Hướng đến cạnh tranh bình đẳng

GD&TĐ - Tính đến tháng 5/2023, nước ta đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tính đến tháng 5/2023, nước ta đã phải đối mặt với 228 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu. Riêng từ năm 2017 đến nay, đã có 116 vụ việc…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do năng lực xuất khẩu hàng hóa nước ta tăng nhanh kể từ khi chính thức trở thành thành viên WTO vào năm 2007 và tham gia các FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Các quốc gia có nhiều vụ việc như Ấn Độ (30), Thổ Nhĩ Kỳ (25), Canada (18), Australia (18), EU (14), Philippines (13)… Về loại hình, điều tra chống bán phá giá đứng đầu với 126 vụ việc; thứ 2 là điều tra tự vệ (46); điều tra về chống lẩn tránh là 33 vụ và điều tra chống trợ cấp là 23 vụ.

Thực tế, các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của nước ta những năm gần đây diễn biến khá phức tạp. Nếu như trước đây hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thì nay những mặt hàng có kim ngạch thấp cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Hàng hóa bị khởi kiện cũng đa dạng hơn từ hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tất nhiên, khi bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất hoàn toàn hoặc một phần thị trường. Cho nên để giải quyết vấn đề này, không thể chỉ từ phía các cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp mà cả hai bên phải song hành.

Phải khẳng định rằng, phòng vệ thương mại là xu thế tất yếu. Và điều này có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp ở vùng, quốc gia này nhưng lại là bất lợi, là rào cản của doanh nghiệp ở nước khác khi mở rộng thị trường. Vậy nên vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp nước ta cũng như các cơ quan chức năng là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế cũng như các chính sách, chương trình, đề án, cơ chế phối hợp về phòng vệ thương mại.

Cụ thể, với các cơ quan chức năng, yêu cầu hàng đầu là phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp, hỗ trợ về mặt pháp lý cho doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, phải chủ động tiếp cận thông tin chuyên môn từ các cơ quan chức năng. Đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa. Đặc biệt phải thay đổi tư duy kinh doanh đó là không chỉ cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng và thương hiệu.

Đồng thời phải trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại. Chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực đủ mạnh để phòng tránh cũng như giải quyết các vụ việc cụ thể. Thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý Nhà nước; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ và rõ ràng.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc các nước áp dụng phòng vệ thương mại là khó tránh khỏi. Cho nên, điều quan trọng là cần chủ động ứng phó và tích cực tham gia giải quyết các vụ việc nhằm hướng đến mục tiêu thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.