Hối hả chuẩn bị đón trò trở lại lớp

GD&TĐ - Thời điểm này, các nhà trường, địa phương đang tập trung cao độ để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024.

Giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) đến trường chỉnh trang khuôn viên, trường lớp, chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) đến trường chỉnh trang khuôn viên, trường lớp, chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NTCC

Không chỉ chuẩn bị cơ sở vật chất, chỉnh trang trường lớp, đội ngũ, nhiều trường vùng khó còn lo vận động học sinh trở lại trường đầy đủ sau thời gian dài nghỉ hè.

Vận động trò đến lớp

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đa số là người dân tộc Thái, điều kiện kinh tế khó khăn. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Bá Nhoan, thời gian nghỉ hè, trên 50% học sinh của trường tranh thủ đi làm xa. Các em ở nhà cũng vào rừng phụ giúp gia đình để kiếm thêm thu nhập, có tiền mua sách vở, quần áo đi học.

Những năm trước, một số em sau khi đi làm kiếm được tiền, lại được lo ăn ở nên bỏ học để tiếp tục làm việc. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm rất khó khăn trong phối hợp với gia đình tuyên truyền, vận động các em đi học trở lại.

Chính vì vậy, thời điểm này, Trường THPT Quan Sơn đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên cập nhật tình hình học sinh của lớp: Số học sinh ở nhà, đi làm, học sinh có vi phạm pháp luật trong thời gian nghỉ hè…

Thầy cô cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh qua nhóm Zalo của lớp, thông tin về lịch học, sơ đồ phòng học để phụ huynh nắm, yêu cầu học sinh trở về nhập học đúng lịch (nếu đi làm); nhắc nhở học trò ôn luyện và tự học trong thời gian nghỉ hè. Nhóm Zalo của lớp có đầy đủ giáo viên bộ môn, nên học sinh có vướng mắc, hay cần hỗ trợ kiến thức, thầy cô luôn nhiệt tình giúp đỡ.

“Từ 1/8, nhà trường đã tập trung học sinh lên lớp 11, 12 nhưng phải thi lại, rèn luyện trong hè về trường để quán triệt, phổ biến kế hoạch ôn luyện. Đối với lớp 10, trường gửi thông báo nhập học đến từng em và đăng thông tin lên Facebook của trường.

Vào đầu năm học, ngoài đội xung kích, các thầy cô cũng tham gia trực cổng trường, vừa đón sự trở lại của học sinh cũ, chào mừng lớp 10, vừa đảm bảo an ninh, an toàn trường học, giúp các em ổn định nền nếp ngay từ ngày đầu nhập học”, thầy Phạm Bá Nhoan chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với vùng khó, cô Vi Thị Ỏn, Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) quen thuộc với công việc vận động học sinh đến trường mỗi đầu năm học. Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm đã thành lập đội giáo viên vận động học sinh đến trường theo từng bản; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác (công an, biên phòng) để vận động học sinh.

Thầy cô cũng lên kế hoạch cho các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi…, tạo hứng thú, tâm thế hứng khởi cho các em. “Dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, tôi cùng đồng nghiệp đã liên lạc với gia đình học sinh để thông báo lịch tập trung. Việc trèo đèo, lội suối đến từng bản, vận động các em tới lớp của giáo viên là “chuyện thường ngày ở trường””, cô Vi Thị Ỏn cho hay.

Tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng trao đổi: Từ 1/8, nhà trường đã họp để phân công nhiệm vụ năm học, học chính trị hè, lao động vệ sinh, trang trí lớp học; ôn tập cho học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học; tập huấn công tác chuyên môn...

Lớp học được giáo viên trang trí với sự sáng tạo riêng, phù hợp với đặc trưng từng lớp, độ tuổi. Khi được phân công biên chế lớp, giáo viên chủ động lập nhóm Zalo, cùng với cha mẹ tuyên truyền, động viên, giúp đỡ học sinh chuẩn bị chu đáo cho năm học mới. Học sinh sẽ tựu trường trước ngày khai giảng 1 tuần. Ngày đầu tiên, ngoài làm quen với giáo viên, nhà trường, các em được tham gia một số hoạt động tập thể, tạo tâm thế thoải mái nhất khi bắt đầu năm học mới.

Chuẩn bị tốt nhất điều kiện tổ chức dạy học

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho năm học mới tại huyện Việt Yên, Bắc Giang, ông Trần Văn Huân, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng GD&ĐT, thông tin: Thời điểm này, các trường học trên địa bàn đang rà soát, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đồng thời rà soát đội ngũ, tham mưu bổ sung giáo viên còn thiếu.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 4, lớp 8 năm học 2023 - 2024 cũng được thực hiện. Ngoài ra, các trường đã phối hợp với phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT tổ chức tập huấn SGK lớp 4, lớp 8 cho cán bộ quản lý, giáo viên; tuyên truyền hướng dẫn phụ huynh học sinh mua SGK; tổ chức quyên góp SGK để tặng những em có hoàn cảnh khó khăn...

Lưu ý trong công tác chuẩn bị năm học mới, ông Trần Văn Huân yêu cầu các trường không để học sinh nào thiếu quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Đồng thời không nên chủ quan, lơ là trong việc bảo đảm an toàn cho người học; phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng kiểm tra xe đưa đón học sinh; chú ý công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là coi trọng bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, chính trị tư tưởng cho đội ngũ.

Chuẩn bị cho năm học mới, tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT, đã chỉ đạo các trường chủ động hoàn thành kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất trong hè; bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ cho năm học mới.

Đồng thời chuẩn bị công tác nhân sự, dự kiến phân công chuyên môn; rà duyệt lại đội ngũ giảng dạy các khối lớp đặc biệt chú ý đến khối lớp 4, 8 nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy đối với đội ngũ giáo viên.

Phòng GD&ĐT cũng lưu ý các trường thực hiện công tác phát hành SGK đảm bảo đúng kế hoạch; tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc mua, sử dụng SGK đúng nguồn, tránh mua phải sách lậu, không rõ nguồn gốc.

Tại Thừa Thiên - Huế, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, khối lớp 1, lớp 6 và lớp 10 sẽ tập trung vào ngày 22/8 để tổ chức biên chế lớp học, làm quen với giáo viên và môi trường học tập mới, dặn dò, phổ biến quy chế nhà trường. Khối lớp thuộc các cấp học còn lại tập trung vào ngày 28/8. Cùng với cả nước, toàn tỉnh sẽ tổ chức khai giảng năm học mới từ 7 giờ ngày 5/9.

“Trước ngày tựu trường, sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị trực thuộc, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ; công tác chuẩn bị SGK, điều kiện học tập; tổng vệ sinh khuôn viên trường, lớp học, sẵn sàng đón học sinh trở lại sau hè. Các trường cũng cần hoàn thành biên chế lớp học các lớp đầu cấp; thực hiện tốt vận động học sinh ra lớp; nắm rõ và có kế hoạch hỗ trợ gia đình chính sách, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh mồ côi, khuyết tật…”, ông Nguyễn Tân cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.