Hướng dẫn đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung

GD&TĐ - Sau ngày 13/8, các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được bắt đầu và thời gian kết thúc sẽ do quy định riêng của từng trường ĐH. Dưới đây là một số lưu ý đối với thí sinh về thời gian, các giấy tờ cần thiết khi đăng ký xét tuyển bổ sung.

Thí sinh được hướng dẫn cụ thể khi đăng ký nguyện vọng bổ sung
Thí sinh được hướng dẫn cụ thể khi đăng ký nguyện vọng bổ sung

3 phương thức xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Thí sinh cần phải có phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung (xét tuyển đợt 2) theo mẫu của nhà trường. Mẫu phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung này thí sinh có thể lên website của trường để tải về. Theo đó, ở mẫu đăng ký xét tuyển với mục họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh thí sinh ghi thông tin chính xác như giấy khai sinh. Số chứng minh nhân dân hoặc số báo danh ghi chính xác và thống nhất với thông tin trong hồ sơ đăng ký dự thi.

Còn ở mục đăng ký các nguyện vọng, thí sinh không nhất thiết phải đăng ký tất cả các nguyện vọng có trong phiếu nếu không có nhu cầu. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên.

Bên cạnh phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh cũng cần phải có các giấy tờ như bản photocopy giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2017 đã công chứng. Bản sao chứng minh nhân dân; bản sao các giấy tờ ưu tiên nếu có; bản sao hộ khẩu nếu thí sinh có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng tại khu vực hoặc xã đặc biệt khó khăn. Tất cả các giấy tờ trên đều phải được công chứng và đựng trong một túi đựng hồ sơ.

Có 3 phương thức xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Nộp trực tiếp nơi mình đăng ký, nộp qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Thí sinh cần theo dõi thông tin trên website các trường để tránh thất lạc hồ sơ. Với cách xét tuyển trực tuyến, thí sinh có thể đăng nhập vào địa chỉ thisinh.thithptquocgia.edu.vn để thực hiện các thao tác. Lệ phí xét tuyển theo quy định thường là 30.000 đồng/bộ hồ sơ.

Sau khi trường công bố kết quả xét nguyện vọng bổ sung, thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp cho trường bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2017.

Nguyện vọng bổ sung của những trường tốp đầu

Tính tới ngày 6/8, nhiều trường ĐH công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 năm 2017.

Theo đó, Trường ĐH Bách khoa TPHCM xét tuyển bổ sung 60 chỉ tiêu bậc cao đẳng ngành bảo dưỡng công nghiệp. Phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 (tổ hợp A00; A01). Điều kiện xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có trung bình cộng của các điểm trung bình năm học lớp 10, 11, 12 đạt từ 6,0 trở lên và đạt điểm sàn xét tuyển từ 14 điểm trở lên.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyển nguyện vọng bổ sung các ngành trình độ ĐH có chương trình đào tạo 2 năm đầu tại cơ sở Nha Trang, Bảo Lộc, Cà Mau. Cơ sở Bảo Lộc điểm nhận hồ sơ xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh, Luật là 18,25; Ngành Công nghệ sinh học 17,5 và Kỹ thuật phần mềm là 17. Hai cơ sở ở Nha Trang và Cà Mau nhận xét tuyển tất cả các ngành đều ở mức 17 điểm.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho tất cả các ngành như sau: Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống 21 điểm, Y học dự phòng 18 điểm, Việt Nam học và Kỹ thuật ô tô 17,5 điểm, Quản trị kinh doanh 17 điểm, Dược học 16 điểm, tất cả các ngành còn lại đều nhận hồ sơ xét tuyển mức 15,5 điểm.

Trường ĐH Kinh tế Tài chính xét tuyển nguyện vọng bổ sung ba ngành gồm Ngôn ngữ Nhật, Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế theo kết quả thi THPT quốc gia 2017, điểm xét tuyển bổ sung từ 16 điểm trở lên.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 3 ngành Thú y, An toàn thông tin và Kinh doanh quốc tế từ 15,5 điểm trở lên (mức điểm thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1 là 0,5 điểm). Đối với các ngành khác mức điểm nhận hồ sơ từ điểm trúng tuyển đợt 1 trở lên.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây tuyển bổ sung 285 chỉ tiêu các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Quản lý xây dựng - đô thị, Kỹ thuật công trình xây dựng... Điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển chung cho tất cả tổ hợp môn là 15,5. Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung cho các ngành Kinh tế, Kinh doanh thương mại, Tài chính ngân hàng, Kiểm toán, Quản trị nhân lực, Hệ thống thông tin quản lý, Kinh doanh nông nghiệp, Kinh tế nông nghiệp và một số ngành liên kết. Mức điểm nhận hồ sơ là 15,5 điểm.

Trường ĐH Bạc Liêu tuyển bổ sung 195 chỉ tiêu ĐH các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Khoa học môi trường. Trường tuyển hai hình thức xét điểm thi THPT quốc gia (lấy mức sàn 15,5 điểm) và xét học bạ (18 điểm).

Trường ĐH An Giang tuyển bổ sung 520 chỉ tiêu bậc ĐH cho 24 ngành. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung bậc ĐH từ 15,5 đến 21. Tương tự, Trường ĐH Võ Trường Toản tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành Y đa khoa ĐH chính quy với mức điểm nhận hồ sơ từ 18, điểm trung bình ba năm THPT của một trong các tổ hợp xét tuyển trên 7.

Trường ĐH Tây Nguyên tuyển bổ sung cho 16 ngành ĐH với hơn 400 chỉ tiêu. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cho tất cả các ngành 15,5 điểm. Ngoài ra, một số trường khác cũng nhận hồ sơ xét tuyển như: ĐH Hùng Vương TPHCM, ĐH Đồng Tháp, ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, ĐH Lạc Hồng, ĐH Phú Yên...

Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Huế - cũng nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung cho 18 ngành ĐH gồm Khoa học đất, Kỹ thuật cơ - điện tử, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ chế biến lâm sản, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Khuyến nông, Chăn nuôi, Nông học, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Lâm nghiệp, Lâm nghiệp đô thị, Quản lý tài nguyên rừng, Nuôi trồng thuỷ sản, Bệnh học thuỷ sản, Quản lý nguồn lợi thuỷ sản, Quản lý đất đai là 15,5 điểm. Hai ngành hệ cao đẳng là Chăn nuôi và Nuôi trồng thuỷ sản chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT, có thi tổ hợp môn Toán - Lý - Hóa hoặc Toán - Hóa - Sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ