Có lẽ, nhờ tính đa cảm ấy mà ông không những đã sáng tác được những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, mà còn cảm nhận được thiên nhiên thực sự, tái hiện được những sắc thái tình cảm và cá tính của nó.
Maria Chekhova
Maria Chekhova là em gái của nhà văn Nga Anton Chekhov, người bạn thân thiết của Levitan từ thuở sinh viên cho tới cuối đời.
Gia đình Chekhov có một truyền thống: Vào mùa hè cả gia đình đi nghỉ tại biệt thự thuê ở ngoại ô. Mùa hè năm 1885, họ đến làng Babakino. Dạo đó Levitan đang bị chứng trầm uất, và Anton Chekhov vốn rất quan tâm tới sức khỏe của bạn, quyết định mời họa sĩ đi nghỉ cùng gia đình ông.
Maria Chekhova cũng cùng gia đình đến Babakino, cô vừa tốt nghiệp trường nữ sinh cao cấp. Mùa hè năm 1885 là một thời kỳ đặc biệt trong cuộc đời của cô gái 22 tuổi này - lần đầu tiên cô tiếp xúc với xã hội thượng lưu. Năm đó Levitan vừa tròn 25 tuổi. Maria thường xem ông vẽ phác thảo ở những vùng lân cận xung quanh trang ấp, chiêm ngưỡng các tác phẩm mới của họa sĩ và cuối cùng được họa sĩ kèm học vẽ, cô mê hội họa và bắt đầu vẽ tranh.
Levitan nhìn thấy ở cô trước hết là một cô gái đẹp và thú vị. Ban đầu ông có cảm tình, sau đó chuyển sang yêu.
Tính cách của họa sĩ không cho phép ông giấu kín tình cảm trong lòng, và chẳng bao lâu ông tỏ tình với Maria. Từ đó, chỉ cần nghe thấy giọng nói của Levitan là cô gái thẹn thùng bỏ chạy. Sau này Maria viết trong hồi ký của mình rằng lúc bấy giờ cô rất buồn và sáng nào cũng khóc trong phòng mình.
Sau đó, một thời gian dài Levitan lại bị trầm uất, nhưng tình cảm đối với Maria ông vẫn giữ suốt cuộc đời. Không lâu trước lúc mất, khi Maria đến thăm ông bị ốm nặng, Levitan nói: “Nếu như anh định lấy vợ một lúc nào đó người ấy chỉ là em thôi, Masha ạ”.
Lika Mizinova
Họa sĩ Issak Levitan |
Lidia Stakhievna Mizinova (trong gia đình Chekhov, cô được gọi là Lika) là giáo viên và đồng nghiệp của Maria Chekhova. Lika là cô gái hồn nhiên, hóm hỉnh, cực kỳ khiêm tốn và điềm đạm, dường như cô không để ý tới nhan sắc của mình và những người đàn ông hâm mộ cô.
Gặp Lika ở nhà Chekhov, chàng Levitan đa tình bị quyến rũ bởi sắc đẹp của cô và chẳng bao lâu... đã đem lòng yêu. Điều trớ trêu Anton Chekhov cũng thích Lika. Mà không chỉ thích, ông còn có ý định lấy cô làm vợ. Thậm chí nhà văn đã đến gặp mẹ và bà của Lika. Tưởng như họ làm lễ đính hôn đến nơi, thế nhưng điều đó đã không xảy ra.
Cảm thấy sự lạnh nhạt của Chekhov, Lika bắt đầu làm duyên với Levitan: Cô dành nhiều thời gian cho họa sĩ, đi dạo, xem triển lãm. Và không quên lấy điều đó trêu tức Chekhov. Trong những bức thư gửi Chekhov, Lika cố tình (có lẽ là đùa) làm cho nhà văn phát ghen: “Em vừa mới ở nhà anh về. Đừng chú ý tới nét chữ, em đang viết trong bóng tối, hơn nữa, sau khi Levitan tiễn em về!”. Levitan cũng ủng hộ trò đùa này của Lika và viết cho Chekhov rằng: “Thiên thần Lika không yêu cậu, mà yêu tớ, ngọn núi lửa đang tuôn trào”.
Sau này, Anton Chekhov tái hiện mối tình bất thành của mình trong hình tượng Trigorin và Nina Zarechnaya trong vở kịch “Chim Hải âu”.
Sofia Kuvshinnikova
Sofia Kuvshinnikova là phụ nữ có chồng, vợ một bác sĩ, đang học vẽ, cô tập hợp xung quanh mình một nhóm người thú vị. Nhóm này gặp nhau mỗi tuần một lần, gồm các nghệ sĩ, ca sĩ opera, họa sĩ, nhà văn nổi tiếng, trong đó có Levitan.
Câu chuyện bắt đầu từ khi Sofia nhờ Levitan dạy vẽ. Sau đó với tư cách thầy trò họ đi vẽ phác thảo ở Zvenigorod (ngoại ô Moskva) với nhau. Tiếp theo là những chuyến đi đến Plyos, tỉnh Ivanovo (nơi Levitan đã làm việc ba mùa rất có hiệu quả) và Paris. Tình yêu của họ chớm nở và kéo dài suốt 8 năm.
Levitan vẽ nhiều chân dung Sofia, cô ở bên cạnh ông trong những giờ phút đau khổ, dằn vặt nhất của người bị bệnh trầm uất. Ở cạnh Levitan, Sofia Kuvshininikova trở thành một họa sĩ thực thụ - thậm chí một bức tranh của cô đã được nhà sưu tầm hội họa nổi tiếng Pyotr Tretyakov mua trưng bày tại bảo tàng của mình.
Là bạn thân của Levitan, Anton Chekhov không tán thành mối tình đó đến mức truyện ngắn “Người đàn bà ưa phù phiếm” của ông được nhiều người coi như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Kuvshinnikova. Đọc truyện, Sofia nhận ra mình trong hình tượng nữ nhân vật chính – một kẻ bất tài chuyên “đánh đu” với các nhân vật nổi tiếng.
Kuvshininkova giận Chekhov đến mức không muốn gặp ông nữa. Cũng vì truyện ngắn này mà ba năm liền Levitan và Chekhov tuyệt giao với nhau.
Tất cả những sự việc đó không thể lọt qua mắt chồng của Sofia, Dmitry Pavlovich Kuvshinnikov. Ông là con người bận rộn với công việc và tỏ ra tẻ nhạt đối với các vị khách trong nhóm của vợ mình. Tất nhiên là ông cảm thấy và biết rõ mối quan hệ của vợ với Levitan, nhưng không thể làm gì vì ông quá yêu vợ và không muốn chia tay.
Trong khi đó, cặp uyên ương dường như không nhận ra thế giới xung quanh.
Levitan cảm thấy hạnh phúc trong thời kỳ này của cuộc đời mình. Kuvshinnikova đem lòng yêu và săn sóc ông chu đáo.
Nhưng cuộc tình của họ tan vỡ trong phút chốc. Họa sĩ gặp một cô gái khác và đắm mình vào mối tình mới. Đối với Sofia đó là một cái tát quá bất ngờ. Ban đầu cô bị sốc đến nỗi định uống thuốc độc tự vẫn. Nhưng rồi cuối cùng cô đã vượt qua được nỗi đau và bước ra khỏi cuộc đời họa sĩ mà không nói một lời nào xấu về ông.
Anna Turchaninova
Anna Turchaninova là vợ của Trợ lý Thị trưởng Saint - Petersburg. Anna lấy chồng sớm, không hạnh phúc trong hôn nhân nên thường xuyên ngoại tình với các quan chức cao cấp. Để tránh chuyện tai tiếng chồng cô thường xuyên đưa vợ và ba con gái tới Gorka, một trang ấp xa ở tỉnh Tver.
Levitan gặp Anna chính ở đây, đúng lúc ông và Sofia Kuvshinnikova đến thăm trang ấp của gia đình Turchaninov. Sau những chuyện tai tiếng vừa xảy ra, tình yêu cũ bắt buộc phải nhường chỗ cho tình yêu mới.
Anna dành cho Levitan một tình cảm đích thực và chân thành nhất. Cô yêu ông và chăm lo cho ông tới tận cuối đời. Cô xây cho họa sĩ một xưởng vẽ riêng. Nhưng vì những lý do dễ hiểu, họ chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ngắn ngủi ở Moskva và Petersburg.
Nhưng chẳng bao lâu, Varia, con gái cả của Anna, can thiệp vào mối quan hệ phức tạp này. Người ta nói rằng, Varia cũng thầm yêu họa sĩ. Không khí trong gia đình trở nên hết sức căng thẳng. Hai mẹ con thực sự căm ghét nhau.
Về mối quan hệ này đến nay còn lại rất ít thông tin: Hoặc là Varia không hiểu thái độ thân thiện của Levitan đối với cô và đã gửi cho họa sĩ những lá thư tỏ tình, hoặc là ông sống hai mặt, không xác định được tình cảm của mình. Tình hình căng thẳng đến mức Levitan đã dùng súng tự sát.
Vết thương không nguy hiểm, nhưng trong gia đình Turchaninov, mọi người lo lắng đến mức đã viết thư mời Chekhov đến Petersburg chăm sóc sức khỏe cho bạn.
Levitan qua đời vì bệnh tim năm 1900. Theo hồi ức những người đương thời, ông còn nhiều khao khát sống và làm việc nhưng trái tim không đủ sức chịu đựng và đã ngừng đập năm họa sĩ mới 39 tuổi.