Giáo dục TPHCM 50 năm sau ngày thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025):

'Hổng dám đâu, em còn phải học bài'

GD&TĐ - Với mục tiêu đưa tất cả trẻ em đến trường, TPHCM đã triển khai công tác phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 1995, mở ra cơ hội học tập cho những em có hoàn cảnh khó khăn.

Lớp tiểu học tại TPHCM năm học 2017 - 2018. Ảnh tư liệu: Mạnh Tùng
Lớp tiểu học tại TPHCM năm học 2017 - 2018. Ảnh tư liệu: Mạnh Tùng

Sự tận tâm của thầy cô và sự hỗ trợ từ cộng đồng đã giúp thành phố trở thành đơn vị đầu tiên ở phía Nam đạt thành tựu này, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong giáo dục.

Đưa trẻ em đến trường

“Hổng dám đâu, em còn phải học bài”. Đó là lời bài hát thiếu nhi “Hổng dám đâu” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên từng được sử dụng làm nhạc hiệu cho chương trình Bông Hoa Nhỏ, phát sóng vào lúc 19 giờ trên kênh HTV - Đài Truyền hình TPHCM, trong những năm 1990. “Em còn phải học bài” là lời nhắc nhở các em học sinh nhớ siêng năng học tập.

Gần 30 năm trôi qua, những học sinh ngày ấy giờ đây đã ngoài 40 tuổi, trở thành những bậc phụ huynh. Mỗi tối, khi nhìn con cháu ngồi học bài, hẳn họ lại nhớ về quãng thời gian gian khó nhưng đầy ý nghĩa của thầy và trò năm xưa. Và trong lòng họ, niềm tự hào về chặng đường phổ cập giáo dục tiểu học vẫn còn vẹn nguyên như một dấu son đáng nhớ.

Năm 1995, TPHCM đăng ký với Bộ GD&ĐT về việc hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Đây được xem là một công trình giáo dục quan trọng, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ toàn dân và các ban, ngành theo lời kêu gọi của UBND thành phố. Lãnh đạo TPHCM xác định giáo dục cơ sở là nền tảng để nâng cao dân trí, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Anh Hồ Thiệu Hùng, khi đó là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, kiêm Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học của Sở, trong những lần xuống các quận, huyện, thường nhấn mạnh: “Ngành Giáo dục cố gắng kêu gọi tất cả trẻ em được đến trường, được học tập và tốt nghiệp tiểu học. Xã hội tin rằng các em sẽ trở thành những công dân tốt, biết sắp xếp công việc, biết chi tiêu và giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt, các em phải là những con người có học, có văn hóa để sống trong một xã hội văn minh, có cuộc sống gia đình hạnh phúc”.

Với tinh thần sôi nổi và đầy nhiệt huyết, anh luôn hào hứng cùng mùa tựu trường, nơi khẩu hiệu “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” được lan tỏa mạnh mẽ. Khẩu hiệu này xuất hiện khắp nơi, từ khu phố đến xã, ấp, thể hiện quyết tâm của TPHCM trong việc phổ cập giáo dục tiểu học.

hong-dam-dau-em-con-phai-hoc-bai-3.jpg
Cô giáo hướng dẫn học trò tại một lớp học tập cộng đồng ở Quận 12, TPHCM. Ảnh tư liệu: Mạnh Tùng

Lớp chính quy xen lẫn lớp tình thương

Năm 1995, ngành Giáo dục TPHCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tách trường Phổ thông cơ sở (học chung từ lớp 1 đến lớp 9 theo chương trình Cải cách giáo dục) thành hai cấp học riêng biệt: Tiểu học và Trung học cơ sở. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian, ngân sách cũng như sự điều chỉnh trong hệ thống tổ chức.

Thành phố đặt mục tiêu mỗi phường, xã phải có ít nhất một trường cấp 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến lớp. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không ít khu vực, hai đến ba phường chỉ có một trường. Trong khi đó, cha mẹ bận rộn mưu sinh, buôn bán, tất tả ngược xuôi lo cho cuộc sống, đôi khi không để ý con cái đã đến tuổi đi học.

Mỗi năm, khi năm học mới sắp bắt đầu, các bác trong khu phố lại đi từng nhà, gõ cửa vận động, trao phiếu và gửi giấy mời trẻ đến trường. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vì lo miếng cơm manh áo vẫn quên mất việc cho con nhập học đúng thời gian quy định.

Theo quy định về phổ cập giáo dục tiểu học, giai đoạn đầu yêu cầu 80% trẻ từ 11 - 14 tuổi có hộ khẩu thường trú phải tốt nghiệp tiểu học. Đến giai đoạn hai, độ tuổi hoàn thành phổ cập được rút ngắn xuống 11 tuổi. Để đảm bảo công tác phổ cập, mỗi UBND phường, xã phải bố trí 1 - 2 chuyên viên chuyên trách, chịu trách nhiệm điều tra, cập nhật số liệu và thống kê tình hình trẻ em trong độ tuổi đi học.

Khi phát hiện trẻ chưa có điều kiện đến trường, địa phương sẽ tổ chức lớp phổ cập vào ban đêm, tạo cơ hội cho các em hoàn thành chương trình tiểu học. Những lớp học này thường được tổ chức tại trường tiểu học, nhà làm việc của khu phố hoặc bất kỳ địa điểm nào có thể tận dụng. Chính quyền địa phương tìm mọi cách kê đủ bàn ghế, treo lên một tấm bảng là có thể hình thành một lớp học, giúp trẻ em có cơ hội được tiếp cận tri thức.

Bên cạnh đó, thành phố còn có lớp học tình thương dành cho trẻ em theo cha mẹ từ miền quê lên thành phố làm ăn nhưng không có hộ khẩu. Nếu cha mẹ không đủ khả năng cho con học tại các trường dân lập, các em sẽ vào đây học chung. Trường dân lập thu học phí và cần có sự cấp phép của các đoàn thể.

Trong khi đó, lớp học tình thương do các nhà giáo nghỉ hưu và những nhà hảo tâm tổ chức, tìm địa điểm để dạy học. Các em đến lớp không chỉ được học chữ mà còn nhận được tập sách, quần áo, đôi khi cả thực phẩm từ các nhà từ thiện, hội đoàn, nhà chùa, nhà thờ. Người thầy dạy tiểu học tận tụy với học sinh. Ngoài công việc giảng dạy chính, buổi tối họ đến với lớp phổ cập, lớp học tình thương để dạy các em cùng với những nhà giáo lớn tuổi.

Đêm đêm, dưới ngọn đèn mờ, thầy trò miệt mài học tập. Về chương trình học, có chương trình chính quy 165 tuần, chương trình phổ cập 120 tuần hoặc 100 tuần cho 5 năm tiểu học. Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, học sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.

Học sinh đến với các lớp học ban đêm phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Ban ngày, các em tất bật phụ giúp gia đình với đủ công việc: Trông em, giao hàng, rửa bát trong quán ăn, làm thuê, thậm chí nhặt rác, đổ rác cùng người thân là công nhân vệ sinh. Cuộc sống của các em thiếu thốn đến mức ngay cả một mái nhà che nắng che mưa cũng không trọn vẹn. Nhiều gia đình phải sống tạm bợ trong những căn nhà đơn sơ, bốn bức tường chỉ là bìa các-tông dán chồng lên nhau, trang trí bằng giấy báo.

Dẫu vậy, các em vẫn đến lớp, bởi các cô, các chú nói rằng có chữ nghĩa thì sẽ có hiểu biết, cuộc sống rồi sẽ dần tốt hơn, tương lai sẽ đẹp hơn. Không có giấy khai sinh, tuổi tác chỉ được cha mẹ nhớ mang máng, tên gọi cũng bình dị như chính cuộc sống lao động của gia đình: Tèo, Tí…

Những đứa trẻ ấy đến lớp với quần áo lấm lem, khuôn mặt còn vương bụi đường, nhưng ánh mắt vẫn sáng lên niềm vui được đi học. Tay viết chữ còn nguệch ngoạc, miệng đọc bài thật to, đầy háo hức vì được có thầy cô, có bạn bè. Các em đặt hy vọng vào giáo dục như một con đường mở ra những điều tốt đẹp hơn giữa cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.

Ngoài xã hội, các em có thể lỳ lợm, bặm trợn, quen nói tục, vung tay đá chân. Nhưng khi bước vào lớp học, các em dần học cách nắn nót từng con chữ, đọc bài cố gắng rõ ràng, tập khoanh tay, thưa gửi lễ phép với thầy cô, biết chia sẻ cho nhau chiếc bánh, trái cam. Lớp học không chỉ mang đến con chữ, mà còn gieo hy vọng và sự đổi thay trong từng tâm hồn non nớt.

Thầy cô dạy các em bằng cả tấm lòng, không màng đến khoản trợ cấp ít ỏi từ lớp phổ cập. Với các lớp học tình thương, điều họ mong mỏi chỉ là sự tiến bộ của học sinh. Họ chỉ cho đi mà không hề nghĩ đến việc nhận lại. Có những thầy cô đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe không còn dẻo dai, mắt đã mờ, tóc bạc phơ, bước chân chậm chạp.

Nhưng khi đến lớp, họ vẫn mang dáng dấp nghiêm trang của một người thầy, vẫn kiên nhẫn đứng trước bảng, lắng nghe học trò đồng thanh dạ thưa. Họ nhìn những gương mặt trẻ thơ ngày càng ngoan ngoãn, hồn nhiên hơn, dù đôi tay vẫn còn táy máy nghịch ngợm, chọc ghẹo nhau trong giờ học. Với họ, chỉ cần thấy học trò tiến bộ, lớp học vang lên tiếng đọc bài rộn ràng, thế là đủ để tiếp tục gắn bó, tiếp tục cho đi.

hong-dam-dau-em-con-phai-hoc-bai-1.jpg
Lớp học tình thương ở quận Tân Phú, TPHCM những năm 2012. Ảnh tư liệu: Mạnh Tùng

Từ phố thị xuống tận nông thôn

Sở GD&ĐT TPHCM, Phòng Giáo dục Tiểu học là thường trực Ban Chỉ đạo phổ cập của thành phố, cùng với sự tham gia của các phòng ban, cán bộ. Ban Chỉ đạo chia nhau đến thăm, tìm hiểu thực tế để động viên, chia sẻ và hỗ trợ các lớp học ban đêm. Nhiều lớp nằm sâu trong những con hẻm tối, thiếu ánh sáng đến mức không nhìn rõ mặt chữ. Ở các vùng ven và ngoại thành, điều kiện còn khó khăn hơn.

Khi trời mưa, con đường đến lớp trở nên trơn trượt, thiếu thốn từ viên phấn trắng đến tấm bảng xanh. Nhiều nơi, bảng viết chỉ là bức tường cũ được tô đen bằng sơn. Dẫu vậy, thầy trò vẫn miệt mài học tập, từng ngày đổ mồ hôi trên con đường tìm kiếm tri thức.

Các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân như các công ty sách, nhà xuất bản luôn hỗ trợ bút, tập, sách giáo khoa, sách bài tập, góp phần giảm bớt khó khăn. Nhưng giữa những thiếu thốn ấy, tấm lòng yêu thương vẫn mỗi ngày một lớn dần, đẹp trong mắt học trò và trong trái tim nhân hậu của thầy cô.

Bộ GD&ĐT đã có một tuần kiểm tra công tác phổ cập tại TPHCM. Các địa điểm do đoàn lựa chọn trải rộng từ nội thành đến vùng ven và ngoại thành, với những điểm đánh dấu cụ thể để đến khảo sát. Không chỉ xem xét hồ sơ, sổ sách, đoàn kiểm tra còn trực tiếp đến các phường, xã.

Từ những con hẻm sâu của quận: 6, 4, 11, Bình Thạnh… đến những cánh đồng, dòng sông ở Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… Tất cả đều được đưa vào diện kiểm tra. Đoàn xem xét từng hồ sơ, sổ điểm, bằng tốt nghiệp tiểu học, thậm chí đến tận hộ gia đình để kiểm tra tập vở và gặp gỡ học sinh.

Sở GD&ĐT cũng phân công lực lượng đi cùng đoàn kiểm tra của Bộ. Đến đâu, đoàn cũng nhận được sự đón tiếp và tạo điều kiện làm việc thuận lợi từ UBND các cấp. Không khí chung đầy căng thẳng, khi ai cũng mong rằng những nỗ lực không ngừng suốt thời gian qua sẽ được ghi nhận và đánh giá xứng đáng.

Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND TPHCM tổ chức buổi lễ công bố kết quả kiểm tra, với sự tham dự đầy đủ của chính quyền và Phòng GD&ĐT các quận, huyện. Giây phút ấy thật xúc động, nhiều thầy cô rưng rưng, nghẹn ngào muốn rơi nước mắt khi TPHCM chính thức được công nhận hoàn thành Phổ cập Giáo dục Tiểu học - trở thành đơn vị đầu tiên đạt được thành tựu này trong các tỉnh phía Nam. Những lời đánh giá, ghi nhận từ đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT chính là món quà vô giá dành cho những người đã tận tụy với công tác phổ cập suốt bao năm qua.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chính quyền TPHCM khẩn trương triển khai công tác tiếp quản với nhiều đổi thay lớn. Cùng với quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo cũng được đặc biệt chú trọng, thực hiện theo chủ trương “chống giặc dốt” từ Trung ương.

Năm học đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, phụ huynh vui mừng đưa con đến trường trong không khí rộn ràng của hòa bình, độc lập. Một khởi đầu đáng nhớ, mở ra chặng đường đổi mới giáo dục. Đến năm 1981, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình Cải cách giáo dục, đặt nền tảng cho công tác phổ cập giáo dục tiểu học trên cả nước. Hưởng ứng chủ trương này, ngành GD&ĐT TPHCM đặt mục tiêu đạt chuẩn phổ cập Giáo dục tiểu học vào năm 1995 và hoàn thành phổ cập đúng độ tuổi vào năm 2000.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quay lưng với 'rác văn hóa'!

GD&TĐ - Mỗi người cần tỉnh táo và bản lĩnh để vượt qua bản năng tò mò, thích 'hóng chuyện' từ đó dám từ chối, quay lưng với thông tin xấu độc...