Hội nghị tổng kết Nghị định 05 về công tác dân tộc

GD&TĐ - Chiều 30/11, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.

Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn quan tâm, bố trí 136.000 tỷ đồng cho vùng dân tộc miền núi và chính sách dân tộc. Tổng dư nợ tín dụng chính sách cho khu vực này đến cuối năm 2015 cũng đạt gần 136.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được hoàn thiện, sản xuất phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi rõ nét.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho giai đoạn 2016-2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường nguồn lực nhà nước, đề xuất chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có nguồn lực của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.

Đối với các địa phương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 05 và các chính sách dân tộc hiện hành; chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm để thúc đẩy sự phát triển nhanh, không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương.

“Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, có những ưu đãi chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh, lựa chọn ra mô hình tiên tiến như cánh đồng mẫu lớn, trang trại lớn ở một số địa phương, tạo công ăn việc làm, phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương, xoá bỏ tự ti và cung cách làm ăn nhỏ lẻ, gắn với các chính sách “bà đỡ” của Nhà nước với đầu tư của doanh nghiệp và tín dụng của ngân hàng, lựa chọn ngành nghề có lợi thế để đào tạo nghề cho bà con như phát triển du lịch, chăn nuôi đại gia súc, trồng rau, hoa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi, có chính sách đất đai tốt để bà con góp đất tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá, sản phẩm của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Muốn làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo sát sao của người đứng đầu, các bộ cùng làm, xây dựng các mô hình tiên tiến. Bên cạnh đó, báo chí vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ, nhân rộng các điển hình hay, mô hình tốt cho bà con học tập, làm theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ