nguy cơ sẽ bị nhiễm bệnh.

Với những lý do trên, việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình càng trở nên cần thiết và cấp bách.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, kế hoạch hóa gia đình được thực hiện với nhiều mục đích: Giữ gìn, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; Phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục; Giữ gìn, bảo vệ khả năng sinh sản của thanh niên; Góp phần ổn định kinh tế gia đình; Góp phần ổn định quy mô dân số và sự phát triển bền vững của đất nước.

Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình

Công tác kế hoạch hóa gia đình được tiến hành qua hai phương pháp chủ yếu là ngừa thai và phá thai an toàn.

Các biện pháp ngừa thai gồm: Ngừa thai khẩn cấp; viên thuốc tránh thai phối hợp; que cấy; thuốc tiêm DMPA; dụng cụ tử cung; triệt sản nữ; triệt sản nam; bao cao su.

Các biện pháp phá thai bao gồm: Phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc); phá thai ngoại khoa (trong đó có phá thai bằng hút chân không, bằng nong và gắp).

Tất cả các biện pháp ngừa, phá thai nói trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định; được áp dụng phù hợp, có hiệu quả cho từng trường hợp nhất định. Do vậy, để bảo đảm hiệu quả và an toàn, việc sử dụng, thực hiện chúng nhất thiết phải có sự hướng dẫn, tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ông Nguyễn Xuân Trường cũng cho biết thêm, hiện nay, dự thảo Luật dân số đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 quy định điều kiện được phá thai:

Đối với thai dưới 12 tuần tuổi, phụ nữ được phá thai theo nguyện vọng trừ trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người phụ nữ.

Đối với thai trên 12 tuần tuổi, chỉ được phá trong các trường hợp: phá thai do thất bại của việc sử dụng biện pháp KHHGĐ có tác dụng lâu dài (đặt vòng, triệt sản…); nếu tiếp tục mang thai sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai phụ; bị hiếp dâm; loạn luân; người chưa thành niên, người chưa lập gia đình; có những bằng chứng về khuyết tật nghiêm trọng của thai nhi.

Bộ Y tế đã nhận được nhiều ý kiến xung quanh việc quy định về phá thai trên 12 tuần tuổi, đang tiếp tục tiếp thu ý kiến để tổng hợp và chỉnh sửa để những quy định trong Luật phù hợp với thực tế cuộc sống khi được thông qua.

Kế hoạch hóa gia đình để phòng hệ lụy

Ông Nguyễn Xuân Trường nhận định: Kế hoạch hóa gia đình chính là việc thiết lập kế hoạch sinh con có tính chất định hướng và áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình còn giúp đảm bảo cho sự bền vững, ổn định trật tự xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Dưới đây là một số hậu quả của việc không thực hiện kế hoạch hóa gia đình mà chị em nên biết.

Gia tăng tỉ lệ phá thai

Hậu quả đầu tiên phải kể đến khi không thực hiện kế hoạch hóa gia đình chính là làm tăng tỉ lệ nạo phá thai. Nhiều trường hợp vì bất cẩn không thực hiện các biện pháp tránh thai nên rất dễ xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nhiều chị em vì không đủ điều kiện kinh tế để chăm lo cho đứa trẻ nên bắt buộc phải tiến hành thực hiện các thủ thuật phá thai.

Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nữ giới nếu xảy ra tai biến trong quá trình làm thủ thuật.

Khiến nữ giới có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa cao

Nạo phá thai nhiều lần do không kế hoạch cộng thêm những sai sót xảy ra trong khi thực hiện các biện pháp đình chỉ thai nghén làm cho cơ quan sinh dục bị tổn thương, sức đề kháng của cơ thể kém tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập, phát triển và hình thành các bệnh phụ khoa.

Những bệnh phụ khoa mà chị em dễ mắc phải do không thực hiện kế hoạch hóa gia đình như viêm âm đạo, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, thậm chí là ung thư buồng trứng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tác hại khôn lường đối với sức khỏe của chị em.

Gia tăng dân số

Những đứa trẻ được sinh ra không theo kế hoạch sẽ khiến cho mật độ dân số ngày càng tăng cao, có thể dẫn đến bùng nổ dân số kèm theo các vấn đề về kinh tế xã hội phát sinh như lạm phát, tình trạng đói nghèo gia tăng, trật tự xã hội mất ổn định,…làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút.

Đồng thời, tình trạng này sẽ cản sự phát triển kinh tế của quốc gia, thậm chí có thể gây bất ổn về chính trị, ảnh hưởng đến những nỗ lực phát triển quốc gia và khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ