Điều đáng ghi nhận, sau hơn một năm hoạt động, HTX đã bước đầu gặt hái những thành công. Đó chính là HTX Thanh niên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM.
Sinh viên thành… xã viên
Tháng 9/2011, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phong trào HTX thế giới của Canada có tên gọi Socodevi đã mang mô hình HTX trong trường học đến giới thiệu với SV của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TPHCM. Ban Giám hiệu nhà trường nhận thấy đây là một mô hình hay, nên giao Đoàn Thanh niên phối hợp với Phòng Hợp tác quốc tế của trường nghiên cứu để thực hiện. Trường đã thành lập một nhóm SV là cán bộ Đoàn trường để tiếp cận nghiên cứu mô hình này.
Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi và tham vấn các thủ tục pháp lý, năm 2013, HTX Thanh niên (Youthcoop) chính thức thành lập, do SV góp vốn và làm chủ. HTX có điều lệ hoạt động và được cấp giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, phải đến ngày 3/11/2015 thì “sản phẩm” đầu tiên có tên Youth Station mới khai trương, đánh dấu thành quả đầu tiên của HTX. Youth Station có không gian lý tưởng, đầy đủ tiện nghi, phục vụ chuyên nghiệp trên diện tích 200 m2, trong đó có tới 40 m2 được bố trí dành riêng cho không gian sách, diện tích còn lại được sử dụng để phục vụ cà phê với bàn ghế và quầy bar.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nguyễn Thị Hoàng Triều cho biết: HTX là nơi thư giãn cho các bạn SV, kể cả cán bộ giảng viên thuộc Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Tại đây, mọi người có thể nhâm nhi ly cà phê, hay uống nước giải khát trong không khí mát mẻ và thoải mái lướt mạng Internet, thậm chí hội họp, tổ chức sự kiện miễn phí. Đối với các bạn mê sách thì thả sức nghiền ngẫm giáo trình đại cương, sách chuyên ngành, tiếng Anh... và truyện ngắn, tiểu thuyết của các tác giả trẻ. Nếu cần mua văn phòng phẩm, túi xách, ba lô, quà lưu niệm có in tên và logo trường… cũng đều được đáp ứng tại chỗ, với giá cả hợp lý. Nơi đây còn cung cấp dòng sản phẩm quà lưu niệm có in tên và logo trường. Ngoài ra, SV có thể sử dụng địa điểm này để hội họp, tổ chức sự kiện cùng các dịch vụ đi kèm miễn phí khác như máy lạnh, nước lọc, wifi… Vốn là mô hình trong trường học nên Youth Station mang nét đặc trưng theo đúng khung chuẩn trên thế giới, mỗi thành viên của HTX được cấp một thẻ thành viên dùng để mua hàng giống như thẻ khách hàng tại các siêu thị.
Một điều đặc biệt là bất cứ SV nào muốn cũng có thể trở thành xã viên của HTX. Chỉ cần góp vốn 80.000 đồng, SV sẽ trở thành xã viên của HTX Thanh niên, trong đó 50.000 đồng là vốn góp, số còn lại là phí làm thẻ, phí quản lý thành viên. Quyền lợi của xã viên là được sử dụng các dịch vụ của HTX với mức giá ưu đãi nhất. Đặc biệt, xã viên có quyền ứng cử vào Ban lãnh đạo HTX, làm quản lý các loại hình dịch vụ của HTX. Đây chính là cơ hội để các SV được trải nghiệm thực tế và học hỏi được nhiều lĩnh vực như kinh doanh, quản trị, kế toán, marketting… Khi đã trở thành xã viên, SV sẽ có nhiều cơ hội làm việc nhóm, nâng cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể và chủ động hơn với các hoạt động cộng đồng khác. Xã viên sẽ được ưu tiên để trở thành nhân viên làm việc bán thời gian trong các mô hình dịch vụ của HTX với mức thu nhập hấp dẫn.
Lợi ích của sự trải nghiệm
Điều lý thú của HTX Thanh niên là, khi hội viên sử dụng các dịch vụ đều được hưởng chế độ giá ưu đãi. Riêng SV là xã viên, tùy theo làm công việc của người quản lý hay nhân viên, sẽ được hưởng lương từ 15.000 đồng trở lên/giờ làm. Đặc biệt, theo điều lệ của HTX, lợi nhuận kinh doanh được thanh toán hằng tháng và khi SV ra trường thì có thể rút lại toàn bộ số vốn góp. Quan trọng hơn, HTX đã tạo thêm cơ hội cho các bạn trẻ được tham gia làm chủ, tăng tính trách nhiệm tập thể, chủ động hơn trong hoạt động cộng đồng và có cơ hội tiếp xúc, học hỏi nhiều lĩnh vực khác ngoài chuyên ngành, như kinh doanh, quản trị, kế toán, marketing… để “khởi nghiệp” từ nhà trường.
Nguyễn Như Hồng Diễm, SV năm thứ tư, Khoa Đông phương, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết, em tham gia HTX ngay từ ngày đầu thành lập, thu nhập từ làm thêm khoảng 6 giờ/ngày cũng đủ trang trải cuộc sống SV. Nhưng cái được lớn hơn là được học hỏi, trải nghiệm từ kinh doanh và tự tin trong học tập, cũng như trong cuộc sống. “Vui và vất vả nhất là vào buổi trưa, thời điểm này bán hàng có khi không kịp, nhiều hôm không đủ chỗ ngồi, vì SV ra rất đông” - SV Nguyễn Thanh Thúy, nhân viên bán hàng nói thêm. Còn như nhận xét của em Lưu Hoài Anh, SV Khoa Văn học ngôn ngữ, thì HTX phục vụ tốt, thân thiện, giá cả hợp lý, nhưng các mặt hàng bán tại đây chưa phong phú.
Nói về mô hình HTX Thanh niên, TS Nguyễn Khắc Cảnh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết: Nhiều trường ĐH trên thế giới đã triển khai mô hình này và hình thức này phù hợp mục tiêu phát triển của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Với thành công bước đầu của HTX Thanh niên, hy vọng thời gian tới, mô hình HTX trong trường học sẽ được lan tỏa và nhân rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó làm thay đổi nhận thức, tư duy về mô hình HTX trường học, giúp mọi người hiểu đúng về vai trò, lợi ích của mô hình này. Đặc biệt, sự trải nghiệm thực tế kinh doanh ngay trong trường học, là hành trang quý báu để các em đủ tự tin khi ra trường, giúp ích cho bản thân, cống hiến nhiều hơn cho xã hội.