Hướng tới mục tiêu không có học sinh bị đình chỉ thi do sử dụng điện thoại

GD&TĐ - Chiều 2/7, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 làm việc với Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 làm việc với Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 làm việc với Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội

Buổi làm việc được phát trực tuyến tới điểm cầu Ban chỉ đạo thi 30 quận huyện toàn thành phố.

Nỗ lực của địa phương có nhiều thí sinh nhất cả nước

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay thành phố có 101.326 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 22.063 thí sinh so với năm 2020. Toàn thành phố có 4.235 phòng thi chính thức và 376 phòng thi dự phòng tại 188 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.

Để chuẩn bị kì thi, Sở đã điều động 15.665 cán bộ tham gia công tác coi thi, 778 cán bộ, giáo viên nhân viên tham gia công tác chấm thi (532 giáo viên tham gia chấm bài thi tự luận, 53 giáo viên tham gia chấm bài thi trắc nghiệm, 75 giáo viên tham gia làm phách, 118 cán bộ giáo viên tham gia các công tác đảm bảo cho chấm thi theo Quy chế thi), 530 cán bộ giáo viên làm nhiệm thanh tra công tác coi thi.

Sở đã tham mưu UBND TP ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp Thành phố. Tất cả các UBND các quận, huyện, thị xã đều thành lập Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT.

Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi và công tác phòng chống dịch Covid-19 phục vụ kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thực hiện kiểm tra công tác chỉ đạo tại các Ban Chi đạo quận, huyện, thị xã và các điểm thi; trong đó chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn phòng dịch, phương án xử lý tình huống phát sinh trong khi thi, các điều kiện trang thiết bị y tế tại điểm thị.

Liên Sở Y tế-Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch COVID- 19 trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xây dựng kịch bản cho công tác diễn tập tại 100% các điểm thi; thực hiện khử khuẩn theo đúng hướng dẫn của cơ quan Y tế, ưu tiên tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho Ban in sao đề thi, cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi.

Sở GD&ĐT đã triển khai công tác in sao đề thi; chuẩn bị đẩy đủ về kinh phí tổ chức; kiểm tra cơ sở vật chất các điểm thi; chuẩn bị văn phòng phẩm, tài liệu phục vụ công tác coi thi của tất cả các điểm thi; điều động nhân sự cho công tác coi thi, chấm thi.

Thành phố đã hoàn thành công tác tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ coi thi cho lãnh đạo các điểm thi, cán bộ giám sát phòng thi, cán bộ thanh tra thi theo hình thức trực tuyến vào sáng 2/7, hoàn thành tổ chức diễn tập điểm về phòng chống Covid-19 ở 30 quận, huyện, thị xã để triển khai diễn tập đại trà về phòng chống Covid-19 ở 188 điểm thi vào ngày 4/7/2021.

Ông Phạm Văn Đại cho biết, do ảnh hưởng Covid-19, Sở đã thay đổi vị trí 1 điểm thi từ Trường THCS Việt Hùng sang Trường THCS Liên Hà. Đến ngày 2/7/2021 công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đặt ra, đảm bảo các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toán, nghiêm túc, đúng quy chế.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục đôn đốc các nhà trường cập nhật đầy đủ tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi vào các ngày 7, 8/7 và sẽ tham dự đợt thi thứ 2; gửi báo cáo số lượng thí sinh dự thi đợt thi thứ 2 về Bộ GD&ĐT trước ngày 5/7.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc

Không để thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại

Tại buổi làm việc, đại diện Ban chỉ đạo thi các quận, huyện thị xã của thành phố Hà Nội đã nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức kì thi; nêu những kinh nghiệm huy động các ban ngành, đoàn thể của địa phương phối hợp tổ chức thi.

Đại diện các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn cũng nêu các phương án và cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát các khâu của kì thi; phương án bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh phòng dịch và các phương án dự phòng; việc tổ chức đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển...

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội tạo điều kiện tác nghiệp cho các phóng viên, báo đài để tuyên truyền cho kì thi một cách hiệu quả nhất nhưng vẫn đảm bảo đúng quy chế thi và các điều kiện phòng chống dịch bệnh.

Phát biểu kết luận  tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các Sở ban ngành, công tác triển khai phục vụ kì thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra chủ động, bài bản, khoa học, đáp ứng được yêu cầu của kì thi.

Thứ trưởng cũng lưu ý một số nội dung đề nghị Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội thực hiện. Do là địa phương có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước nên việc chuẩn bị của Hà Nội phải làm kĩ lưỡng, bài bản, trách nhiệm, phải có "nhận thức đúng, quyết tâm cao, phương thức phù hợp", cần chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất, dự báo những tình huống có thể xảy ra.

Hà Nội cũng cần phân loại những đối tượng F0, F1, F1, đối tượng đang trong khu cách li một cách rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể. Nếu sơ suất có 1 em thí sinh có yếu tố dịch tễ tham gia vào kì thi để lây lan dịch bệnh thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Thứ trưởng cũng đề nghị tăng cường tập huấn cho tất cả các cán bộ giáo viên nhân viên tham gia làm thi, đảm bảo đáp ứng tất cả đều nắm vững quy chế thi, ai cũng được tìm hiểu những điểm mới của kì thi. Kinh nghiệm là quan trọng nhưng phải cập nhật những yêu cầu mới.

Bên cạnh đó, cần bố trí giáo viên dự phòng để thay thế khi cần thiết, tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt chú ý đến các phòng thi dự phòng, phòng chờ, đề nghị niêm phong những phòng thi không sử dụng, tăng cường thanh tra đủ tất cả các khâu, tất cả các quy trình.

Nêu vấn đề hàng năm vẫn có một số lượng thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế mang điện thoại phòng thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết đây là những trường hợp rất đáng tiếc. Để hạn chế việc này, năm nay, Bộ đã ban hành công văn 552 ngày 5/5/21 lưu ý trước khi phát đề thi, cán bộ coi thi số 2 nhắc lại các em lần nữa, còn em nào mang điện thoại vào phòng thi không.

"Năm trước còn 38 trường hợp, năm trước nữa còn 72 trường hợp, như vậy là việc mang điện thoại vào phòng thi đã giảm đi. Tuy nhiên, cần hướng đến một kì thi thành công, không có học sinh nào bị kỉ luật do vi phạm quy chế. Do đó, các thầy cô phải có biện pháp giúp học sinh không bị kỉ luật do vi phạm quy chế, điều này hoàn toàn có thể làm được"- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ bổ sung vào kế hoạch để tổ chức thực hiện, đồng thời khẳng định, việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 thành công giúp cho Ban Chỉ đạo thi thành phố và các địa phương có thêm kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi này, nhưng tính chất quan trọng và quy mô lớn đòi hỏi công tác tổ chức kỳ thi tuyệt đối không được chủ quan. 

Ông Chử Xuân Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo thi các địa phương tiếp tục rà soát các điều kiện tổ chức kỳ thi; quan tâm đến công tác tập huấn, tăng cường trách nhiệm và kỹ năng trong khâu coi thi; đồng thời yêu cầu ngày mai (3/7), Ban Chỉ đạo thi các địa phương phải tổ chức họp với tất cả các điểm trưởng, thống nhất phương án tổ chức diễn tập phòng, chống dịch và xử lý các tình huống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.