(GD&TĐ) - Bà Vương Phong từng là phóng viên tạp chí Liêu Vọng (Tân Hoa xã). 43 năm trước, bà đã từng được gặp và chụp ảnh chung với Bác Hồ. Là phóng viên, bà có dịp đặt chân đến nhiều nơi. Những hồi ức không thể nào quên về kỷ niệm gặp vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được nhà báo Vương Phong ghi lại trong một bài viết đăng trên Tân Hoa xã gần đây.
Thân thương Hà Nội
“Năm 1956, cha tôi được cử sang làm đại diện của Tân Hoa xã tại Hà Nội. Tôi cùng cha sang Việt Nam khi mới vừa tròn 5 tuổi. Ngày ấy, xung quanh tôi mọi thứ đều mới lạ.
Những cây dừa cao to xum xuê cành lá, hồ Hoàn Kiếm lung linh gợn sóng. Người dân Việt Nam nhiệt tình, hiếu khách và những bài hát của Việt Nam đã thực sự làm tôi say mê. Cây sim, cây sấu sum suê đẹp mắt, thường khiến tôi cứ ngước đầu lên ngắm nhìn không chán; những quả đu đủ trĩu cành mà tôi ăn không chán miệng; mỗi khi nhặt những cánh hoa ngát hương từ dưới đất lên là tôi cứ hít hà mãi không thôi.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường đứng trước cửa, nhìn mọi người qua lại rồi lại mường tượng, nhân lúc người lớn không để ý, liền lẻn ngay ra ngoài phố, theo sau người bộ hành đi đến tận tít cuối phố, tôi thích ngắm hoa tươi trong cửa hàng bán hoa, xem người lớn ngồi trên chiếu nhai trầu một cách ngon lành; đặc biệt là thích ngắm những tà áo dài duyên dáng.
Tôi thích ăn dừa Việt Nam, đặc biệt là thích ăn loại dừa cùi cứng và dày, ăn bùi như lạc, càng nhai càng thơm. Sau khi trở về Bắc Kinh tôi thấy mọi người chỉ bổ ra uống nước, còn bỏ hết cùi đi, tôi chỉ muốn nói với họ rằng “Thực ra ăn cùi dừa mới ngon”.
Tôi còn rất thích ăn chuối tiêu Việt Nam. Chanh Việt Nam là thứ hoa quả giải khát tuyệt vời, tôi thường ham chơi đến mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chạy về đến nhà là tôi liền uống cốc nước chanh mẹ đã pha sẵn, bỏ đá vào, khuấy lên, nước chanh lành lạnh, chua chua ngòn ngọt, sau khi uống hết nước, đá vẫn chưa tan hết, là tôi lại dùng thìa khuấy tiếp, tiếng thìa khuấy đá nghe rất vui tai, rồi những viên đá tan dần, nhỏ dần, thật là thú vị.
Mứt khô Việt Nam cũng rất ngon, đến nay tôi vẫn còn nhớ như in, mứt được chế bằng các loại hoa quả nhiệt đới. Tôi thường đứng hồi lâu trước cửa hàng bán mứt khô, rồi cứ dán mắt và những lọ thủy tinh đựng mứt, thích nhất là loại mứt khế năm cạnh, cắt ngang từng miếng thành những ngôi sao năm cánh, rất ngon miệng, ăn mãi không chán…
Bà Vương Phong và bức ảnh quý chụp với Bác Hồ khi xưa |
Trẻ nhỏ học nói rất nhanh, không cần phải cố tình ngồi học, mà chỉ cần nghe vài lần thôi là biết nói ngay. Hồi nhỏ ở Hà Nội, cha tôi và các đồng nghiệp Phân xã Tân Hoa xã học nói tiếng Việt, tôi vừa chơi vừa nghe, bất giác đều biết nói; do vậy khi tôi vào học trường mẫu giáo ở phố Hàng Buồm, có thể nói chuyện với các bạn nhỏ trong trường, nghe hiểu cô giáo giảng bài;
Những câu chuyện về Bác
Tôi thích nhất những câu chuyện được cha kể cho nghe về tình yêu thương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các cháu nhi đồng. Những câu chuyện ấy sau này đã giúp tôi hiểu được vì sao Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để nhân dân Việt Nam được hạnh phúc, ấm no. Tấm lòng nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao la rộng lớn đã khiến cho tâm hồn non nớt của một đứa trẻ như tôi vô cùng cảm động, từ đó tôi rất kính trọng và yêu quý Bác. Có lần tôi đòi cha: “Ba nhất định phải cho con đến gặp Bác Hồ để con được nói lời yêu quý tới Bác”.
Cuối cùng cơ hội đã đến với tôi, đó là ngày một vị Nguyên soái của Liên Xô sang thăm Việt Nam. Hôm ấy, tất cả Đại sứ và phóng viên báo chí của các nước ở Hà Nội đều ra sân bay Gia Lâm để dự lễ đón. Cha nói với tôi: “Có lẽ hôm nay Bác Hồ cũng đến sân bay đón khách, con đi cùng với ba nhé.” Tôi vô cùng sung sướng và chạy vội ra vườn hoa trước cửa nhà, ngắt một bông hoa hồng vẫn còn đọng những giọt sương long lanh và tôi là người đầu tiên lên xe ô tô của sứ quán Trung Quốc để ra sân bay. Cùng ra sân bay hôm ấy có bác Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam La Quý Ba và phu nhân - bà Lý Hàm Trân. Vì cha phải bận đi phỏng vấn, làm tin, cho nên tôi được cùng bác phu nhân Đại sứ đứng ở hàng bên cạnh đội danh dự.
Tôi nhớ hôm đó trời mưa, cho nên máy bay đến muộn. Tôi cầm hoa trong tay nhìn phải nhìn trái, bỗng nhiên thấy mọi người vỗ tay hoan hô nói: “Bác Hồ đến rồi, Hồ Chủ Tịch đến rồi!”. Quay mặt nhìn theo hướng chỉ của người lớn, tôi thấy bước đi trên nền sân bay còn đọng nước mưa là một cụ già có mái tóc và bộ râu bạc trắng, vừa đi vừa giơ tay vẫy chào thân thiết mọi người. A! Bác Hồ đến thật rồi! Tôi nhảy cẫng lên. Vừa nhảy vừa reo, vừa vẫy hoa. Tôi nghĩ Bác Hồ nhất định sẽ tranh thủ thời gian ngắn ngủi này để chào hỏi mọi người.
Một lát sau, Bác bước đến trước mặt chúng tôi, trò chuyện thân mật với bác Đại sứ La Quý Ba và cầm tay tôi hỏi bằng tiếng Trung Quốc: “Cháu mấy tuổi rồi? Biết nói tiếng Việt Nam không?”, rồi Người dắt tay tôi bước ra khỏi đám đông. Tôi nhìn Bác và chợt thấy sao Người giống ông nội có gương măt hiền từ của tôi thế. Tôi nói liền ba câu tiếng Việt quen thuộc nhất mà tôi biết cho Bác nghe: “Ăn cơm chưa ?” “Ăn rồi”, “ Xin chào đồng chí”. Bác nghe xong cười rất to rồi cúi đầu hỏi: “Cháu có thích Việt Nam không?” Tôi không nghĩ ngợi liền trả lời ngay: “Cháu thích Việt Nam, cháu cũng yêu Bác Hồ!”. Bác nghe xong liền ôm tôi vào lòng và hôn nhẹ lên má tôi. Lúc đó tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ hạnh phúc nhất trên thế giới này, vì tôi đã được gặp một người mà ngày đêm hằng ao ước. Tôi lại là một cô bé Trung Quốc được Bác Hồ yêu quí nữa chứ!
Tôi nhớ các chú phóng viên bấm máy liên tục và sau đấy những tấm ảnh quý giá đó đã được đăng tải trên các báo của Việt Nam. Chú Tạ Sĩ Phong, phóng viên báo “Tân Việt Hoa báo” đã tặng bố tôi hai bức ảnh mà ông chụp được để làm kỷ niệm. Khi gần 7 tuổi, tôi phải về nước để đi học. Vì chưa bao giờ phải sống xa cha mẹ nên tôi không muốn về nước. Nhưng khi nghe nói Bác Hồ sắp sang thăm Trung Quốc, đi cùng với Bác là Đại sứ La Quý Ba, nếu tôi về nước sẽ được đi cùng chuyến chuyên cơ với Bác và Đại sứ. Nghe thấy thế, tôi vui vẻ đồng ý ngay. Trước khi lên máy bay, bố tôi dặn: “Nhớ học cho giỏi mai sau sẽ quay trở lại Việt Nam gặp Bác Hồ”.
Cha của Vương Phong được cử sang làm phóng viên của Tân Hoa xã tại Hà Nội, năm 1956 và năm 1957 bà theo cha sống 2 năm tuổi thơ trên đất Việt, trong thời gian này, bà có dịp may mắn được gặp Bác Hồ, tấm ảnh quý giá hai bác cháu đang trò chuyện trên sân bay Gia Lâm từng được đăng trên các báo Việt Nam lúc bấy giờ và đã trở thành kỷ niệm suốt đời không bao giờ quên của bà. |
Hơn 40 năm qua tôi vẫn giữ mãi tấm ảnh quý giá mà tôi được chụp với Bác Hồ ngày nào. Chính ký ức tốt đẹp này đã cất giữ mãi trong lòng tôi, khiến tôi tuy sống trong môi trường không nói tiếng Việt, nhưng tôi không bao giờ quên ba câu tiếng Việt mà tôi nói với Bác Hồ tại sân bay Gia Lâm. Hễ gặp người Việt Nam là tôi lại chào hỏi họ bằng 3 câu nói trên, chính ba câu tiếng Việt này luôn luôn khiến tôi nhớ lại những kỷ niện thời thơ ấu sống tại Hà Nội, nhớ những phút giây được ở bên Bác Hồ, những khung cảnh gắn kết tình cảm nồng nàn giữa tôi với Hà Nội.
Tôi luôn ước ao một ngày nào đó được trở lại mảnh đất thân yêu - đất nước Việt Nam tươi đẹp, được tận mắt chứng kiến sự phát triển và những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được. Tôi cũng ước ao có cơ hội được viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi yên nghỉ của người bạn chân thành mà nhân dân Trung Quốc yêu mến và kính trọng”.
Những mong ước của bà Vương Phong cuối cùng đã trở thành hiện thực. Tháng 10 năm 2000, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sang thăm và làm việc tại Trung Quốc. Đoàn đã gặp và mời bà trở lại thăm Việt Nam. Bà nhận lời và tham gia một chuyến du lịch xuyên Việt chào Thiên niên kỷ mới. Lần ấy, bà đã được tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của đất nước và con người Việt Nam, đất nước của Bác Hồ kính yêu.
Vương Phong
Thảo Nguyên (dịch)