Đến nay, ai trong chúng ta cũng đã phần nào nhận thức được các tác hại mà thuốc lá đem tới, cũng như có ý thức thực hiện theo những quy định của pháp luật. Nhưng việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá vẫn còn nhiều bất cập, cần có sự chung tay của cộng đồng để phòng chống tác hại của thuốc lá.
Nguy cơ từ điếu thuốc lá…
Hiện nay, tại Việt Nam đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường hiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại các khu vực trong nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines.
Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người thì có một người hút thuốc. Kế quả điều tra cũng cho biết, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá nhưng vẫn bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá.
Trao đổi với phóng viên báo Công lý, luật sư Trần Quốc Hùng (Trưởng VPLS Trần Quốc Hùng – Hà Nội) cho biết: “Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC - Framework Convention on Tobacco Control của WHO) và đã đạt được những kết quả rất khả quan. Đặc biệt là sự ra đời của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/5/2013.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta đã nội luật hóa các nội dung của Công ước khung, nhằm giảm tỷ lệ người sử dụng và tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá do hút thuốc lá thụ động. Chúng ta đều dễ dàng biết rằng, trong khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học và khoảng 69 chất gây ung thư và những người thường xuyên hút thuốc lá, có tỷ lệ mắc các bệnh ung thư và các bệnh mãn tính khác.
Đặc biệt, những người không hút thuốc, nhưng hít phải khói thuốc lá thường xuyên (Hút thuốc lá thụ động) cũng có thể mắc các bệnh như: Khối u não, bệnh tai giữa, ung thư máu ở trẻ em và ung thư vú, ung thư phổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ, ung thư xoang mũi ở người trưởng thành.
Theo tôi được biết, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực pháp luật, đến nay tỷ lệ hút thuốc lá ở tất cả cả các độ tuổi đều đã giảm đáng kể, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá ngày càng nâng cao. Đây là dấu hiệu tốt để hướng tới xây dựng một xã hội không có khói thuốc lá”.
Thuốc lá có tác hại rất nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, nhưng cả những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá - hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động - cũng bị ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Theo Tổ chức lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khỏi thuốc lá tại nơi làm việc.
Chung tay phòng chống tác hại thuốc lá
Theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/ năm vào năm 2030. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Với những nguy cơ nêu trên, cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội để giảm tác hại từ thuốc lá. Theo Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay mạng lưới tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá quốc gia gồm 24 bệnh viện, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn. 10 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá hằng năm.
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiến hành nghiên cứu sử dụng phương pháp điều trị nhĩ trâm kết hợp xoa bóp bấm huyệt và tư vấn cai nghiện thuốc lá, tỷ lệ cai thuốc lá là 67,2% đạt tốt và 5% đạt khá.
Các Bộ, Ngành và địa phương đã có sự hưởng ứng tích cực đưa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá vào cuộc sống, nhưng tính nghiêm minh và chế tài xử lý vẫn còn nhiều vấn đề. Từ việc giá bán thuốc lá có điều chỉnh tăng, nhưng vẫn thấp so với khu vực.
Trong khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu ngoại qua biên giới vẫn còn phức tạp. Chế tài xử lý vi phạm được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Lực lượng thanh tra mỏng, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc.
Các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc, làm giảm sự tiếp cận của luật đối với tuyến dưới.
TPGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng cho biết hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng, và quản lý chặt mặt hàng thuốc lá. Bộ Y tế cũng đưa ra đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá tràn lan trong xã hội hiện nay.
Để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường Internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ…
“Theo tôi thì chúng ta cần quan tâm những công tác sau đây để Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống đạt hiệu quả tích cực được xã hội đón nhận. Đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của thuốc lá, đặc biệt trong môi trường học đường; Treo biển “Không hút thuốc lá” tại các nơi cơ quan, công sở, bệnh viện, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em và những nơi công cộng; Tổ chức các buổi truyền thông về Phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học, cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện.
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Có sự tham gia, vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyền truyền về tác hại của thuốc lá. Xây dựng chính sách, pháp luật hạn chế phát triển nghành công nghiệp thuốc lá”. Theo luật sư Trần Quốc Hùng chia sẻ.
Theo đại diện Bộ Y tế, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lan truyền COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phối, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Do đó, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cà COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới cũng lưu ý hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền COVID-19 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như thuốc lào, ống điều, ống tấu ở những người hút thuốc cùng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng