Học trực tuyến tại Mỹ Latinh: Nguy cơ bất bình đẳng gia tăng

Học trực tuyến tại Mỹ Latinh: Nguy cơ bất bình đẳng gia tăng

Vanesa Jaimes - một phụ huynh tại Venezuela chia sẻ, cô được đào tạo để trở thành nhân viên hành chính trong hệ thống y tế của đất nước. Tuy nhiên, người phụ nữ 33 tuổi cho biết, những ngày này, cô phải hoạt động với tư cách là giáo viên cho 4 đứa con của mình.

Kể từ khi đất nước áp đặt các biện pháp kiểm dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Jaimes dành phần lớn thời gian truy cập Internet và theo dõi bài tập về nhà của các con. Để giúp cậu con trai 8 tuổi Gabriel học Toán, Jaimes phải ôn lại không ít công thức, bởi giống nhiều phụ huynh khác, cô không sử dụng đến những kiến thức này đã nhiều năm.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 95% trẻ em Mỹ Latinh hiện học tập tại nhà do trường học tạm dừng hoạt động bởi dịch bệnh. Trong số những người học này có cả Gabriel và anh chị mình.

UNICEF cho biết, việc yêu cầu các trường học tạm đóng cửa là sự gián đoạn chưa từng có trong nền GD của các quốc gia Mỹ Latinh. Tổ chức này đồng thời cũng cảnh báo, quyết định trên sẽ khiến tỷ lệ bỏ học cao và làm sự bất bình đẳng giữa những đứa trẻ nghèo và giàu trở nên nghiêm trọng hơn.

“Kết nối Internet của gia đình tôi không được ổn định. Khi không thể truy cập mạng, tôi sẽ sử dụng dữ liệu trên điện thoại của mình”, cô Jaimes chia sẻ. Gia đình Jaimes phải đặt máy tính vào căn phòng khách chật chội - nơi Gabriel và anh trai Mateo thường xuyên luyện tập bóng đá vào buổi chiều.

Bà Denisse Gelber - nhà nghiên cứu của Trung tâm Tư pháp GD Chile, cho biết, những phụ huynh vẫn làm việc trong thời gian này sẽ khó có thể hỗ trợ con họ trong việc học. “Các trường học là trung tâm của hầu hết tầng lớp trong xã hội, vì những tổ chức này luôn nỗ lực cân bằng lại sự bất bình đẳng với điểm xuất phát của mọi người. Thật không may, có một số gia đình đang gặp thế bất lợi”, bà Gelber nhận định.

Mới đây, tại Chile - nơi các cuộc biểu tình nổ ra vào năm ngoái, các giáo viên, học giả và diễn viên đã kêu gọi đài truyền hình nước này phát sóng chương trình GD, nhằm tránh để sự bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn.

Trong khi đó, Cộng hòa Cuba đã thực hiện biện pháp này. Tuần trước, Cuba đã dành 2 trong số 8 kênh truyền hình để phát sóng các bài giảng dạy cho HS từ 5 - 18 tuổi. Zebrezeit Barrera (37 tuổi) - một kỹ sư ở thủ đô Cuba - Havana, cho biết những chiếc điện thoại giúp con gái 6 tuổi của cô học Toán, tiếng Tây Ban Nha và nghệ thuật 3 lần/tuần.

Sự phụ thuộc vào Internet để duy trì nền GD cũng đang thúc đẩy sự bất bình đẳng giữa các trường ở thành thị và khu vực nông thôn - tổ chức GD không có cơ sở hạ tầng chất lượng.

Martha Gracia - giáo viên dạy công nghệ thông tin tại một trường học ở thị trấn nhỏ Arbelaez của Colombia, cho biết, các giáo viên đang gửi bài tập về nhà cho HS bằng ứng dụng WhatsApp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% người học truy cập vào nền tảng trực tuyến này. Do đó, phần lớn HS tại đây sẽ phải nhờ cha mẹ thu thập các bản giấy hướng dẫn từ một điều phối viên địa phương.

“Phần lớn người học đến từ các vùng nông thôn và không có tài liệu hoặc máy tính ở nhà”, bà Gracia chia sẻ.

Trong khi đó, tại vùng quê xa xôi của Palo Mocho ở miền Nam Venezuela, nơi tín hiệu Internet yếu, GD trực tuyến càng trở nên khó khăn. GV tại đây phải viết ký hiệu tại cửa hàng địa phương, yêu cầu phụ huynh đến trường để sao chép bài tập về nhà được viết trên tờ giấy dán trên hàng rào.

Ariannys Rengel (32 tuổi) - hiệu trưởng một trường học tại Venezuela chia sẻ, anh từng mất hàng giờ đồng hồ để đến thăm nhà của các HS. “Chính phủ nói về những tiến bộ công nghệ, nhưng ở đây không có truyền hình, không có đài phát thanh và không có điện thoại thông minh”, anh Rengel nói.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.