Hội chứng hiếm gặp Stevens-Johnson

GD&TĐ - Tỷ lệ mắc hội chứng Stevens-Johnson tại Mỹ là khoảng 2/1.000.000 người, biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 15%.

Hội chứng Stevens-Johnson không thể phòng ngừa bởi nguyên nhân chủ yếu đến từ thuốc uống. Ảnh minh họa: ITN
Hội chứng Stevens-Johnson không thể phòng ngừa bởi nguyên nhân chủ yếu đến từ thuốc uống. Ảnh minh họa: ITN

Tỷ lệ mắc hội chứng Stevens-Johnson tại Mỹ là khoảng 2/1.000.000 người, biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 15%. Theo y văn, nguyên nhân thường gặp nhất là do dị ứng thuốc, bao gồm kháng sinh, thuốc động kinh hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (Mycoplasma hay herpes simplex virus).

Nguy cơ tử vong cao

Chiều 21/12/2023, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hiền - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, đơn vị đã tiếp nhận bệnh nhi N trong tình trạng sốt, ho, viêm kết mạc mắt, da toàn thân nổi hồng ban đa dạng xen lẫn các bóng nước với nhiều kích thước kết hợp tổn thương niêm mạc mũi, miệng, hậu môn…

Dựa trên biểu hiện lâm sàng, X-quang phổi, xét nghiệm máu kết hợp điều tra bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi N mắc hội chứng Stevens-Johnson. Đây là một hội chứng hiếm gặp, có nguy cơ tử vong cao với đặc trưng bởi các tổn thương ở da và niêm mạc.

Bệnh nhi N được sử dụng kháng sinh toàn thân vừa điều trị viêm da kết hợp viêm phổi kéo dài, dùng thuốc nhỏ mắt ngăn chặn nguy cơ tổn thương giác mạc. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhi N. hết sốt, các tổn thương da ngưng tiến triển. Sau một tuần điều trị, vết thương trên toàn bề mặt da đã khô, lên da non, không để lại biến chứng và được cho xuất viện.

Theo bác sĩ Hiền, hội chứng Stevens-Johnson được mô tả lần đầu tiên vào năm 1922 bởi các bác sĩ nhi khoa A. M. Stevens và F. C. Johnson với báo cáo 2 trường hợp trẻ em ở thành phố New York bị sốt, phát ban da niêm mạc bất thường. Bệnh nhi được chẩn đoán nhầm là sởi và sốt xuất huyết. Có tới khoảng 40% các trường hợp là không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ Hiền khuyến cáo, phụ huynh hết sức cẩn trọng khi phát hiện trẻ nổi ban toàn thân, xuất hiện các bóng nước cần đưa trẻ đi khám ngay. Đối với trẻ đã ghi nhận tiền sử dị ứng thuốc, thực phẩm, cần lưu ý kỹ các thành phần có trong thuốc, thực phẩm. Tránh cho trẻ sử dụng nhầm. Đồng thời, cần báo cho bác sĩ trong các lần thăm khám tiếp theo.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân V.V.T, 6 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) bị sốt và biểu hiện tổn thương da khắp người, viêm kết mạc mắt 2 bên, miệng lợi viêm chảy máu. Sau khi thăm khám biểu hiện lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc Hội chứng Steven Johnson.

Trước đó bé V.V.T cùng gia đình về quê thăm họ hàng tại Phú Thọ. Ban đầu, bé thấy ngứa nhẹ và nổi các nốt nhỏ, kèm sốt. Trẻ được đưa tới bệnh viện ở địa phương với chẩn đoán ban đầu bị chân tay miệng. Tuy nhiên, gia đình đã đưa bé quay trở lại Hà Nội và tái khám lại ngay trong ngày.

Trẻ mắc hội chứng Steven-Johnson được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM. Ảnh: BVCC

Trẻ mắc hội chứng Steven-Johnson được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM. Ảnh: BVCC

Nguyên nhân bất ngờ

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, nam giới thường có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn phụ nữ. Đa số các trường hợp mắc hội chứng có liên quan nhiều đến việc sử dụng một vài loại thuốc đặc trị. Bệnh thường bắt đầu từ 1 đến 3 tuần sau khi sử dụng thuốc lần đầu tiên. Hội chứng không lây nhiễm, nhưng có yếu tố di truyền.

Một trường hợp khác mắc hội chứng này là bé gái 3 tuổi ở Hậu Giang nhập viện vì sốt, lở toàn bộ 2 môi, xoang miệng, mắt và bộ phận sinh dục. Trẻ được đưa tới Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) thăm khám.

Theo thông tin từ gia đình, 4 ngày đầu, bé sốt, ho khan, chảy mũi, được điều trị liên tục 3 ngày với chẩn đoán viêm hô hấp và uống thuốc ngoại trú (không rõ loại). Bé giảm ho và giảm chảy mũi nên được ngưng uống thuốc 1 ngày. Sau đó, mẹ thấy bé còn ho ít nên có mua thêm thuốc siro ho thảo dược cho bé uống.

Sau uống được 2 liều siro ho, bé có vài vết phồng nước ở môi và dần có nhiều phồng nước rải rác toàn thân, kèm lở loét thêm trong miệng, bộ phận sinh dục, đỏ mắt, lở ở mắt, rịn ít dịch vàng lẫn máu. Bé được khám và điều trị nội trú tại địa phương. Do tình trạng bệnh không giảm, các vết loét ngày càng nhiều nên gia đình cho bé nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Tại Khoa Nhi, các bác sĩ ghi nhận bé sốt, ăn uống kém, môi đỏ, lở loét toàn bộ 2 môi, rịn nước vàng và máu ít, da có nhiều bóng nước đã vỡ toàn thân, nhiều vết loét trong miệng, kết mạc mắt 2 bên viêm có loét, rịn máu khi bé khóc... Ê-kíp của Khoa Nhi đã hội chẩn với các chuyên khoa: Mắt, da liễu, răng hàm mặt, tai mũi họng và chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Steven-Jonhson/viêm phổi (nghĩ do thuốc).

Bé được điều trị dùng kháng sinh, kháng viêm, điều trị triệu chứng, nâng đỡ tổng trạng và chăm sóc chuyên biệt theo phác đồ. Sau 9 ngày điều trị, bé ăn uống khá hơn, các mụn ngoài da khô mặt, các vết loét đã giảm nhiều. Vết lở loét ở môi khô và bong tróc dần, không đau miệng khi ăn, ăn uống khá hơn và được xuất viện.

Theo bác sĩ Phạm Nguyễn Yến Trang - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, hội chứng Stevens-Johnson là tình trạng dị ứng nặng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thuốc, nhiễm siêu vi, vi trùng. Biểu hiện đặc trưng bởi những nốt phồng nước ngoài da, kèm lở loét các lỗ tự nhiên trên cơ thể như: Mắt, miệng, bộ phận sinh dục.

Biến chứng sẽ rất nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể gặp như: Nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải, biến chứng tại mắt: Khô mắt, loét giác mạc, nặng hơn có thể gây mù và biến chứng nặng nhất là có thể gây tử vong.

Bác sĩ Trang khuyến cáo, phụ huynh khi đang cho các bé dùng bất kỳ thuốc gì nếu thấy những biểu hiện bất thường như: Bé mệt, da tái xanh, ngứa da, phù mắt, đỏ vành tai, nổi mẩn đỏ ngoài da, nổi mề đay, nổi mụn phồng nước ngoài da, miệng, mệt, khò khè, khó thở..., việc đầu tiên cần làm là phải ngưng ngay thuốc đang dùng.

Sau đó, nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất khám. Phụ huynh cần mang theo đầy đủ toa thuốc cũng như thuốc đang dùng. Điều này sẽ giúp nhân viên y tế nhanh chóng phát hiện ra những nguyên nhân có thể gặp. Việc chẩn đoán nhanh, điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách sẽ giúp bé tránh được các biến chứng và mau chóng hồi phục sức khỏe.

Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hội chứng Stevens-Johnson không thể phòng ngừa bởi nguyên nhân chủ yếu đến từ thuốc uống. Cách phòng ngừa tốt nhất là không nên sử dụng loại thuốc từng gây ra tình trạng dị ứng. Bởi, nếu uống lại thuốc đó lần 2 thì nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng lột da, diễn tiến sẽ nặng nề hơn so với lần dị ứng đầu, thậm chí đối diện nguy cơ tử vong. Mỗi người bệnh mắc hội chứng Stevens-Johnson có thể có các biểu hiện khác nhau. Phần da tổn thương có thể liền lại sau vài tuần, nhưng quá trình hồi phục có thể mất vài tháng nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ