Iran sẵn sàng hỗ trợ và cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học tiếng Ba Tư và các chuyên ngành khác

GD&TĐ - Sáng 16/4, Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Ardeshir Larijani và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran được tổ chức trọng thể với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Ardeshir Larijani
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Ardeshir Larijani

Trao đổi về tình hình hợp tác hai nước, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng ghi nhận tại Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp giữa hai nước (từ 15-16/7/2017), hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, khai khoáng, dầu khí, viễn thông, ngân hàng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ thúc đẩy triển khai để sớm đạt mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đưa kim ngạch song phương lên 2 tỷ USD, đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.

Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Iran cho rằng, với tiềm năng, hai bên có thể hoàn toàn đạt mục tiêu trên, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí, Iran có thể hỗ trợ Việt Nam, trong đó cung cấp các sản phẩm hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa đường... Iran mong muốn học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp từ Việt Nam.

Hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực Iran có tiềm năng như dược phẩm, thiết bị y tế, kết nối ngân hàng, du lịch-văn hóa, phim, truyền hình, trao đổi giảng viên, sinh viên đại học…

Theo Chủ tịch Quốc hội Iran, hiện hai bên đã mở một số chuyến bay thuê bao, thời gian tới cần hướng tới việc mở đường bay thẳng hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, du lịch…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, Việt Nam mong sớm nhận được Công hàm của Iran ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, như đã khẳng định trong cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao hai nước. Nhất trí nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Iran cho biết sẽ đề xuất với bộ ngành hữu quan Iran.

Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất, thời gian tới hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại các Hội nghị Không liên kết gần đây, một số nước thành viên Không liên kết bên ngoài khu vực Đông Nam Á đã phản đối cập nhật của ASEAN về phần Đông Nam Á trong Văn kiện Hội nghị Không liên kết.

Việc làm này là đi ngược lại cách làm và nguyên tắc của Không liên kết là đoàn kết, độc lập, không chịu sức ép, can thiệp từ bên ngoài. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Iran tiếp tục ủng hộ và bảo vệ các nguyên tắc nêu trên, vì sự đoàn kết của Phong trào trong thời gian tới.

Hai nhà lãnh đạo cho rằng, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Iran năm 2017 tuy đạt 164,6 triệu USD, tăng 41% so với năm 2016 nhưng chưa phản ánh đúng tiềm năng to lớn giữa hai nước.

Còn Chủ tịch Quốc hội Iran đánh giá, con số này chưa phản ánh hết thực tế kim ngạch thương mại hai nước bởi hiện nay nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất có mặt ở Iran được nhập về qua nước thứ ba.

Chủ tịch Quốc hội Ali Ardeshir Larijani cho biết, hiện Chính phủ Iran tạo điều kiện để du khách Việt Nam đến Iran với việc cấp thị thực tại cửa khẩu. Theo đó, nếu Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện tương tự thì kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng thêm.

Để đạt được mục tiêu lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Iran và Việt Nam cần ưu tiên trao đổi các mặt hàng mỗi bên có thế mạnh; sớm giải quyết các vướng mắc trong vấn đề thanh toán để hỗ trợ trao đổi thương mại; khuyến khích và tăng cường hoạt động của các doanh nghiệp hai nước trong khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, công nghệ thông tin và viễn thông là lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này thành khâu đột phá trong hợp tác song phương, qua đó đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) rất quan tâm đầu tư tại thị trường viễn thông Iran; đề nghị Iran quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để Viettel tham gia vào dự án viễn thông tại Iran.

Về các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Ali Ardeshir Larijani nêu rõ, Iran hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tái khởi động dự án Đa-nan.

Chuyến thăm lần này của đoàn cũng là để lắng nghe các ý kiến đề xuất từ các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư tại Iran để từ đó tìm biện pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hợp tác.

Cùng với đó, Iran sẵn sàng hỗ trợ và cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học tiếng Ba Tư và các chuyên ngành khác; tiếp tục chương trình trao đổi các giảng viên và sinh viên giữa các trường đại học; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch: tổ chức các sự kiện như: Triển lãm tranh ảnh, chiếu phim, biểu diễn ca nhạc, Ngày Văn hóa Iran tại Việt Nam, Ngày Văn hóa Việt Nam tại Iran…

Về hợp tác Quốc hội hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, quan hệ Nghị viện là một kênh quan trọng trong triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam; đồng thời mong muốn thời gian tới, Quốc hội hai nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt giữa các Ủy ban chuyên môn nhằm chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Iran gồm 8 thành viên, Chủ tịch Nhóm là ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; đồng thời cho rằng, hai bên cần phát huy hơn nữa vai trò của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước nói chung.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí, thời gian tới tăng cường vai trò giám sát và thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký kết, trong đó có những thỏa thuận mà Ủy ban liên chính phủ hai nước đã bàn bạc, thống nhất.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Biển Đông là nơi có tuyến giao thương kết nối châu Âu, Trung Đông, châu Phi với Đông Á, vận chuyển 50% hàng hóa đường biển toàn cầu.

Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani nhất trí cho rằng, trong giải quyết xung đột, tranh chấp, cũng giống Việt Nam, Iran ưu tiên các giải pháp thông qua con đường ngoại giao…

Kết thúc hội đàm, trân trọng cảm ơn lời mời của Chủ tịch Quốc hội Ali Ardeshir Larijani, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ bố trí thăm chính thức Iran trong thời gian tới.

* Tối cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Tiệc chiêu đãi Chủ tịch Quốc hội Ali Ardeshir Larijani và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Theo Chinhphu.vn/TTX

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.