Hồi ký – Tự truyện: Chuyện đời, chuyện người và trào lưu xã hội

GD&TĐ - Chiều ngày 9/6/2018 tại Heritage Space (6 Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) diễn ra tọa đàm “Hồi ký – Tự truyện: Chuyện đời, chuyện người và trào lưu xã hội”.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm
Các diễn giả tại buổi tọa đàm

Tham gia tọa đàm là các gương mặt nổi tiếng trong giới phê bình văn học như: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Nhà báo -nghệ sĩ thị giác Lê Anh Hoài, TS Văn học Trần Ngọc Hiếu, Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn.

Hồi ký - tự truyện là thể loại văn học xuất hiện ở châu Âu khá sớm. Nếu như Hồi ký tập trung vào một sự kiện hoặc giai đoạn, hồi ức đặc biệt trong đời nhân vật thì tự truyện thường tập trung vào biên niên ký toàn bộ cuộc đời của nhân vật.

Ở Việt Nam, thể loại hồi ký - tự truyện xuất hiện muộn và chưa có quá nhiều tác phẩm được xuất bản. Nửa đầu thế kỷ XX, hồi ký văn học ra đời và được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Cai (Vũ Bằng) và Cỏ dại (Tô Hoài). Trong giai đoạn 1945 - 1975, hồi ký - tự truyện phát triển lẻ tẻ với các tác phẩm: Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan), Bước đường viết văn, Một tuổi thơ văn (Nguyên Hồng). Ở miền Nam là các hồi ký của Vũ Bằng, Quách Tấn, Nguyên Vỹ.

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm 

Sau năm 1975, hàng chục hồi ký văn học ra đời đến từ các nhà thơ, nhà văn và nhà nghiên cứu phê bình như: Nửa đêm sực tỉnh (Lưu Trọng Lư), Hồi ký song đôi (Huy Cận/Xuân Diệu), Hồi ký Anh Thơ, Bóng ngày qua (Quách Tấn), Chiều chiều, Cát bụi chân ai (Tô Hoài), Một thời để mất (Bùi Ngọc Tấn), Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng), Người đàn bà cầm bút (Lê Minh), Hồi ký Đặng Thai Mai, Những năm tháng ấy (Vũ Ngọc Phan), Hồi ký Nguyễn Hiến Lê…

Những năm trở lại đây, xu hướng người nổi tiếng xuất bản sách hồi ký - tự truyện tạo ra nhiều ý kiến trái chiều bởi tính xác thật của các nhân vật liên quan được nhắc đến. Mở đầu trào lưu là tự truyện Lê Vân - Yêu và Sống, sau đó là hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão, hồi ký Sơn Nam.

Những tác phẩm hồi ký - tự truyện đáng đọc và có chiều sâu như Tâm thành và Lộc đời của NSƯT Thành Lộc, Đằng sau những nụ cười của ca sĩ Khánh Ly, Chuyện tình không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An, Cung đàn số phận của NS Lộc Vàng cùng các hồi ký của GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy. Ngay cả các nghệ sĩ trẻ cũng bắt đầu viết tự truyện - hồi ký như Hương Giang Idol với Tôi vẽ chân dung tôi, Đức Phúc với I believe i can fly, Sơn Tùng MTP với Chạm tới giấc mơ hay Hoàng Thùy Linh với Vàng Anh và Phượng Hoàng...

Sự thật là đặc tính quan trọng nhất của hồi ký. Tuy nhiên, chọn sự thật nào để kể là do nhận thức và mục đích của người viết. Vì thế khi bàn về dòng sách này, công chúng thường tự hỏi: liệu có một giới hạn nào đó cho chuyện tiết lộ sự thật đời tư, nhất là khi sự thật ấy rất dễ gây tổn thương cho cuộc sống hiện tại của những người có liên quan.

Đơn cử như Thương Tín bị chỉ trích dữ dội vì kể chuyện phá thai của người tình cũ trong hồi ký Một đời giông bão. Hay mới nhất là cuốn Tự truyện Lê Công Vinh - Phút 89 khiến cựu danh thủ bị chính các đồng nghiệp trong giới lên báo mắng gây gắt khi lôi ra hàng loạt chuyện hậu trường trong quãng đời "quần đùi, áo số".

Để có cái nhìn khái quát về chặng đường phát triển của thể loại thể loại Hồi ký – tự truyện ở Việt Nam, tọa đàm  Hồi ký - tự truyện: Chuyện đời, chuyện người và trào lưu xã hội là không gian mở để các diễn giả, khách mời trao đổi về quá trình hình thành và nở rộ của thể văn học hồi ký - tự truyện, những góc nhìn khác nhau về câu chuyện phía sau trang hồi ký và ảnh hưởng của truyền thông xã hội tới thể văn học này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.