Kết quả điều tra tình trạng trẻ thừa cân béo phì hai năm 2014-2015, được bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, công bố tại tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" từ ngày 16-23/10.
Bác sĩ Vân cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề dinh dưỡng. Trong đó tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM ở mức báo động.
Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Tình trạng béo phì trẻ em từ tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ở nhóm học sinh tiểu học, tỷ lệ thừa cân trung bình tại Hà Nội xấp xỉ 28%, còn TP HCM 22,4%. Tỷ lệ trẻ tiểu học béo phì ở TP HCM là 38%, cao gấp đôi Hà Nội. Ở nhóm THPT, 20% học sinh Hà Nội bị thừa cân, tại TP HCM 26,6%. Tỷ lệ học sinh tuổi này bị béo phì ở TP HCM cũng cao gấp đôi Hà Nội.
Viện Dinh dưỡng cũng khảo sát mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và THCS của hai thành phố. Kết quả đến 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động.
Như vậy trong hơn 10 năm qua, chỉ tính riêng TP HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi tăng gấp ba lần. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%. 13 năm sau (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra từ năm 1980-2013 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì ở TP HCM tăng hơn 27% ở người lớn và tăng đến 47% ở trẻ em.
Thừa cân, béo phì gây nhiều bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, ung thư... Theo các chuyên gia, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng giữa mức calo nạp vào cơ thể và lượng calo cơ thể sử dụng. Tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì tăng hiện nay chủ yếu do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga; cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.