Huy động giáo viên 'tay ngang' dạy môn Tin học

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục chuẩn bị tổ chức kiểm tra giữa học kỳ I cho học sinh, song nhiều trường vẫn “khuyết” giáo viên Tin học.

Thầy Cao Duy Chương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đứng lớp dạy Tin học cho học sinh lớp 3. Ảnh: NVCC
Thầy Cao Duy Chương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đứng lớp dạy Tin học cho học sinh lớp 3. Ảnh: NVCC

Thực trạng này buộc đơn vị chật vật xoay xở để đáp ứng nhu cầu học tập của trò.

Hiệu trưởng đứng lớp

Huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) có 1 giáo viên Tin học cấp tiểu học. Vì thế, việc dạy học bộ môn này ở các trường gặp không ít khó khăn. Nằm trong tình cảnh này, thầy Cao Duy Chương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng cho hay, do chưa có giáo viên Tin học nên từ năm học trước đến nay, thầy trực tiếp đứng lớp dạy 2 tiết/tuần (1 lớp 3 và 1 lớp 4).

“Nhà trường phân công thêm 1 Tổng phụ trách Đội dạy Tin học. Giáo viên này dạy 2 tiết/tuần (1 lớp 3, 1 lớp 4). Đây là giải pháp tình thế trước bối cảnh thiếu nhân lực và nguồn tuyển”, thầy Chương trao đổi và cho biết, UBND huyện Mèo Vạc đã có kế hoạch tuyển dụng, hợp đồng giáo viên Tin học cho các trường tiểu học. Dù huyện có chính sách đãi ngộ 8 triệu đồng/tháng với giáo viên dạy hợp đồng nhưng chưa có người ứng tuyển. Các trường vẫn phải tự xoay xở nhằm đảm bảo học sinh được học Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, theo thầy Chương, vì “tay ngang” và “bất đắc dĩ” nên chất lượng dạy học Tin học không như mong muốn. “Kiến thức về Sư phạm Tin học do tích lũy kinh nghiệm. Để soạn bài và lên lớp, tôi phải tìm hiểu thêm phương pháp dạy học, kiến thức môn Tin học tiểu học”, thầy Chương chia sẻ và mong sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tin học trên địa bàn huyện Mèo Vạc.

Cũng vì chưa có giáo viên Tin học nên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) phải bố trí giáo viên môn học khác sang dạy. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Tâm cho hay, trường cử 1 giáo viên đi học văn bằng 2 ngành Sư phạm Tin học; sau này, sẽ phụ trách giảng dạy bộ môn Tin học cho học sinh nhà trường.

Trước mắt, thầy giáo này đứng lớp dạy bộ môn Tin học cho học sinh khối 3 và 4 đồng thời làm công tác chủ nhiệm. “Thiếu giáo viên nên 1 người phải đảm đương nhiều việc”, cô Tâm phân trần. Tin học là môn học quan trọng, nhằm rút ngắn khoảng cách công nghệ thông tin giữa học sinh vùng núi với đồng bằng. Vì thế, cần khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên bộ môn càng sớm, càng tốt.

Cô giáo Lê Thị Hằng – giáo viên Tin học, Trường THCS Hải Hà (Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô giáo Lê Thị Hằng – giáo viên Tin học, Trường THCS Hải Hà (Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Vẫn phải “chạy sô”

Do thiếu giáo viên nên từ năm học 2022 - 2023, cô Lê Thị Hằng – giáo viên Tin học, Trường THCS Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) phải dạy liên trường. Những tưởng cảnh “chạy sô” không tái diễn ở năm học này nhưng mong mỏi đó không thành hiện thực. Hiện cô phải dạy tăng cường cho học sinh của 8 lớp 3 và 4 Trường Tiểu học Hải Hà. Mỗi tuần cô dạy cho học sinh 20 lớp, trong đó 12 lớp thuộc Trường THCS Hải Hà – nơi cô biên chế “ăn lương”.

“Tôi vẫn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ nhưng về lâu dài không tránh khỏi áp lực, mệt mỏi. Trên hết là ảnh hưởng đến chất lượng. Hơn bao giờ hết, tôi mong các cấp, ngành sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nói chung và giáo viên bộ môn Tin học nói riêng”, cô Hằng bày tỏ.

Năm học 2023 - 2024, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có 21 trường tiểu học. Ông Phan Quốc Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT cho hay, toàn huyện có 5 giáo viên Tin học cấp tiểu học. Tới đây, huyện điều động 1 giáo viên bộ môn từ trường phổ thông dân tộc nội trú cho 1 trường tiểu học trên địa bàn.

Theo ông Thanh, có giáo viên phải “chạy sô” 4 - 5 trường. Điều này đồng nghĩa số tiết giảng dạy vượt định mức quy định. “Dạy tăng ca ít nhiều khiến giáo viên áp lực, mệt mỏi. Vì thế, chúng tôi khuyến nghị ban giám hiệu các trường bố trí thời khóa biểu hợp lý, tạo thuận lợi cho giáo viên dạy liên trường, tránh xung đột không đáng có”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, đến giữa học kỳ I năm 2023 - 2024 nhiều địa phương vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên Tin học. Bà Bùi Thị Kim Tuyến – Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh thiếu gần 100 giáo viên Tin học. Cấp THCS và THPT thiếu hàng chục giáo viên bộ môn này.

Với huyện, xã vùng đặc biệt khó khăn, một số trường chưa có giáo viên Tin học nên việc triển khai dạy học còn bất cập. Nhiều địa phương phải áp dụng hình thức tăng ca, tăng tiết với giáo viên Tin học, thậm chí bố trí giáo viên dạy học liên trường, cấp. “Tức là, một giáo viên phải dạy cả THCS và tiểu học”, bà Tuyến nói.

So với định mức của tỉnh, ngành Giáo dục Thanh Hóa thiếu gần 6.900 giáo viên. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết, nếu so với định biên của Bộ GD&ĐT, Thanh Hóa thiếu hơn 10 nghìn nhân sự, trong đó một số môn bắt buộc theo chương trình mới như: Tin học thiếu 690 người, tiếng Anh 350, Mỹ thuật 280. “Thiếu giáo viên gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học”, ông Thức khẳng định.

Tỉnh Hậu Giang cũng thiếu hơn 1 nghìn giáo viên; nhiều nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trong đó môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật chiếm phần lớn. Mới đây, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định số lượng hợp đồng người lao động với một số công việc trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2023 - 2024. Tỉnh cũng có chính sách thu hút giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Mức thu hút 50 triệu đồng/giáo viên.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang trao đổi, sở đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh kịp thời ban hành nghị quyết, chính sách đặc thù riêng nhằm thu hút, hỗ trợ ngành Giáo dục tuyển đủ giáo viên thời gian tới, từng bước giải bài toán thiếu giáo viên. “Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chính sách thu hút nhà giáo. Trên tinh thần, tuyển giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định, có học sinh phải có giáo viên đứng lớp giảng dạy”, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2023 - 2024, Tin học trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3, 4, 6, 7, 8. Tuy nhiên, nhiều địa phương thiếu giáo viên bộ môn này. Để đủ giáo viên Tin học (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường), cả nước cần bổ sung khoảng 3.500 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ