“Hũ gạo tình thương” của đồng bào miền núi

GD&TĐ - “Hũ gạo tình thương” là tên gọi phong trào quyên góp gạo hỗ trợ cho người nghèo của những phụ nữ dân tộc Bana ở xã miền núi Canh Thuận (huyện Vân Canh) và Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) thuộc tỉnh Bình Định. Phong trào đã diễn ra hơn 15 năm nay, cứu giúp cho biết bao hoàn cảnh nghèo khó.

Chung tay góp gạo
Chung tay góp gạo

Hũ gạo của người nghèo

Chị Đinh Thị Bông - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Canh Thuận tâm sự: “Chị em ở làng dưới đời sống còn khá chút đỉnh, còn làng Hà Văn Trên khổ lắm! Nhiều hộ xếp vào diện nghèo sát đất. Như chị Đinh Thị Thủy, chỉ có cái chòi nhỏ che nắng che mưa do mấy chị em trong hội xúm lại dựng lên. Hàng ngày làm không ra tiền mà con bệnh liên tục, nên tháng nào chi hội làng cũng xét cấp gạo cho chị. Nếu như không có “hũ gạo tình thương” của chị em đóng góp chắc chị Thủy cũng khó lòng xoay xở”.

7 giờ tối, những người phụ nữ ở làng Hà Văn Trên trong bộ áo quần vẫn còn lấm lem do mới đi rừng về, chưa kịp ăn cơm; nhiều chị tay bồng con nhỏ, tay cầm túm gạo đi sinh hoạt. Chị Đinh Thị Dương - Chi hội trưởng làng Hà Văn Trên đang ngồi viết biên bản thì một chị đến sát bên thật thà hỏi nhỏ: “Lần trước mình đã góp gạo chưa?”. Khi biết mình chưa góp, người phụ nữ kia quay về nhà và khi trở lại, chị cầm theo một ca gạo khoảng 1kg.

“Buổi sinh hoạt lần trước nhà chị hết gạo, phải đi mượn hàng xóm nấu cháo ăn nên không có gạo góp vào hũ. Lần này chị ấy đi trồng rừng thuê cho người ta có tiền mua gạo, nhưng vẫn không quên trách nhiệm và đóng góp cả 2 lần luôn đó” - chị Dương giải thích.

Chưa đầy 15 phút, buổi sinh hoạt đã quyên góp được gần 40kg gạo. Bà Đinh Thị Găm thuộc diện đói gay gắt nên được nhận nhiều hơn người khác. “Đang lo ngày mai không biết lấy gì ăn thì tối nay hội ưu tiên chia cho gần 7kg gạo. Tui chia ra ăn cho được nửa tháng, rồi mình đi làm kiếm thêm mua gạo dự trữ tháng mưa rét” - bà Găm xúc động cho biết.

Người Bana ở Canh Thuận hầu như ai cũng khó khăn. Tất cả đều phụ thuộc vào nương rẫy, trồng khoai, sắn, bắp... hoặc đi làm thuê kiếm tiền mua gạo. Nhưng chuyện góp hũ gạo tình thương, bà con luôn sẵn sàng hưởng ứng 100%. Chị Đinh Thị Bông nói: “Ai có nhiều thì góp 2 - 5 lon. Ai khó khăn thì góp 1 lon. Nếu như tháng này thiếu ăn quá thì tháng sau tự góp vào nhiều hơn chút đỉnh. Hội viên toàn là dân nghèo cả nên đều hiểu nhau!”.

Chị em phụ nữ Bana xã Vĩnh Thuận trong một buổi sinh hoạt chia gạo
Chị em phụ nữ Bana xã Vĩnh Thuận trong một buổi sinh hoạt chia gạo 

15 năm, một phong trào tình nghĩa

Năm 2004, chị Đinh Thị Bông, khi đó làm chi hội trưởng Hội phụ nữ làng Hà Văn Trên, thấy nhiều hội viên trong làng bị thiếu đói nên đã họp chị em lại đưa ra sáng kiến xây dựng “hũ gạo tình thương”.

Mới đầu ai cũng phản đối vì họ lý luận nhà nào cũng thiếu ăn, kiếm được hạt gạo ở vùng miền núi này không dễ dàng gì, lấy đâu chia sẻ cho người khác. Chị Bông không nản chí, tranh thủ trong lúc đi làm rẫy, nói chuyện tỉ tê với từng người về việc quyên góp gạo. Chưa dừng lại ở đó, chị đến nhà ông trưởng làng và cả lãnh đạo xã giải thích vận động mấy ông về “phe mình”.

Thăm dò thấy nhiều người xuôi xuôi theo, một hôm chị Bông quyết định lấy 1 kè (hũ đựng rượu cần của đồng bào) ra để nơi nhà rông và “phát” thông báo ai có lòng thì mang gạo đến đổ vào kè. Sau ba ngày phát động, thu được gần 1 bao tải gạo, chị mời chị em và trưởng làng đến dự buổi chia gạo đầu tiên. Tối hôm đó có 4 chị thuộc diện nghèo nhất làng được chia gạo, mới đầu ai cũng “sợ” không muốn nhận, chị Bông giải thích mãi họ mới chịu lấy đem về.

Về sau, không kể thời gian, hễ thấy kè đầy gạo là chị Bông tổ chức chia gạo cho gia đình khó khăn trong làng. Mô hình “hũ gạo tình thương” ở làng Hà Văn Trên dần dần nhân rộng ra 7 làng trong xã Canh Thuận và một số làng ở thị trấn Vân Canh.

Cả làng tham gia

Mỗi quý, mỗi tháng, hội viên và bà con lại tập trung đến nhà rông của làng vừa sinh hoạt, vừa tổng kết số gạo quyên góp của từng nhà rồi đổ vào thùng gạo tình thương của làng. Bình quân mỗi năm, tổng số “gạo tình thương” của cả xã là gần 3 tạ rưỡi, được các chi hội dùng để hỗ trợ cho những người nghèo, gia đình khó khăn.

Ông Đinh Văn Lôi - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Vĩnh Thuận cho biết: “Ban đầu mới thành lập mô hình “hũ gạo tình thương”, các hộ gia đình cũng ít tham gia, chủ yếu là do các hội viên chi hội gương mẫu thực hiện. Sau đó, bà con thấy mô hình này có ý nghĩa nên đã tự nguyện quyên góp. Từ ít thành nhiều, nay bà con đồng bào Bana đã tích cực ủng hộ phong trào, làng nào cũng thực hiện”.

“Từ năm 2007 đến nay, chúng tôi đã chuyển sang cách làm khác gọn hơn, thuận lợi hơn là mỗi khi sinh hoạt hội, hội viên đem gạo đóng góp vào hũ và sau đó chia trực tiếp ngay tại buổi sinh hoạt. Mỗi tháng cả 7 chi hội phụ nữ góp được hơn 2 tạ gạo, giải quyết khó khăn cho biết bao nhiêu hộ đồng bào Bana đói nghèo” - chị Bông chia sẻ mô hình hoạt động rất có hiệu quả này suốt 15 năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.