Hội thảo khoa học “Ứng dụng phương pháp ICG trong phẫu thuật nội soi đại trực tràng” ​

GD&TĐ - Ngày 7/12/2017, bệnh viện K tổ chức Hội thảo“Ứng dụng phương pháp ICG trong phẫu thuật nội soi đại trực tràng”.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện K chia sẻ trước khi phẫu thuật
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện K chia sẻ trước khi phẫu thuật

Tham dự có PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư; chuyên gia đến từ Italia GS.Luigi Boni, Khoa Phẫu thuật tổng quát, Bệnh viện The Circolo Hospital and Macchi Foundation và hơn 100 đại biểu là các bác sĩ ngoại khoa, tiêu hóa, dạ dày đến từ các bệnh viện tại Hà Nội, các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, cán bộ y tế bệnh viện K cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Quốc tế và Việt Nam đã tổ chức Mổ trình diễn Phẫu thuật nội soi đại trực tràng – cho người bệnh đang điều trị tại bệnh viện K, ca mổ được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến Hội trường Hội thảo; cùng trao đổi, bàn luận các chuyên đề: Kỹ thuật cắt toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn (TA TME); Ứng dụng phương pháp ICG trong phẫu thuật nội soi đại trực tràng; Giảng bài trên băng ghi hình một ca mổ cắt toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn…..

GS.Luigi Boni, Bệnh viện The Circolo Hospital and Macchi Foundation, Italia (ngoài cùng bên trái) chia sẻ trước ca mổ
GS.Luigi Boni, Bệnh viện The Circolo Hospital and Macchi Foundation, Italia (ngoài cùng bên trái) chia sẻ trước ca mổ

Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp.Theo GLOBOCAN 2012 (Ghi nhận ung thư thế giới) Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường mắc thứ 3 ở nam giới ( chiếm 10% các loại bệnh ung thư ở nam)  và thứ 2 ở nữ giới ( chiếm 9,2% các loại bệnh ung thư ở nữ ).

 Theo ước tính của WHO, trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 14,1 triệu ca  ung thư mắc mới trong đó là 1,36 triệu ca ung thư đại trực tràng và 8,2 triệu ca triệu ca tử vong do ung thư trong đó gần 700.000 ca ung thư đại trực tràng. Số liệu tại Mỹ ước tính năm 2016 nước Mỹ có trên 134.000 ca ung thư đại trực tràng mới mắc và khoảng 49.000 ca tử vong do bệnh này.

Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới với số mắc mỗi năm khoảng 8.000 ca, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 13.000. Ung thư đại trực tràng cũng đứng thứ 2 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, với khoảng hơn 6.000 ca mắc mỗi năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 11.000.

Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức: Phẫu thuật, hoá chất, tia xạ, trong đó Phẫu thuật đã và đang đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị ung thư đại trực tràng. Phẫu thuật ung thư đại trực tràng cũng có 2 phương pháp chính: mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi.

Phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng với các ưu điểm là mổ sang chấn tối thiểu, phẫu tích tỉ mỉ, giảm đau sau mổ tốt và bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo kết quả về mặt ung thư học.

Hình ảnh ca phẫu thuật
Hình ảnh ca phẫu thuật

Tại Việt Nam những năm gần đây phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng cũng được phát triển tại các bệnh viện lớn. Bệnh viện K đã triển khai một cách thường quy mổ nội soi ung thư đại trực tràng kết hợp với các phương pháp điều trị đa mô thức hoàn chỉnh, đây chính là thế mạnh của Bệnh viện K, bệnh viện ung thư đầu ngành của Việt Nam.

Bệnh viện K đã đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Italia, Hoa Kỳ….. về việc hỗ trợ, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ điều trị ung thư nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng góp phần phát triển y tế Việt Nam trong tương lai.

Có thể nói, ICG mở ra một thời kì mới trong phẫu thuật nội soi điều trị ung thư tiêu hóa nói riêng và ngoại khoa nói chung. Bằng một công tắc điều khiển chân (pedal) phẫu thuật viên sẽ chỉ mất 1/10 giây để chuyển đổi giữa hai chế độ: ánh sáng thông thường và ánh sáng huỳnh quang, do vậy khi tiến hành phẫu thuật, các tổ chức ung thư di căn như hạch bạch huyết có thể được cắt bỏ triệt để mà vẫn bảo tồn những vùng chưa bị xâm nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ