(GD&TĐ) - Bảo đảm an sinh xã hội đang trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, bởi việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Chính vì vậy, tìm ra các giải pháp cơ bản mang tính đột phá và khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả an sinh xã hội ở nước ta trong thời kỳ hiện nay là vấn đề thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của các nhà hoạch định chính sách mà cả các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại hội thảo “An sinh xã hội ở nước ta: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 13-3, tại Hà Nội.
An sinh xã hội = Phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro
Theo PGS. TS Vũ Văn Phúc – Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, ở Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) gồm 5 trụ cột: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội, trợ giúp và ưu đãi xã hội. Xét về thực chất, 5 trụ cột này nhằm thực hiện 3 chức năng chiến lược của hệ thống ASXH là phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. Bản chất của ASXH là tạo ra lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên xã hội trong trường hợp bị giảm, bị mất thu nhập hay gặp phải những rủi ro khác. Chính sách ASXH là chính sách xã hội cơ bản của Nhà nước nhằm thực hiện chức năng phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn thu nhập và cuộc sống cho các thành viên trong xã hội.
Quang cảnh hội thảo |
So với mô hình phổ biến trên thế giới, hệ thống ASXH ở nước ta có một cấu phần đặc thù là chính sách ưu đãi xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu cao cả là đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng, với đất nước; thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội chăm lo, bảo đảm cho người có công có cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện.
Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH thì cho rằng, với Việt Nam, do những điều kiện cụ thể và những hạn chế nhất định về nguồn lực, ASXH cần phát triển theo hướng: phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tập trung hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc thù; tiếp tục mở rộng xã hội hóa việc huy động nguồn lực thực hiện ASXH; tranh thủ sự hợp tác quốc tế. Như vậy, mục tiêu đặt ra là Việt Nam phải cơ bản đáp ứng được nhu cầu ASXH của người dân một cách toàn diện thông qua việc Nhà nước tạo cơ chế để mọi người dân có quyền được tham gia trong các lĩnh vực việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phổ cập GD... Đối với các nhóm yếu thế, các đối tượng đặc thù, Nhà nước cần hỗ trợ để họ được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận GD, nước sạch, thông tin truyền thông…
Nhiều thành tựu trong việc đảm bảo an sinh xã hội
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, đến nay, công tác bảo đảm ASXH ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ở lĩnh vực giải quyết việc làm, bình quân mỗi năm ở Việt Nam có 1,6 triệu lao động được tạo việc làm; tỉ lệ thất nghiệp chung giữ ở mức 2,3%; thu nhập bình quân của người lao động năm 2011 tăng 2,46 lần so với năm 2003, đạt 2,27 triệu đồng/người/tháng.
Công tác giảm nghèo cũng có kết quả đáng mừng, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 22% năm 2006 xuống còn 9,46% năm 2010.
Bảo hiểm xã hội cũng có bước phát triển đáng kể, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2011 đạt 10,1 triệu người, gần bằng 20% lực lượng lao động; hơn 7,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng đối với các nhóm có hoàn cảnh khó khăn đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân. Số người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tăng nhanh, năm 2011 là 1,674 triệu người, chiếm 2% dân số. Nước ta thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 1,4 triệu người có công.
Mặt khác, Nhà nước cũng không ngừng tăng đầu tư cho phát triển các dịch vụ cơ bản bao gồm GD, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông, đặc biệt ưu tiên cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, lao động nông thôn, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng yếu thế khác.
Tuy nhiên, đến nay, công tác bảo đảm ASXH ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập như: giảm nghèo chưa bền vững; phân hóa giàu nghèo, phân hóa giữa các vùng miền có xu hướng mở rộng; tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều; nguồn lực để thực hiện ASXH còn hạn chế…
Phấn đấu đến 2020, hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân
Chính vì những bất cập, hạn chế nêu trên, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và hệ thống ASXH hướng tới bao phủ toàn dân, chúng ta phải tìm ra các giải pháp cơ bản mang tính đột phá và khả thi nhằm nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả ASXH ở nước ta trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Theo GS. TS Trần Ngọc Hiên, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, chúng ta thực hiện chính sách ASXH ở giai đoạn có nhiều biến đổi về khách quan và chủ quan. Vì vậy, cần đổi mới nhận thức về ASXH trong giai đoạn hiện nay, phải coi ASXH là động lực và mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, xây dựng thể chế kinh tế thị trường phát triển bền vững là điều kiện bảo đảm thực hiện thắng lợi chính sách ASXH. Một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững ASXH là xây dựng và phát triển hoạt động dự báo. Và cuối cùng, vấn đề cán bộ luôn là khâu then chốt trong mọi hoạt động.
GS. TS Phạm Xuân Nam – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ “Tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng sống của nhân dân; phát triển hệ thống ASXH đa dạng ngày càng mở rộng và hiệu quả” (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020), từ nay đến năm 2015, chúng ta cần thực hiện một số hướng giải pháp chủ yếu: Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng tốt hơn quan điểm kết hợp hài hòa giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với bảo đảm ASXH ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Hai là, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế, phát triển xã hội gắn với mở rộng việc làm. Ba là, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững. Bốn là, tiếp tục mở rộng và ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH nhiều tầng nấc, bao gồm: chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách trợ cấp xã hội, chính sách tương trợ xã hội.
Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế nên để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thì giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm ASXH là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững.
Theo ý kiến của GS. TS Hoàng Đức Thân – ĐH Kinh tế Quốc dân, yêu cầu bảo đảm ASXH sẽ gia tăng trong những năm tới ở Việt Nam, do những tác nhân đi kèm quá trình tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, cần phối hợp đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế và chính sách xã hội bảo đảm ASXH. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế vì mục tiêu bảo đảm ASXH như chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Mặt khác, việc thực hiện nhóm giải pháp phát triển vùng kinh tế với bảo đảm ASXH cũng rất quan trọng. Ngoài ra, khi thực hiện những giải pháp phát triển hệ thống ASXH ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần chú ý xây dựng trên ba nguyên tắc cơ bản, đó là: phải giải quyết được những vấn đề trong giai đoạn chuyển đổi của Việt Nam; mang tính kế thừa và phát triển; phải mang tính xã hội; phải đảm bảo độ an toàn và có yếu tố bền vững.
Ninh Kiều