Hơn 12 nghìn tỷ di dời Ga đường sắt, cơ hội lớn cho Đà Nẵng phát triển đô thị

Hơn 12 nghìn tỷ di dời Ga đường sắt, cơ hội lớn cho Đà Nẵng phát triển đô thị

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức BT.

Vốn đầu tư dự kiến 12.363 tỉ đồng

Ngày 1/4,ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức BT.

Theo văn bản này, UBND TP Đà Nẵng cho biết thời gian qua, TP thường xuyên làm việc với các bộ, ngành trung ương để giải quyết vướng mắc, nhằm sớm triển khai lại dự án.

TP Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, thống nhất cho phép thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án được dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, xung quanh nhà ga mới, 2 bên hành lang tuyến đường sắt cũ và quỹ đất của thành phố theo quy định sử dụng tài sản công, để thanh toán thực hiện dự án BT.

Theo đó, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả theo đúng quy hoạch của thành phố

Liên quan đến việc xin chủ trương thực hiện dự án, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP Đà Nẵng làm cơ quan thẩm quyền trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để chủ động triển khai công tác chuẩn bị dự án, tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định.

Ngày 7/5, Bộ GTVT đã có văn vản gửi Văn phòng Chính phủ về việc nghiên cứu thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức PPP. Theo đó, Bộ GTVT nhận được phiếu chuyển số 551/PC-VPCP ngày 9/4 của VPCP về việc chuyển Bộ GTVT xem xét, xử lý đề xuất của UBND TP Đà Nẵng liên quan đến vấn đề trên.

Sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, dự án gồm 2 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến 12.363 tỉ đồng. Trong đó, tiểu dự án 1 là 10.236 tỉ đồng, tiểu dự án 2 là 2.400 tỉ đồng (sử dụng nguồn ngân sách TP).

Trong văn bản gửi VPCP, Bộ GTVT cho rằng, việc sớm di dời đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm thành phố là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nhằm giảm thiểu ùn tắc, phát triển đô thị, ổn định đời sống…

Với dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, Bộ GTVT cho rằng, là một giải pháp phù hợp và sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế xã hội của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua khu vực thành phố…

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận giao UBND thành phố là cơ quan chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ UBND TP Đà Nẵng trong quá trình triển khai đảm bảo quy định pháp luật về đất đai và xây dựng. Trong giai đoạn tiếp theo tùy thuộc vào nguồn vốn và thẩm quyền quản lý, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án phù hợp.

Thúc đẩy phát triển đô thị

Trao đổi với báo GD&TĐ, ông Nguyễn Cửu Loan - Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng cho hay, từ khi công bố quy hoạch di dời ga đường sắt năm 2004 cho đến nay vẫn còn nằm trên giấy, mặc dù việc di dời này có rất nhiều phương án. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn, hơn nữa phương án trước đây là đưa về Hòa Minh vô tình lại cắt đôi khu đô thị Tây Bắc Đà Nẵng. Vì vậy, trong thời gian qua UBND TP Đà Nẵng đã thường xuyên làm việc với các bộ, ngành trung ương để giải quyết vướng mắc và sớm triển khai dự án.

“Theo đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, phương án thực hiện và nguồn vốn đầu tư dự án di dời ga Đà Nẵng nhằm sớm triển khai dự án, giảm thiểu khó khăn cho người dân sống trong khu vực đất thuộc diện quy hoạch và tái phát triển đô thị theo hình thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), sử dụng nguồn vốn từ quỹ đất của địa phương để thanh toán thực hiện dự án BT theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019. Xét thấy đây là một giải pháp phù hợp để sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Loan cho hay.

Ông Loan cũng thông tin, vừa qua, tại nội dung báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều chuyên gia về cơ bản đã đồng tình với khung kỹ thuật giao thông đô thị. Trên cơ sở hệ thống giao thông đã có, nhà tư vấn đã phân tích khá kỹ trên cơ sở dự báo phát triển kinh tế và định hướng phát triển giao thông vùng và quốc gia để kết nối với giao thông thành phố, bao gồm: Đường thủy , đường bộ, đường sắt, Sân bay, Cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu, việc bố trí các tuyến MRT, LRT kết nối với hệ thống BRT. Đặc biệt là hệ thống giao thông ngầm đô thị kết nối với các trung tâm thương mại, dịch vụ và bến đỗ xe ngầm…).

Theo đó, Quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy song song, bên cạnh về phía Đông đường bộ cao tốc; xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực gần nút giao thông giữa đường Bà Nà – Suối Mơ và đường bộ cao tốc, gắn với việc hình thành một trung tâm thương mại dịch vụ để biến nó thành một đô thị động lực phát triển khu vực phía Tây thành phố và tái phát triển đô thị khu vực nhà ga và hành lang đường sắt cũ sau khi di dời.

“Chúng ta hy vọng rằng với điều chỉnh tầm nhìn quy hoạch lần này, Đà Nẵng sẽ được mở rộng ra, nhiều trung dịch vụ và thương mại sẽ làm đổi thay hơn Đà Nẵng hôm nay việc ùn tắc giao thông sẽ hạn chế. Đặc biệt sẽ giúp người dân tại các khu vực quy hoạch ổn định cuộc sống và phát triển” - ông Loan nhận định.

Dự án “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị” dự kiến chia làm 2 tiểu dự án và các hợp phần nhỏ với tổng mức đầu tư (tạm tính) 12.363 tỉ đồng (đã bao gồm dự phòng 20%). Tiểu dự án 1: “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị” dự kiến có 3 hợp phần, tổng mức đầu tư (tạm tính) 10.236 tỉ đồng.

Trong đó, hợp phần 1: “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng” do Bộ GTVT chủ trì, có tổng mức đầu tư tạm tính 5.350 tỉ đồng.

Hợp phần 2: “Phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới” do UBND thành phố chủ trì với tổng mức đầu tư tạm tính 830 tỷ đồng. Dự kiến ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường các tiện ích đô thị cho khu vực trung tâm thành phố...

Hợp phần 3: “Tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng” do UBND thành phố chủ trì với tổng mức đầu tư tạm tính 2.350 tỉ đồng. Tiểu dự án 2: đền bù giải tỏa phục vụ dự án “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị” do UBND thành phố chủ trì tổ chức triển khai công tác đền bù giải tỏa và tái định cư theo quy định tại khu vực nhà ga cũ, nhà ga mới và hành lang tuyến đường sắt hiện trạng. Tổng mức đầu tư tạm tính của tiểu dự án này là 2.400 tỉ đồng (sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố).

Trước đó, từ năm 2004, thành phố đã công bố quy hoạch dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, từ vị trí hiện tại ở đường Hải Phòng (quận Thanh Khê) sang vị trí mới tại phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Từ khi công bố quy hoạch đến nay, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thiếu vốn nên dự án đã bị treo 16 năm.

Nhiều người dân sống trong vùng quy hoạch của ga đường sắt mới đã gặp nhiều khó khăn. Vì vướng quy hoạch nên người dân không được xây dựng, nâng cấp nhà cửa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.