Huyền thoại ly kỳ về chùa "các bà" ở Hà thành

Hà Nội có tới 6 ngôi chùa mang tên các bà: Bà Ngô, Bà Nành, Bà Đá, Bà Già, Bà Đanh, Bà Móc. Mỗi ngôi chùa đều gắn với những huyền thoại ly kỳ hoặc giai đoạn lịch sử của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long xưa.

Chùa Bà Nành
Chùa Bà Nành

Bóng hồng trên gác chuông

Theo cuốn Thăng Long cổ tích khảo thì chùa Bà Ngô được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 – 1128). Vào thời Lê, có một người con gái đẹp lấy chồng là một nhà buôn người Hoa giàu có, bà đã bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi chùa này to đẹp hơn, do đó có tên Bà Ngô (Ngô Khách).

Vào năm Ất Hợi (đời vua Bảo Đại tức, 1934) chùa được sửa chữa lớn nên có câu đối (tạm dịch): “Không nhớ tháng Bà Ngô sửa chữa/Chỉ biết năm Bảo Đại khánh thành”. Qua gần 900 năm lịch sử, Chùa Bà Ngô lưu giữ được nhiều văn bia, câu đối và một khối lượng di vật rất lớn như long ngai, bài vị, các tế khí...

Gắn liền với chùa còn có một huyền tích đẹp. Một lần, vua Lê Thánh Tông thăm chùa, thấy trên gác chuông có bóng người đẹp nên ngâm hai câu thơ: “Ở đây mến cảnh mến thầy/Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người”. Nhà vua muốn cùng nàng xướng họa.

Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng hai câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm bài thơ Đường Luật 8 câu trong đó có 2 câu: “Chày kình mấy khắc tan niềm tục/Hồn bướm năm canh lẩn sự đời”. Nàng xin phép sửa lại là: “Gió xuân đưa kệ tan niềm tục/Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”.

Vua rất phục, mời nàng lên kiệu về cung nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ. Chùa Bà Ngô được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1993.

Tôn vinh tấm lòng bà bán nước

Chùa Bà Nành tọa lạc ở số 27 phố Văn Miếu (Hà Nội), một cổng khác nằm tại số 152 phố Nguyễn Khuyến. Tương truyền ngôi chùa nguyên là nhà của một bà bán bánh, bán chè đậu nành, phúc hậu, hay giúp người nghèo. Khi về già, bà đã bỏ tất cả tiền nong tích góp ra xây ngay trên đất nhà mình một ngôi chùa rồi xuất gia tu hành.

Dân gọi đó là chùa Bà Nành, tên chữ là Tiên Phúc tự. Năm Đinh Hợi (1887) đời vua Đồng Khánh, chùa được tu sửa lớn. Cấu trúc phía ngoài có tam quan, bên trong hình chuôi vồ chia làm hai nơi tiếp khách và bàn thờ có tượng.

Trong chùa còn lưu giữ một phiến đá hình chữ nhật màu xanh đen, trên có chạm chìm các vân mây tương truyền vốn là nơi bà cụ bày hàng nước để bán.

Pho tượng Bà Nành đôn hậu, gần gũi với đời sống, tượng mang nét nghệ thuật thế kỷ XVIII. Chùa Bà Nành bên cạnh giá trị lịch sử văn hóa, còn được coi là một di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày l2/12/l986.

Những pho tượng đá

Chùa Bà Đá, nay là số 3 phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm). Tương truyền, trước kia, chùa thuộc thôn Tiên Thị (còn gọi thôn Tự Tháp hay Bảo Thiên Tự Tháp, thôn Hương Nghĩa) thuộc phường Bảo Thiên, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long.

Theo các truyền thuyết, trong thời Hồng Đức (1470 - 1498) đời vua Lê Thánh Tông, chùa chỉ còn là một ngôi am tranh. Khi ấy nhân dân đào được một pho tượng bằng đá hình dáng phụ nữ. Dân chúng cho là Thánh giáng liền đưa lên bàn thờ, xây chùa ngói thờ phụng. Sau đó, pho tượng này bị mất.

Ba thế kỷ sau, đến cuối đời Lê Trịnh (1767 - 1782), khi người dân đào đất ở vườn chùa lấy đất đắp thành Thăng Long đã may mắn tìm thấy pho tượng đá. Người ta cho rằng đây là tượng của Phật Bà nên rước vào thờ phụng, từ đấy mới gọi là chùa Bà Đá.

Tháng 6 năm Bính Ngọ, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Cuộc binh đao đã làm cho chùa Bà Đá hóa tro tàn. Chùa bị cháy chỉ còn một nền đất không, cỏ mọc rêu phong. Dân làng làm một ngôi chùa bằng tranh tre, gọi là tỏ lòng kính Phật để có chỗ lễ bái.

Năm Quý Sửu (1793), sư tổ Khoan Giai trụ trì chùa, dần dần dựng lên một ngôi chùa ba gian lợp ngói. Năm Tân Tỵ (1821), tổ Giác Vượng kế đăng, được thập phương công đức, bèn lập nên một ngôi chùa rộng lớn hơn, lại làm thêm mấy dãy hành lang và tăng phòng khách xá. Từ đây trở đi, chùa Bà Đá hồi phục lại cái vẻ danh lam thắng tích như xưa.

Chùa Bà Đá nguyên là chốn tổ của Thiền Phái Lâm Tế một trong hai Thiền Phái lớn của Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Bà Đá là cơ sở đi lại của cán bộ Việt Minh.

Sau ngày thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (5/1958), chùa Bà Đá là trụ sở Ban Liên lạc Phật giáo Hà Nội sau này là Thành hội Phật giáo Hà Nội.

Huyen thoai ly ky ve chua

Chùa Bà Đá

Những mảnh hồn Chăm ở kinh thành

Chùa Bà Già ở làng Phú Gia (phường Phú Thượng, Tây Hồ). Có hai cách giải thích khác nhau về tên chùa Bà Già.

Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, một bộ phận tù binh Chăm (Champa) được đưa từ phía Nam ra đây đã dựng nên ngôi chùa mà trong sách phiên âm là Đa-da-li.

Thái úy Trần Nhật Duật (1254-1330) thường cưỡi voi tới đàm đạo với vị sư trụ trì người Champa. Có thể cái tên Bà Già đã bắt nguồn từ Đa-da-li mà ra.

Theo nguồn tư liệu khác, có hai chị em gái chuyên nghề buôn muối đã phát tâm bồ đề bỏ tiền ra xây dựng, tu sửa lại chùa, tạc tượng Phật, dựng gác chuông. Khi hai bà mất đi, để tỏ lòng biết ơn, dân trong vùng đã đúc tượng và rước vào chùa thờ như tượng hậu Phật, từ đó có tên chùa Bà Già.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là một trong những người dày công tìm lai lịch “thôn Bà Già”. Năm 1985, ông Nguyễn Vinh Phúc được đọc “Bản xã thần ký” ghi chép về thần của làng Phú Gia. Nhờ đó mà nghi vấn “thôn Bà Già” đã được làm sáng tỏ.

“Bản xã thần ký” của làng có đoạn: “Thôn Phú Gia xưa có tên là thôn Bà Già, có sông Già La chảy qua. Già La là tên cổ của sông Thiên Phù. Từ thời Bắc thuộc, nơi đây đã có miếu thờ thổ thần”.

Cũng liên quan đến người Chăm, vùng ven hồ Tây ngày nay còn lưu lại dấu tích của ngôi chùa Bà Đanh dù rằng nói đến chùa Bà Đanh hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến ngôi chùa ở Hà Nam nhưng ít ai biết rằng Hà Nội cũng có một ngôi chùa mang tên Bà Đanh.

Chùa Bà Đanh được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông. Theo sách Tây Hồ chí, vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng một thiền viện (vừa là chùa, vừa là trung tâm nghiên cứu) ở gò Phượng Chủy bên bờ Nam hồ Tây để cho người Chăm hành đạo gọi là thiền viện Châu Lâm.

Chùa được xây dựng ở vị trí gần trường Chu Văn An ngày nay, nhân dân trong vùng quen gọi là chùa Bà Đanh vì gắn liền với tên của vị sư có mặt ngay từ buổi đầu xây dựng và trụ trì chùa. Trong chùa hiện còn lưu tấm bia ghi tên Bà Đanh là vị sư Tổ có công xây cất chùa.

Vì chùa xây dựng theo quy mô kiến trúc và văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm, phục vụ nhu cầu hành đạo của người Chăm nên từ khi xây dựng xong chùa chỉ có bộ phận người Chăm lui tới lễ bái.

Khi những người Chăm không lui tới chùa lễ bái nữa thì chùa trở nên hoang phế. Do đó, dân gian mới có câu ví von: “Vắng như chùa Bà Đanh”.

Chùa trước đây nổi tiếng với bức tượng “say”, mô phỏng một người ở tư thế đứng ngả nghiêng như say. Ý nghĩa của pho tượng thể hiện sự linh thiêng, vẻ đẹp như “tiên cảnh” của ngôi chùa khiến chư khách thập phương đến lễ như mê say ngây ngất.

Tương truyền bức tượng được chạm khắc tinh tế, sống động, có thần đến mức bất kỳ ai mới nhìn qua cũng giật mình tưởng đó là người thật. Tiếc rằng sau nhiều lần chuyển đổi di dời, pho tượng say đã bị thất lạc.

Dấu tích Tây Sơn ở Hà Nội

Ngôi chùa cuối cùng mang tên bà ở Hà Nội là chùa Bà Móc ở phố Nguyễn Thiếp, số nhà 27. Chưa tìm thấy sử sách nào ghi lại lai lịch của chùa và chùa cũng không cọ̀n cổ vật, trừ tấm bia mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) do Nguyễn Cát Định làm đốc học ở Quốc Tử Giám soạn.

Về tấm bia này theo tư liệu của Bảo tàng lịch sử quốc gia thì có liên quan đến triều đại Tây Sơn. Dù rằng sau khi đánh đổ nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã ra lệnh tiêu hủy tất cả những gì còn lưu lại hình ảnh hoặc việc làm của Tây Sơn, thậm chí trong chính sử cũng bắt xóa bỏ cả phần chép về triều đại này, nhưng hiện vật về nhà Tây Sơn vẫn hiện diện rất nhiều.

Tấm bia do Nguyễn Cát Địch Đốc học ở Quốc Tử Giám soạn dựng ở chùa Bà Móc có giá trị vì đã phản ánh được chính sách tôn giáo của triều đại Tây Sơn.

Theo Pháp Luật VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ