(GD&TĐ) - Hỏi: Tôi là một GV dạy môn Mỹ thuật tại một trường tiểu học. Theo qui định, mỗi tuần GV Mỹ thuật phải dạy bao nhiêu tiết? Từ năm 2004 đến nay, tôi đều dạy 23 hoặc 24 tiết/tuần. Vậy nếu có dư số tiết dạy tôi có được hưởng gì không? Nếu có thì dựa trên căn cứ nào và cách tính tiền dạy thêm ra sao?
(Thân Thị Ngọc Sương, GV Trường Trần Quốc Toản, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk)
Trả lời: Theo qui định tại Thông tư 35 hướng dẫn thực hiện chế độ công tác của GV phổ thông, đối với GV tiểu học dạy 23 tiết/tuần. Như vậy, nếu 1 tuần bạn dạy 24 tiết thì vượt so với định mức 1 tiết/tuần.
Ngày 9/9/2008, liên bộ đã có Thông tư số 50 hướng dẫn chi trả chế độ dạy thêm giờ đối với GV giảng dạy trong các trường công lập. Theo thông tư này, GV được hưởng tiền lương dạy thêm giờ phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: a) Đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vào các ngạch viên chức ngành GD-ĐT (các ngạch có hai chữ số đầu của mã số ngạch là 15). Riêng đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 mục này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành GD-ĐT;
b) Phải hoàn thành đủ số giờ tiêu chuẩn và các nhiệm vụ công tác khác theo chế độ làm việc của nhà giáo quy định.
Căn cứ để tính tiền lương dạy thêm giờ gồm: + Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo bao gồm mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có);
+ Số giờ tiêu chuẩn làm cơ sở tính trả tiền lương dạy thêm giờ được căn cứ vào chế độ làm việc của nhà giáo theo các văn bản qui định.
Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy gồm: thời gian nghỉ ốm, thai sản theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với nhà giáo công tác ở các cơ sở GD có nhiều cấp học, thì số giờ tiêu chuẩn được tính theo số giờ tiêu chuẩn quy định cho cấp học cao nhất mà nhà giáo đó trực tiếp tham gia giảng dạy theo sự phân công của thủ trưởng cơ sở GD. Đối với cơ sở GD phổ thông, cơ sở GD thường xuyên, cơ sở GD đại học, cơ sở GD nghề nghiệp thì tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp và quyết toán vào cuối năm tài chính;
Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị, bộ môn thiếu nhà giáo theo định mức biên chế. Đơn vị, bộ môn không thiếu nhà giáo theo định mức biên chế thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, thai sản theo quy định phải bố trí nhà giáo khác dạy thay;
Số giờ dạy được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định, không quá 200 giờ tiêu chuẩn/năm.
![]() |
Mỹ thuật là môn học cần thiết ở cấp Tiểu học |
Hỏi: Do thực trạng GV dôi dư của huyện, theo sự phân công của phòng GD, tôi đi học tại chức lớp thông tin thư viện. Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ được bố trí kiêm nhiệm công tác thư viện. Trong những năm qua, tôi vẫn hưởng lương theo mã ngạch 15114 và hưởng chế độ như GV. Tháng 4/2009, phòng GD yêu cầu tôi phải làm hồ sơ chuyển sang mã ngạch văn hóa thông tin và mọi chế độ ưu đãi, thu hút tôi đang được hưởng đều bị cắt hết. Trong khi đó, những GV có bằng thư viện và cùng làm công tác thư viện như tôi họ lại không phải chuyển mã ngạch. Tôi hỏi thì được trả lời là trường hợp của tôi chưa đạt chuẩn. Nếu không đồng ý thì tôi phải về một lần. Tuy nhiên, tôi thấy trong huyện cũng có những người chưa đạt chuẩn mà vẫn được tham gia đứng lớp. Vậy, việc tôi phải chuyển sang ngạch thư viện viên như phòng GD yêu cầu có đúng không?
(Một bạn đọc xin giấu tên)
Trả lời: Đối với GV không đạt chuẩn, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn việc sử dụng. Theo hướng dẫn này, có nhiều cách để bố trí sử dụng GV chưa đạt chuẩn như chuyển làm công việc khác, đưa đi học chuẩn hóa hoặc có thể cho nghỉ hưu trước tuổi nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, vấn đề này không phải là yếu tố để chuyển ngạch đối với GV.
Theo qui định tại Nghị định 116 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, điều 26 Nghị định này qui định về chuyển ngạch như sau: Viên chức được giao nhiệm vụ mới mà nhiệm vụ đó không phù hợp với ngạch viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch viên chức sang ngạch tương đương phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ được giao.
Viên chức được chuyển ngạch phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển.
Đơn vị sử dụng viên chức khi chuyển ngạch cho viên chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra để sát hạch về trình độ, năng lực của viên chức. Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch mới, thì đơn vị sử dụng viên chức ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm.
Hội đồng kiểm tra có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm: a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của đơn vị;
c) Các ủy viên Hội đồng là viên chức lãnh đạo bộ phận chuyên môn và một số viên chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ công tác ở cùng ngạch hoặc ngạch cao hơn (Chủ tịch Hội đồng phân công một trong số các Uỷ viên kiêm Thư ký Hội đồng).
Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ sau đây:
a) Xem xét các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của ngạch mới, văn bản đánh giá nhận xét quá trình công tác;
b) Phỏng vấn viên chức chuyển ngạch về hiểu biết, nhận thức về chính trị, xã hội;
c) Kiểm tra người chuyển ngạch về chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu nhiệm vụ của ngạch;
d) Hội đồng kiểm tra họp đánh giá kết quả, nếu xét thấy viên chức đạt yêu cầu thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm vào ngạch.
Như vậy, nếu bạn được chuyển sang làm công tác thư viện thì cơ quan quản lý chuyển ngạch cho bạn là đúng qui định.
Về vấn đề phụ cấp ưu đãi của ngành GD, theo qui định tại Quyết định 244 của Thủ tướng chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định này thì chỉ những người tham gia giảng dạy mới được hưởng phụ cấp ưu đãi. Do đó, nếu người nào vẫn giữ ngạch GV nhưng không tham gia giảng dạy thì cũng không được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Hỏi: Cách xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức được thực hiện như thế nào? Khi tôi có quyết định nâng ngạch thì thời gian tôi hưởng bậc lương của ngạch cũ đã được hơn 2 năm (ngạch cũ của tôi 3 năm nâng 1 bậc). Vậy, khi tôi nâng ngạch thì có được xem xét nâng lương theo thời gian đã ở ngạch cũ không hay phải tính lại từ đầu?
(huynhngocchenh167@gmail.com)
Trả lời: Thông tư số 02 ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về việc xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức như sau: Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Ví dụ: Bà Trần Thị A đang hưởng 6% phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch chuyên viên (mã số 01.003) kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2007 (tổng hệ số lương 4,98 cộng 6%VK đang hưởng ở ngạch chuyên viên là 5,28). Bà A đạt kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính và đến ngày 01 tháng 02 năm 2008 được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002), thì bà A được căn cứ vào tổng hệ số lương đang hưởng ở ngạch chuyên viên là 5,28 này để xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất là 5,42 bậc 4 ngạch chuyên viên chính. Thời gian hưởng lương ở ngạch chuyên viên chính và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch chuyên viên chính của bà A được tính kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2008 (ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính).
Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Hệ số chênh lệch bảo lưu tại này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới. Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.