Cũng như các bộ phận khác, mắt cần được chăm sóc, bảo vệ hàng ngày. Tuy nhiên, thói quen, kiến thức đang là rào cản khiến cho không ít người mất đi cơ hội nhìn thấy ánh sáng.
Bệnh có ở mọi lứa tuổi
Trong các bệnh về mắt, glocom là bệnh dễ mắc bởi liên quan đến thói quen sử dụng thuốc không theo chỉ định của người dân. Tuy nhiên, đây cũng là bệnh có thể chữa trị, bảo tồn mắt cho người bệnh nếu được phát hiện, xử lý kịp cũng như tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám.
Glocom hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống, cườm nước. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Glocom được bác sĩ nhãn khoa chia làm 4 thể. Glocom mạn tính tức bệnh xảy ra trong thời gian dài nhưng không được điều trị triệt để khiến cho thủy dịch trong mắt không được dẫn lưu gây tổn hại thị lực. Người bệnh khi được xác định mắc bệnh thể mãn tính có ít cơ hội phục hồi. Glocom cấp tính là bệnh phổ biến trong cộng đồng cư dân phương Đông. Việc tắc nghẽn dẫn lưu thủy dịch gây đau nhức dữ dội, giảm thị lực trầm trọng.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, cơn đau cấp tính khiến người bệnh có cảm giác mắt có thể… nổ tung bất cứ lúc nào. Tăng nhãn áp cũng là một dạng glocom thứ phát. Bệnh liên quan đến căn nguyên như viêm màng bồ đào hay một số bệnh lý khác. Glocom bẩm sinh là bệnh xảy ra ở trẻ, liên quan đến sự bất thường của hệ thống dẫn lưu dịch thủy hoặc những dị dạng của hệ thống tâm thần kinh và tim mạch.
Nếu như glocom cấp tính thường gặp ở người phương Đông thì glocom mạn tính lại thường thấy ở người phương Tây. Bệnh đặc biệt dễ gặp ở người có nền bệnh viễn thị, tiểu đường hoặc gia đình có người mắc. Do bệnh không có triệu chứng điển hình nên phát hiện bệnh chủ yếu qua khám sàng lọc hoặc người bệnh tự cảm thấy mắt mình… có vấn đề nên đi khám.
Với đặc điểm của bệnh, hàng năm số người mắc không ngừng gia tăng. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020, thế giới có khoảng 80 triệu người mắc và trên 11 triệu người mù do bệnh. Phần lớn người mất thị lực liên quan đến glocom do chủ quan hoặc ít cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế, đặc biệt là nhãn khoa.
Chăm sóc đôi mắt từ việc làm hàng ngày
Ở nước ta, nghiên cứu sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương tại Nam Định, Thái Bình cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở người trên 35 tuổi lần lượt là 2,2 và và 2,4%. So với một số bệnh về mắt, con số trên không nhiều nhưng điều đáng lo ngại là có tới 94% người dân khi được hỏi không có khái niệm hoặc biết rất ít về căn bệnh này.
Cho đến nay, glocom vẫn là nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa với người dân ở nước ta. Nhiều năm nay, Bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện mắt ở các địa phương đã triển khai nhiều chương trình khám, tư vấn và sàng lọc miễn phí nhưng số người bị bệnh chưa được phát hiện hoặc phát hiện muộn còn cao. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, qua khảo sát cho thấy hầu hết người dân còn… lơ mơ về bệnh.
Tại Thái Bình, có 99% người dân được hỏi không có thông tin về bệnh. Tỷ lệ này tại Thái Bình là 100%. Với người được xác định mắc bệnh, có hơn một nửa không quan tâm đến bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tức khi mắt mờ không thể nhìn rõ hoặc đau không chịu được mới đến viện nhưng triệu chứng bệnh chỉ giảm một chút là ngừng dùng thuốc hoặc không tái khám. Có trường hợp dùng lại đơn cũ khi bệnh tái phát trở lại…
Cũng theo bác sĩ Hiệp, thiếu kiến thức cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người mắc bệnh mà không biết. Đó là việc tự ý/lạm dụng thuốc nhỏ mắt khiến giác mạc bị khô, tăng nhãn áp… lâu ngày dẫn tới các bệnh về mắt, trong đó có glocom.
Do vậy, để giảm nguy cơ mắc glocom cũng như nhiều bệnh về mắt khác, các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo người dân cần chăm sóc sức khỏe đôi mắt như các bộ phận khác trên cơ thể. Mắt cần có thời gian nghỉ ngơi, cần được bổ sung dưỡng chất thông qua dinh dưỡng hàng ngày. Đặc biệt, mắt cũng có nhu cầu được “bảo dưỡng” bởi bác sĩ nhãn khoa thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khám mắt khi có dấu hiệu bất thường.