Hội thi tạo động lực để các nhà giáo luôn nỗ lực trong công tác giảng dạy, thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tại tiết dạy môn Tiếng Anh, cô Trần Thị Luân - giáo viên Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) thực hiện dạy bài “Unit 4 - lesson 6 - Skills 2” cho học sinh lớp 7. Trong tiết học, cô sử dụng kỹ thuật “Mảnh ghép” và “Phòng tranh” rèn kỹ năng đọc, viết tiếng Anh cho học sinh.
Theo ghi nhận, học sinh hào hứng, tích cực tham gia các hoạt động trong tiết học. Học sinh được làm việc đội, nhóm, di chuyển xung quanh lớp, trao đổi khám phá nội dung của bài học một cách chủ động...
Kết thúc bài học, cô giáo hướng dẫn, tổng hợp và chốt những kiến thức trọng tâm. Do đó, học sinh nắm tốt kiến thức, nhớ rất lâu vì được tự tìm hiểu, tự học qua nhiều nguồn thông tin khác nhau (sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu, mạng xã hội, từ giáo viên, bạn bè, bố mẹ hoặc những người xung quanh). Học sinh cũng được cải thiện rất nhiều về khả năng học tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng đọc và viết.
Áp dụng phương pháp dạy học STEM vào tiết dạy môn Vật lý, cô Phạm Thị Hồng Thủy - giáo viên Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) giúp học sinh được trải nghiệm, học và vận dụng kiến thức mới một cách hiệu quả và thiết thực. Giờ dạy thể hiện rõ sự đổi mới phương pháp dạy học, để lại ấn tượng cho ban giám khảo.
Cũng tại Trường THCS Chu Văn An, giờ dạy môn Sinh học lớp 8 của cô Nguyễn Thanh Huyền là một giờ dạy khó, có nhiều kiến thức mới. Nhưng qua cách dạy sáng tạo của cô, học sinh vừa học được kiến thức, biết vận dụng vào thực tiễn để giải thích một số bệnh lý; vừa biết được cách bảo vệ và phát triển cơ thể khỏe mạnh. Nhưng điều đặc biệt, những nội dung đó đã được học sinh lĩnh hội bằng chính các hoạt động sáng tạo của mình.
Đánh giá về kỳ thi giáo viên dạy giỏi năm nay, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đây là ngày hội chuyên môn của các thầy cô giáo; là dịp để nhà giáo trao đổi kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn qua các bài dạy, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi; nhân rộng điển hình tiên tiến cho các nhà trường nói riêng và toàn ngành GD-ĐT nói chung.
Kết quả của hội thi cũng là căn cứ quan trọng để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.