Đây cũng là dịp giúp giáo viên, phụ huynh cùng chia sẻ, thấu hiểu, chung tay hành động giúp các em có thêm sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.
Giảm áp lực học tập, thi cử
Vừa qua, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” năm học 2024 - 2025 tại Trường THCS Thành Công với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy, cô giáo và đông đảo học sinh.
Bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại diễn đàn, Nguyễn Hoàng Bảo Trân - học sinh lớp 7A1 Trường THCS Thành Công cho biết: “Em là một học sinh giỏi trong mắt người lớn với nhiều giải thưởng, huy chương tại các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Ai cũng thích kết quả học tập tốt, thành tích kiểm tra cao, nhưng đằng sau những bảng điểm lấp lánh, những giấy khen, huy chương là bao cảm xúc, vất vả mà hằng đêm em phải chiến đấu với áp lực đè nặng. Việc học tập không còn là sân chơi vui vẻ mà em từng biết…”.
Cũng theo nữ sinh lớp 7, có những lúc, em cảm thấy rất lo lắng, bất an, thậm chí là sợ hãi. Những cảm xúc ấy không phải do kiến thức mênh mông mà chính từ sự kỳ vọng của mọi người xung quanh và cả sự kỳ vọng của chính em.
Cuộc sống học tập trở nên nhàm chán, mệt mỏi và em không còn hạnh phúc với những bài kiểm tra, những cuộc thi tài nữa. Điều khiến em buồn bã nhất không phải là điểm kém, mà là sự thất vọng trong ánh mắt của cha mẹ, người thân trong gia đình và các thầy, cô giáo.
Tại diễn đàn, học sinh bày tỏ nhiều lo lắng, băn khoăn về các vấn đề liên quan như: Tâm sinh lý tuổi dậy thì; làm sao để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn với các bạn đồng trang lứa một cách văn minh; làm gì khi tình yêu giới tính “đơm hoa, kết trái”; học sinh làm gì để giảm bớt áp lực, căng thẳng trong học tập; phương pháp học tập hiệu quả để có thể “vừa chơi vừa học”…
Chị Đỗ Thị Nga, đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Thành Công cho rằng, cha mẹ rất khuyến khích các con tham gia vào các nhóm hữu ích trên mạng xã hội như nhóm học tập, nghiên cứu, nhóm bạn thân… Tuy nhiên, nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng, chưa yên tâm khi các con tham gia mạng xã hội. Việc cha mẹ tự ý xem Facebook, Zalo của con có thể là chưa hợp lý. Điều này khiến các con có cảm giác mình mất đi quyền riêng tư.
Nhưng mạng xã hội là con dao hai lưỡi, bên cạnh thông tin tích cực, vẫn có nhiều thông tin xấu độc, những mối quan hệ nguy hiểm… mà trẻ em chưa đủ kỹ năng để sàng lọc. Do đó, nếu như các con sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ về các mối quan hệ của mình, cởi mở tâm sự với cha mẹ, thì chắc chắn cha mẹ sẽ tin tưởng và định hướng cho các em những kỹ năng đúng đắn khi tham gia mạng xã hội.

Cầu nối giữa học sinh, gia đình, nhà trường
Nói về phương pháp học hiệu quả nhưng vẫn có thể chơi vui, TS tâm lý học Phạm Văn Tư khuyên: Để giảm áp lực học tập, học sinh cần có phương pháp học tập hiệu quả. Ngoài dành thời gian để học kiến thức, học sinh cũng cần kết hợp ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ, giải lao đúng lúc, hợp lý.
Thời gian giải lao giữa các tiết học là khoảng từ 15 - 20 phút, không sa đà vào xem phim, chơi game tốn nhiều thời gian và xao nhãng kiến thức vừa học. Trong quá trình học, học sinh có thể tìm ra phương pháp học tốt nhất; không học vẹt, cần có sổ tay ghi chép lại ý chính trong mỗi bài học…
“Xác định thái độ học đúng đắn; tạo cơ hội học tập cho bản thân; kiên trì học tập và có cách học phù hợp… sẽ giúp các em học hiệu quả mà không quá áp lực”, TS Phạm Văn Tư cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Như Tùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) nhấn mạnh: Tuổi học trò là khoảng thời gian đẹp đẽ nhưng cũng không ít thử thách. Có những lúc, các em cảm thấy bế tắc với áp lực học tập, những hiểu lầm trong tình bạn, những khúc mắc với thầy cô, gia đình hay những cảm xúc khó gọi tên.
“Chia sẻ không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu không nói ra thì sẽ không ai có thể thấu hiểu và giúp đỡ các em. Do đó, các em đừng để khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy cô và học trò trở thành bức tường im lặng. Hãy nói ra, đừng ngần ngại, kể cả những lời yêu thương cũng phải nói ra, chứ không chỉ bằng những hành động thuần túy.
Chỉ khi chúng ta dùng những lời nói yêu thương, chân thành, chúng ta mới có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp. Đừng để cha mẹ phải đoán ý từng hành động của con, đừng để thầy cô phải loay hoay tìm cách hiểu học trò. Hãy mạnh dạn bày tỏ để nhận lại sự yêu thương và đồng hành”, ông Nguyễn Như Tùng bày tỏ.
Nhắn nhủ đến phụ huynh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, các thầy cô và bố mẹ hãy hiểu rằng mỗi học sinh có một thế mạnh riêng, một tốc độ trưởng thành khác nhau. Điều quan trọng không chỉ là thành tích, mà là sự nỗ lực, sự tiến bộ của từng em qua mỗi ngày. Hãy lắng nghe con trẻ nhiều hơn, đồng hành với sự bao dung và kiên nhẫn, để các em cảm nhận được sự tin tưởng và động viên trên hành trình trưởng thành.
Cha mẹ, thầy cô không chỉ là những người dạy dỗ, mà còn là những người truyền cảm hứng, tạo động lực để các em tự tin khám phá bản thân. Một lời động viên đúng lúc, một sự khích lệ chân thành có thể tiếp thêm sức mạnh để các em vượt qua khó khăn. Hãy đặt mình vào vị trí của các em để thấu hiểu những áp lực mà thế hệ trẻ đang đối mặt, từ đó có cách giáo dục phù hợp, giúp các em phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Học sinh cần hiểu rằng, cha mẹ dù bận rộn, dù có thể không dành nhiều thời gian cho các em, nhưng tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến. Khi các em trưởng thành, khi chính các em trở thành cha mẹ, các em sẽ thấu hiểu hơn những hy sinh, lo toan ấy. Hãy mở lòng, hãy cùng cha mẹ, thầy cô xây dựng những cầu nối yêu thương.