Tiệm cầm đồ quá tải
Dạo quanh một vòng tại các tuyến phố được cho là “đại bản doanh” nơi có vài chục cửa hàng cầm đồ nằm sát nhau trên địa bàn Hà Nội như: Đặng Dung, Phó Đức Chính, Thụy Khuê, Xuân Thủy, đường Láng, Nguyễn Trãi, Bạch Mai, Gia Lâm... chúng tôi thấy hầu hết các cửa hàng đều tấp nập khách ra vào, bên trong thì chật kín xe máy, thậm chí là ô tô. Hàng chục chiếc xe máy được xếp ngay ngắn, dùng dây khoá lại với nhau. Máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động... được chất đống trong tủ kính...
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một tiệm cầm đồ trên đường Láng (quận Đống Đa), chỉ trong vòng 10 phút đã có tới hàng chục vị khách, cầm những món đồ có giá trị như: Dây chuyền vàng, đồng hồ,
laptop, điện thoại, xe máy... Khách trung niên cũng có, nhưng chủ yếu vào nhiều nhất vẫn là thanh niên. Thủ tục cầm đồ cũng diễn ra khá nhanh gọn, chỉ vài ba phút sau, khách có thể cầm vài triệu rời khỏi cửa hàng. Anh Nguyễn Quang Vũ - chủ một tiệm cầm đồ trên phố Đặng Dung - chia sẻ: “Với những dòng xe giá trị như SH thì có thể cầm với 80% giá trị xe, nhưng nhất định phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh xe chính chủ. Nếu xe không chính chủ phải có chứng minh thư nhân dân của người đăng ký xe và giấy tờ chứng thực mua bán, nếu không có hai thứ đó là chúng tôi sẽ không cầm”.
Trong mùa World Cup, lãi suất cầm đồ tại một số nơi cũng tăng cao. Tại một cửa hàng cầm đồ trên phố Phó Đức Chính, lãi suất được đưa ra là 3.000 đồng/triệu/ngày. Nhưng ở một cửa hàng khác tại đường Láng, mức lãi suất được đề cập ở mức 4.000 đồng/triệu/ngày đối với giá trị cầm đồ trên 10 triệu đồng, dưới 10 triệu thì mức lãi còn cao hơn nữa từ 5.000 - 5.500đồng/triệu/ngày. Như vậy, nếu cầm một chiếc xe máy SH được khoảng 60 triệu đồng, mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả khoản lãi khoảng từ 3,6 triệu đến 5,4 triệu đồng.
Anh Phùng Ngọc Luyện – một người đã từng phải đi cầm đồ đang sinh sống tại quận Đống Đa - chia sẻ: “Nếu không may gặp phải nơi cầm đồ với lãi suất 5.000 - 5.500 đồng/triệu/ngày thì trả lãi đã khó khăn chứ nói gì đến trả gốc. Nhưng để an toàn nhất, nếu bí quá phải cầm đồ thì nhanh chóng kiếm tiền trả sớm cả gốc lẫn lãi để lấy lại đồ, chứ nếu để lâu lãi sẽ tăng rất nhanh không khéo mất luôn cả đồ đi cầm”.
Hiện nay ở hầu hết các cửa hàng cầm đồ đều nhận cầm xe ô tô, xe máy nếu chứng minh được chính chủ. Nhưng với một vài cửa hàng, để thu hút khách và tranh thủ kiếm tiền mùa World Cup, họ chấp nhận cầm đồ không chính chủ nhưng chỉ cầm với giá thấp hơn, khoảng 40 - 50% giá trị xe. Anh Nguyễn Quang Vũ cho biết: “Chuẩn bị cho mùa World Cup cửa hàng tôi đã phải chuẩn bị sẵn nhiều tiền hơn. Với những chiếc xe máy giá trị như dòng xe SH, tôi nhận cầm với giá từ 50 triệu tới 60 triệu, chuyển tiền qua tài khoản ngay cho khách. Còn nếu khách hàng cầm ô tô chúng tôi cũng chỉ cho nhận từ 100 – 200 triệu và cũng đều chuyển qua tài khoản”.
Cần cảnh giác khi cho mượn xe
Việc các tiệm cầm đồ nhận cầm đồ ngay khi tài sản đó không phải là chính chủ, đang là vấn đề không nhỏ đối với những cửa hàng đang cho thuê xe ô tô, xe máy. Trong những ngày diễn ra World Cup, hầu hết các cửa hàng cho thuê xe ô tô, xe máy đều đề cao cảnh giác hơn trong khâu làm thủ tục giấy tờ cho thuê, đặc biệt chú ý hơn khi cài định vị trên xe để theo dõi. Đối với chủ xe, họ lo sợ khách hàng thuê xe của mình rồi lợi dụng, mang thẳng tới tiệm cầm đồ.
Nhiều gia đình cũng phải cảnh giác hơn với tài sản có giá trị. Như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Đức Hanh đang sinh sống ở Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội cho biết, do tin tưởng nên cho người bạn mượn ô tô, không ngờ chiếc xe đó đã nhanh chóng có mặt tại tiệm cầm đồ.
Anh Hanh bức xúc: “Đó là người quen của tôi, nên tôi không cảnh giác. Tôi cho mượn xe vì nghĩ anh ta đang có việc gia đình gấp. Nhưng không ngờ họ mang xe đi cầm được 150 triệu đồng. Gia đình tôi phải mang 160 triệu đồng đến tiệm cầm đồ để chuộc xe về. Hiện gia đình tôi đã báo công an, nhưng vẫn chưa thể bắt được anh ta”.