Hỏi - đáp

Hỏi - đáp

Hỏi: Vừa qua, do có việc đột xuất nên tôi đã gọi điện đến trường thông báo với hiệu trưởng nhà trường là xin nghỉ phép 2 ngày. Khi tôi gọi điện, hiệu trưởng không có mặt mà chỉ có nhân viên văn phòng nghe điện. Tuy nhiên, sau đó cô nhân viên này đã không thông báo lại cho hiệu trưởng. Khi tôi đi làm thì hiệu trưởng nói rằng tôi đã vi phạm kỉ luật, tự ý nghỉ mà không xin phép. Hiện tôi sắp bị đưa ra hội đồng kỉ luật để xem xét mức độ vi phạm. Vậy tôi xin hỏi: Trường hợp tôi nêu trên là có xin phép thì có bị coi là vi phạm kỉ luật không? Nếu có thì bị xem xét ở mức độ nào? Hội đồng kỉ luật sẽ bao gồm những ai? Trình tự ra sao?

(tranthithuquyen@gmail.com)

Trả lời: Theo hướng dẫn tại Thông tư số 03 ngày 8/2/2006 của Bộ Nội vụ về việc thi hành kỉ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, qui định: Cán bộ, công chức tự ý bỏ việc được hiểu là cán bộ, công chức nghỉ việc mà không xin phép cơ quan, tổ chức, đơn vị từ 1 ngày làm việc trở lên hoặc đã làm đơn xin phép nhưng chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng ý.

Như vậy, trường hợp của bạn dù đã gọi điện xin phép mà chưa được sự đồng ý của hiệu trưởng mà nghỉ việc thì vẫn bị coi là tự ý bỏ việc. Và trường hợp này có thể bị xem xét kỉ luật.

Về mức độ kỉ luật, theo hướng dẫn tại Thông tư 03, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng trong các trường hợp sau: ... “cán bộ, công chức tự ý bỏ việc lần đầu nhưng chưa quá 3 ngày làm việc”. Như vậy, với việc tự ý nghỉ việc 2 ngày, bạn sẽ bị xem xét ở hình thức kỉ luật khiển trách.

Về thành phần hội đồng kỉ luật, điều 11, Nghị định số 35 ngày 17/3/2005 của Chính phủ qui định: Số lượng thành viên tham gia Hội đồng kỷ luật là 5 người, bao gồm các thành phần cụ thể như sau: a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Một ủy viên Hội đồng là đại diện Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Một ủy viên Hội đồng là đại diện cán bộ, công chức của bộ phận công tác có người vi phạm kỷ luật (do tập thể cán bộ, công chức ở bộ phận đó cử ra);

d) Một ủy viên Hội đồng là người trực tiếp quản lý hành chính và chuyên môn nghiệp vụ của người vi phạm kỷ luật;

đ) Một ủy viên Hội đồng là người phụ trách tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có người vi phạm”.

Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật: 1. Khách quan, công khai, dân chủ và theo các quy định hiện hành.

2. Hội đồng kỷ luật chỉ họp khi có đầy đủ các thành viên Hội đồng.

3. Kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật được thực hiện thông qua biểu quyết bằng phiếu kín và theo nguyên tắc đa số.

4. Hội đồng kỷ luật họp phải có biên bản và được Hội đồng thông qua trước khi Chủ tịch Hội đồng ký.

Trong phiên họp của Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện của tổ chức chính trị, chính trị xã hội có cán bộ, công chức vi phạm đang sinh hoạt đến dự họp. Những người này có thể phát biểu ý kiến và đề xuất mức thi hành kỉ luật nhưng không có quyền biểu quyết hình thức kỉ luật.

Điều 15 của Nghị định qui định: Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật phải làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức có trách nhiệm tổ chức cuộc họp để người vi phạm kỷ luật kiểm điểm trước tập thể cơ quan, tổ chức, đơn vị. Biên bản cuộc họp kiểm điểm có kiến nghị hình thức kỷ luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Hồ sơ trình Hội đồng kỷ luật gồm: Bản kiểm điểm của người vi phạm kỷ luật; biên bản họp kiểm điểm người vi phạm kỷ luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trích ngang sơ yếu lý lịch của người vi phạm kỷ luật, các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc xử lý kỷ luật.

Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng kỷ luật họp 07 ngày.

Trường hợp nếu cán bộ, công chức vi phạm vắng mặt thì phải có lý do chính đáng. Nếu đã gửi giấy triệu tập 02 lần mà đương sự vẫn vắng mặt hoặc trường hợp người vi phạm kỷ luật không chịu viết bản kiểm điểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý cán bộ, công chức thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật. 

Một lớp học ở Xín Mần (Hà Giang)
Một lớp học ở Xín Mần (Hà Giang)

Hỏi: Trường hợp một người sử dụng chứng chỉ bất hợp pháp để đủ điều kiện dự thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính nhưng sau đó bị phát hiện kịp thời nên bị xóa tên trong danh sách thí sinh dự thi. Trong một buổi họp hội đồng, có người thắc mắc và đề nghị xem xét hình thức kỉ luật thì lại được lãnh đạo giải thích rằng trường hợp của người này đã phát hiện kịp thời và không gây hậu quả nên có thể nhắc nhở là đủ. Chúng tôi cho rằng giải thích trên của lãnh đạo là không thỏa đáng vì nếu không phát hiện được, chắc chắn người cán bộ kia đã dự thi và có thể đã được nâng ngạch rồi. Điều quan trọng hơn là tư cách đạo đức của một cán bộ như vậy liệu có chấp nhận được không? Qui định của pháp luật về vấn đề này thế nào?

(nguyenquanghuy1718@yahoo.com)

Trả lời: Điều 21, Nghị định 35 của Chính phủ qui định: Áp dụng hình thức cảnh cáo đối với những trường hợp sau: ... “làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhưng chưa gây hậu quả”.

Thông tư số 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 35 qui định: “Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp bao gồm các loại sau: + Văn bằng, chứng chỉ do làm giả;

+ Văn bằng, chứng chỉ đã bị sửa đổi nội dung mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

+ Văn bằng, chứng chỉ cấp phát, sửa đổi cho những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hoặc cấp phát, sửa đổi không đúng quy định về thủ tục hoặc thẩm quyền.

Cán bộ, công chức làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhưng chưa gây hậu quả nói tại Điều 21 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP được hiểu là cán bộ, công chức có hành vi làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để đủ điều kiện và tiêu chuẩn được nâng bậc lương, chuyển ngạch, nâng ngạch (qua thi hoặc xét); để được cử đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc để xem xét bổ nhiệm nhưng đã bị phát hiện trước khi cấp có thẩm quyền ra quyết định.

Đối chiếu với trường hợp nêu trên cho thấy: Trường hợp công chức sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng bất hợp pháp nhằm đủ điều kiện để dự thi nâng ngạch công chức sẽ bị xem xét hình thức kỉ luật cảnh cáo.

Hỏi: Tôi hiện là GV giảng dạy tại một trường tiểu học thuộc vùng khó. Năm học vừa qua, tôi được triệu tập đi học lớp bồi dưỡng trong thời gian 3 tháng. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi trở lại trường công tác nhưng ngay khi trở lại trường thì tôi bị ốm và phải nằm điều trị mất hơn 1tháng. Sau khi ổn định sức khỏe, tôi trở lại giảng dạy bình thường. Tuy nhiên, bộ phận tài vụ đã không chi trả khoản tiền phụ cấp ưu đãi với lí do tôi nghỉ dạy hơn 4 tháng, như vậy là quá thời hạn (qui định chỉ được nghỉ 3 tháng). Tôi nhận thấy, việc tôi đi học là do cơ quan cử đi, còn chuyện ốm đau thì là bất khả kháng. Nếu chỉ vì thế mà cắt phụ cấp của GV thì thiệt thòi cho nhà giáo quá.

(hoanganhmy@yahoo.com.vn)

Trả lời: Thông tư liên tịch số 06 năm 2007 của liên bộ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61 về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội có điều kiện đặc biệt khó khăn qui định: Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng khó, không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau: ... “Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;

+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành”.

Như vậy, trường hợp của bạn thời gian đi học chỉ có 3 tháng nên vẫn được tính hưởng phụ cấp ưu đãi như những GV đứng lớp. Sau đó bạn trở lại trường nhưng lại nghỉ ốm và thời gian nghỉ ốm của bạn là hơn 1tháng.

Theo qui định của Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm; bốn mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; sáu mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên; 

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng bốn mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm; năm mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; bảy mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên. 

Trường hợp người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa không quá một trăm tám mươi ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn một trăm tám mươi ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.

Trong thư bạn không nói rõ thời gian công tác có đóng BHXH của mình và không nói bệnh của bạn có thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hay không nên chúng tôi không thể đưa ra câu trả lời cụ thể. Căn cứ vào qui định trên, bạn có thể đối chiếu để có câu trả lời. Tuy nhiên, dù thế nào thì bạn cũng chỉ có thể bị cắt phụ cấp ưu đãi trong thời gian nghỉ quá 1 tháng chứ không thể bị cắt toàn bộ phụ cấp ưu đãi trong quá trình đi học và nghỉ ốm được.

Ảnh minh họa ITN.

Dấu mốc quan trọng

GD&TĐ - Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2024 sẽ là dấu mốc quan trọng - Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006.