(GD&TĐ) - Đầu tháng 7, mùa tuyển sinh của các trường phổ thông lại bắt đầu, nhưng thực tế đã “rục rịch” từ tháng 4, tháng 5, khi các ông bố, bà mẹ thi nhau “chạy đua” để con vào học được trường “vừa ý mình”.
Tâm lý so sánh
Thông thường, mỗi địa bàn dân cư đều có một số trường học gồm tất cả các cấp (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT) để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em mọi lứa tuổi. Việc dạy và học của các trường đều theo một chương trình chuẩn chung do Bộ GD&ĐT quy định. Tất cả các giáo viên đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy đều được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm. Tâm huyết với nghề thì ai cũng có, lòng nhiệt tình thì “một mười một chín”. Có chăng, do sự đầu tư của lãnh đạo địa phương, tạo dựng được những mối quan hệ tốt, hay do làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục mà một số trường có cơ sở vật chất khang trang hơn một chút mà thôi.
Nhiều phụ huynh học sinh đã nhìn vào đó để so sánh trường này “điểm”, trường kia “không bằng” (trong suy nghĩ của họ) nên đã cố tìm mọi cách cho con được học ở một trường mà theo họ là “tốt hơn”. Thôi thì tận dụng mọi mối quan hệ thân - sơ. Có người nghe lời “cò” đã phải chi một khoản không nhỏ để con được vào trường theo ý bố mẹ muốn.
Lợi bất cập hại
Để khắc phục, một số trường thuộc “tốp trên” đã có phương án thi tuyển vào đầu cấp để tuyển sinh vừa đủ số lượng theo chỉ tiêu, tránh quá tải so với hệ thống trường lớp hiện tại. Thế là dịch vụ luyện thi vào lớp 1- một hình thức “ăn theo” - cũng xuất hiện.
Chỉ khổ cho các bé 5 tuổi ngây thơ phải rời bỏ gấu bông, búp bê, theo bố mẹ đến các “lò” luyện thi. Thôi thì đủ cả: Luyện đọc, luyện viết, luyện giao tiếp, luyện cả… ngoại ngữ nữa. Khổ nỗi vốn tiếng Việt của các bé còn quá ít, giờ lại phải “cõng” thêm vốn tiếng Anh, cái đầu non nớt cảm thấy sợ khi bắt đầu bước vào cuộc đời học sinh đã phải chịu nhiều áp lực.
Hãy để các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” |
Về lâu dài, các em học sinh trái tuyến đi học xa, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và đi lại trên đưòng rất bất tiện, sức khoẻ không đảm bảo, ảnh hửơng đến sự học tập. Mỗi lớp học sinh ở các trường này thường rất đông, dẫn đến quá tải. Nếu hoạt động nhóm học tập trên lớp, mỗi nhóm sẽ có số học sinh nhiều hơn, các em không được thực hành hết các kỹ năng thầy cô hứơng dẫn (do mỗi tiết học chỉ có 45 phút). Giáo viên không thể nào quán xuyến hết từng em trong lớp, mặc dù rất có tâm nhưng sự thiếu quan tâm là điều không tránh khỏi.
Đành rằng tạo điều kiện cho con học tập là rất nên, nhưng các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng chỉ có học trong điều kiện tốt nhất, con em mình mới học tốt được. Hãy lấy một thực tế: Trước đây, học trò phải học trong các khu lớp tạm tranh tre nứa lá, đồ dùng học tập thiếu thốn trăm bề, vậy mà vẫn có nhiều ngưòi tài giỏi thành đạt, giúp ích cho xã hội.
Hay những học trò của các tỉnh miền Trung khí hậu khắc nghiệt, vô vàn khó khăn mà các em vẫn vươn lên học giỏi, thành đạt. Vậy kết quả học tập đâu phải do điều kiện trường lớp quyết định hoàn toàn. Có khi cùng một thầy cô dạy, trong điều kiện trường lớp như nhau mà em này học tốt, em khác học kém. Cái chính là do ý chí và nghị lực của con người. Đôi lúc ta cũng cần nghĩ: Càng trong khó khăn, các em càng được tôi luyện kỹ năng sống để vượt khó, sau này ra đời sẽ khỏi bỡ ngỡ trước những sự việc, có cách ứng xử tốt hơn trong mọi hoàn cảnh.
Cá biệt có những em học yếu nhưng được cha mẹ xin cho học những trường được coi là “tốp trên” rất dễ kiêu với bạn bè, sinh ích kỷ hẹp hòi và sống không hòa đồng. Hơn nữa, lứa tuổi các em chưa đủ cứng rắn để tự bảo vệ mình, xã hội nhiều vấn đề phức tạp, đi học xa nhà, liệu rằng lúc nào bố mẹ cũng ở bên để che chở bảo vệ được con em?
Không nên vì những mục đích ganh đua của người lớn mà cho trẻ học trái tuyến, gây áp lực không nhỏ đến môi trường giáo dục, đến chính con em của mỗi gia đình.n
Học trái tuyến vừa vất vả cho các em, vừa gây áp lực không cần thiết cho nhà trường về sự quá tải trường lớp, giáo viên. Chưa kể những phức tạp rắc rối về thủ tục, tốn kém về tài chính (do quy định nộp tiền trái tuyến).
Nguyễn Thị Diệp