Học tập nghiêm túc, bền bỉ
Vượt qua gần 200 thí sinh xuất sắc đến từ các nước trên thế giới, Trần Trung Kiên - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev 2025; kỳ thi học thuật dành cho học sinh phổ thông được đánh giá “khó nhất thế giới”.
Kiên chia sẻ: “Em thấy hạnh phúc khi biết mình giành được Huy chương Vàng. Đây không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực học Hóa suốt những năm THPT mà còn là món quà em dành tặng thầy cô và bố mẹ - những người luôn đồng hành, ủng hộ em suốt hành trình dài”.
Để đạt được thành tích này, Kiên đã trải qua quá trình học tập nghiêm túc và bền bỉ. Bên cạnh học tại đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, em còn tự luyện đề từ các kỳ thi Olympic Mendeleev và đề học sinh của Nga, coi việc luyện đề như cách để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng.
Theo Kiên, điều quan trọng nhất để tiến xa trong các kỳ thi Hóa học là sự kiên trì và chăm chỉ trong thời gian dài. Em cũng may mắn được gặp những người thầy, tận tâm và bạn bè thông minh, hài hước. Nhờ đó, những giờ học, phút giây chia sẻ đã giúp hành trình thi cử bớt căng thẳng và trở nên đáng nhớ.
Định hướng tương lai, Kiên khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi ngành Hóa học để phát triển đam mê của mình. Trước mắt, em nghỉ một thời gian để tái tạo năng lượng và chuẩn bị cho những dự định tiếp theo. Em muốn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, có thể theo học ngành Hóa tại một trường đại học trong hoặc ngoài nước.
Cô Đào Nguyễn Thu Hà - giáo viên phụ trách đội tuyển Hóa học, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận định: Kiên thông minh, ham học hỏi, chủ động trong tìm kiếm tài liệu để tự học. Kiên có chính kiến, tư duy phản biện, niềm say mê, yêu thích thực sự đối với môn học này.
Cô Hà còn cho biết, trong quá trình ôn luyện, khó khăn lớn nhất đối với Kiên là không có năng khiếu về phần thực hành - đây cũng là nhược điểm đặc thù của học sinh Việt Nam do điều kiện cơ sở vật chất cũng như phân bố thời gian chương trình học chưa có nhiều thời lượng thực hành. Vì thế, khi có thời gian, Kiên chủ động đề nghị giáo viên giúp luyện tập thêm ở phòng thực hành nhà trường.
“Thành công của Trần Trung Kiên không đến vì may mắn, mà từ kết quả của sự đầu tư nghiêm túc, chiến lược học tập rõ ràng và tình yêu thực sự với môn Hóa học. Huy chương Vàng Mendeleev năm 2025 là bước ngoặt, nhưng chắc chắn không phải điểm dừng trong hành trình chinh phục tri thức của em”, cô Hà nói.

Thành công đổi màu huy chương
Năm thứ 2 liên tiếp dự Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev, Nguyễn Ngô Đức đến từ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) xuất sắc giành Huy chương Vàng, đổi màu thành công tấm Huy chương Bạc đạt được trong năm trước khi cuộc thi được tổ chức tại Trung Quốc.
Với quyết tâm đổi màu huy chương trong lần thứ hai chinh phục đấu trường Mendeleev, Đức phải cạnh tranh với hơn 190 thí sinh xuất sắc đến từ 40 quốc gia. Dù đã làm quen trong mùa thi trước nhưng đề thi Mendeleev, vốn được xây dựng theo chương trình phổ thông của Nga rất nặng tính hàn lâm đã gây không ít trở ngại cho những thí sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Kể về trải nghiệm tại kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev năm 2025, Đức cho biết, từ lâu em đã yêu thích Brazil qua các cầu thủ bóng đá và mong được sang đất nước xinh đẹp này. Trong những ngày ở Brazil, em sống trong niềm đam mê khoa học, giao lưu cùng bạn bè chung sở thích trên thế giới.
Tuy nhiên, khoảng cách quá xa về địa lý, chênh lệch múi giờ, khác biệt khí hậu cũng khiến đoàn học sinh Việt Nam gặp khó khăn. Đoàn phải trải quan hơn 35 tiếng di chuyển bằng máy bay, cộng thêm lệch múi giờ giữa Việt Nam và Brazil khiến cả đội tuyển gần như kiệt sức khi vừa đặt chân tới thành phố Belo Horizonte.

“Em bước vào vòng thi lý thuyết đầu tiên trong tình trạng thiếu ngủ, khó tập trung như các kỳ thi trước. Mỗi vòng thi kéo dài liên tục suốt 5 tiếng đồng hồ với hàng loạt bài toán hóa học phức tạp, trải dài ở nhiều lĩnh vực, đòi hỏi khả năng tư duy tổng hợp và ứng dụng kiến thức vào thực tế khiến nhiều thí sinh bị quá tải”, Đức nhớ lại.
Giống năm ngoái, kỳ thi gồm 2 vòng thi lý thuyết và 1 vòng thi thực hành. Vòng thi lý thuyết đầu tiên gồm 8 bài toán bắt buộc từ các lĩnh vực hóa học khác nhau. Vòng thi lý thuyết thứ hai gồm các bài toán từ hóa học hữu cơ, vô cơ, vật lý, phân tích và khoa học sự sống.
Vòng thi thực hành kéo dài 5 giờ và kiểm tra các kỹ năng phòng thí nghiệm về phân tích và tổng hợp hóa học theo các phương pháp được cung cấp. Vượt qua những khó khăn về khí hậu, thời tiết, chênh lệch núi giờ, Đức quyết tâm làm bài thật tốt để đạt thành tích cao nhất.
Đêm trao giải Olympic Hóa học Mendeleev năm 2025 trở thành khoảnh khắc khó quên với Nguyễn Ngô Đức khi tên em được xướng tên là một trong những thí sinh đoạt Huy chương Vàng. Hình ảnh học sinh Việt Nam giơ cao lá cờ đỏ sao vàng, chạy băng băng qua khán đài để tiến lên bục vinh quang, đã khiến cả khán phòng như vỡ òa trong xúc động.
Nhận xét về học trò, thầy Lê Văn Tú - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ: “Đức có tư duy logic sắc sảo, làm việc cẩn thận, cầu thị, không ngại thử thách, sẵn sàng làm lại từ đầu nếu thất bại. Tôi cho rằng, tấm Huy chương Vàng mà Đức có được ở kỳ thi năm nay là kết quả của bản lĩnh, dám thử thách, vượt qua chính mình”.
Mang tên nhà khoa học người Nga Dmitri Mendeleev, người sáng lập bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev là một trong những cuộc thi khoa học uy tín nhất thế giới. Năm 2025, kỳ thi diễn ra tại thành phố Belo Horizonte, Brazil với sự tham dự của 192 thí sinh đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.