Trong bức tranh đa dạng của học sinh Việt Nam, hình ảnh các em đến trường với nụ cười hồn nhiên không chỉ là biểu tượng của sự hăng hái học tập mà còn là kết quả từ nguồn thu nhập ổn định của gia đình.
Nghề trồng hoa, kiểng tại làng hoa Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn là cầu nối đưa các em học sinh đến nguồn tri thức.
Vươn lên từ nghề trồng hoa, kiểng
Có thể nói, phần lớn học sinh ở làng hoa Sa Đéc có thể đeo đuổi được con chữ là nhờ vào nguồn thu nhập từ nghề trồng, sản xuất hoa, kiểng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, ở khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc là một điển hình. Ông Hiệp chia sẻ: Trước đây do không có đất canh tác, chỉ đi làm thuê nên cuộc sống có nhiều vất vả, vợ của ông thì hay đau bệnh nên chỉ làm nội trợ trong nhà là chính, thêm phần 2 con đi học nên càng khó khăn hơn.
Khó khăn là vậy, nhưng ông không để 2 đứa con của mình nghỉ học, vì cảnh làm thuê cực nhọc mà ông đã trải qua, nên ông chỉ muốn cho hai con ăn học đến nơi, đến chốn để cuộc sống sau này đỡ vất vả.
Ảnh minh họa: Người dân chăm sóc hoa để kịp cung ứng cho Festival Hoa - Kiểng và Tết Nguyên đán |
Những năm trở lại đây, được sự hướng dẫn từ địa phương, hàng xóm, ông Hiệp mạnh dạn thuê đất để canh tác kiểng trái. Nhờ sự cần mẫn, kiên trì học tập kinh nghiệm, sau gần 5 năm chuyển sang tự canh tác, đời sống kinh tế của gia đình ông, giờ đây đã phần nào đi vào ổn định, con đường học vấn của 2 con không còn sợ bị “gãy gánh”.
Bà Nguyễn Thị Mai, ở phường Tân Quy Đông bộc bạch: Trước đây gia đình cũng khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào canh tác lúa, nhưng do canh tác không phù hợp nên cuộc sống cũng nhiều bấp bênh. Tuy có 2 con đi học nhưng vẫn có nhiều vất vả. Gia đình thử trồng thêm hoa, kiểng trái từ đó thu nhập của gia đình dần cải thiện, chuyện chăm lo cho hai con ăn học cũng dễ dàng hơn.
“Nhờ cái nghề trồng hoa, kiểng này mà tụi nhỏ ăn học thành tài, bây giờ có thu nhập ổn định các con còn giúp gia đình có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô canh tác, hướng đến phát triển lâu dài” - bà Mai nói thêm.
Việc chuyển từ làm thuê sang tự canh tác là chuyện không dễ dàng, bởi công việc này không chỉ đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng mà còn là sự kết hợp của kiến thức về nông nghiệp và sự nhạy bén với thị trường để có thể đi đúng hướng.
Thành quả từ sự thay đổi
Nghề trồng hoa, kiểng ở đây đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, giúp người dân ổn định đời sống, với những gia đình khó khăn là cơ hội để họ thoát nghèo, vươn lên cuộc sống mới, việc con em đến trường học hành cũng nhẹ nhàng hơn.
Em Thùy Trang tranh thủ những lúc rảnh phụ giúp gia đình chăm sóc kiểng trái |
Em Nguyễn Thị Thùy Trang, con gái lớn của ông Hiệp bày tỏ: Khi còn là học sinh cấp 3, trong lúc gia đình có nhiều khó khăn, cảm nhận sự áp lực và trách nhiệm lớn trên vai em đã từng có ý định ngừng học để đi làm với mong muốn giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, ba mẹ đã động viên và tìm cách thay đổi công việc từ đó kinh tế trang trải cho gia đình được ổn định hơn, sự cố gắng của ba mẹ là bài học quý giá và là nguồn động viên mạnh mẽ để em vươn lên, tiếp tục học tập để không phụ lòng ba mẹ.
Giờ đây, Thùy Trang là một sinh viên năm 2 của Trường Đại học Đồng Tháp. Với sự phấn đấu và học hành chăm chỉ, hai năm qua, Trang đều nhận được học bổng Nguyễn Sinh Sắc, điều này càng động viên tinh thần học tập của em nhiều hơn.
Đến trường em rất tự hào và phấn khởi khi được cơ hội giới thiệu đến bạn bè, thầy bà về làng hoa hơn 300 năm tuổi quê mình, càng tự hào hơn khi em có ba là người trồng ra những cây hoa, kiểng, bởi em thấy rõ được quy trình chăm sóc, sự khéo léo và tỉ mỉ để tạo ra được những chậu cây đẹp, khi bán được cho người tiêu dùng niềm vui của em và gia đình càng được nhân lên, Thùy Trang chia sẻ thêm.
Sự thay đổi của người dân Sa Đéc là minh chứng cho những tinh thần đầy nghị lực, vươn lên khó khăn để học hành bằng nghề trồng hoa, kiểng, một lựa chọn có nhiều khó khăn nhưng tràn đầy ý nghĩa để giữ cho giấc mơ giáo dục của con em không bị tắt.
Ông Nguyễn Công Hiếu, Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Sa Đéc cho biết: Nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc không chỉ mang lại sự sinh động cho cảnh quan mà còn tạo ra một nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Điều này đã giúp cải thiện đời sống kinh tế - xã hội và giáo dục của cộng đồng địa phương, đặc biệt là trong việc đảm bảo cho con em có điều kiện học tập tốt.
Sự tác động qua lại của nghề trồng hoa, kiểng với sự phát triển giáo dục địa phương mang lại nhiều hiệu quả tích cực; nguồn thu nhập từ nghề trồng hoa kiểng, góp phần tiếp bước con em đến trường.
Chương trình giáo dục lồng ghép lịch sử địa phương, góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy ngành nghề truyền thống, đồng thời, tăng cường giáo dục ngoại ngữ với mong muốn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Đặc sắc giống hoa Cúc mâm xôi mới nhiều màu tại Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc |
Trong không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, cận kề dịp Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc. Những bông hoa tươi thắm nở rộ trên những vùng đất màu mỡ được chính bàn tay của những con người nơi đây chăm sóc, không chỉ là biểu tượng của sự cố gắng, mà còn là niềm hi vọng tốt đẹp cho tương lai, cái mà người dân Đồng Tháp đang miệt mài vun đắp.
Hiện tại, Thành phố Sa Đéc, “thủ phủ” hoa của miền Tây có khoảng 950 ha trồng hoa, kiểng với hơn 2.000 chủng loại và hơn 4.500 hộ kinh doanh, sản xuất hoa kiểng. Để phục vụ tết Nguyên đán 2024 và Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I, năm nay, thành phố Sa Đéc đã trồng hơn 100 ha hoa kiểng các loại đặc biệt là 4 giống hoa cúc mâm xôi mới.