Học sinh không chuyên đoạt giải quốc gia: Kéo gần khoảng cách giáo dục mũi nhọn

GD&TĐ - Số lượng trường THPT không chuyên có học sinh giỏi quốc gia ngày càng nhiều.

Giờ học tại Trường THPT Vĩnh Xuân. Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường THPT Vĩnh Xuân. Ảnh: NTCC

Điều này cho thấy khoảng cách giáo dục mũi nhọn giữa các trường THPT chuyên và không chuyên, vùng miền đang được kéo gần lại.

Học sinh giỏi quốc gia đến từ trường huyện

Cha mẹ là người dân tộc Thái, điều kiện học tập khó khăn, nhưng Lò Văn Tuấn - học sinh Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) vẫn đạt thành tích học tập xuất sắc. Mới đây nhất, em giành giải Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý với sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Thầy Trần Đức Đạt - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Tuấn đam mê môn Địa lý từ khi học THCS. Cùng với năng khiếu, em luôn tự giác cao trong học tập, mạnh dạn trao đổi với thầy cô, bạn bè. Năm lớp 8, Tuấn thi vượt cấp lớp 9 và đoạt giải Ba cấp tỉnh. Tiếp tục tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11 năm học 2023 - 2024, em đoạt giải Nhì và lọt vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, rồi trở thành thí sinh trường không chuyên duy nhất của tỉnh có giải năm nay.

Năm học 2024 - 2025, Vĩnh Long có 17 thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Theo đó, trong số 2 giải Nhì đạt được, 1 giải thuộc về học sinh Trường THPT Trà Ôn (Trà Ôn), 1 giải Nhì của học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Vĩnh Long).

Ngoài ra, 2 giải Ba, 8 giải Khuyến khích thuộc về Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các trường: THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long), THPT Phạm Hùng (Long Hồ), THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) và THCS - THPT Đông Thành (Bình Minh), mỗi trường có 1 học sinh đoạt giải Khuyến khích.

Nằm cách trung tâm Vĩnh Long 50km, thuộc vùng sâu của tỉnh, nhưng nhiều năm nay, Trường THPT Vĩnh Xuân đều có học sinh giỏi quốc gia. Thầy Hiệu trưởng Trần Quang Huy cho hay, năm học 2020 - 2021, trường có 2 học sinh giành giải Khuyến khích (toàn tỉnh có 8 giải, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạt 6 giải).

Năm học 2021 - 2022, trong số 3 giải toàn tỉnh đạt được, nhà trường có 1 giải. Năm học 2022 - 2023, trường có 1 học sinh đoạt giải Nhì quốc gia môn Địa lý, đây là giải cao nhất của tỉnh trong kỳ thi năm 2023 (toàn tỉnh có 6 giải). Năm học 2024 - 2025, trường tiếp tục có 1 học sinh đoạt giải Khuyến khích quốc gia của môn Địa lý.

Không chỉ trường không chuyên, giải học sinh giỏi quốc gia năm nay cũng có tên khối trường ngoài công lập, nổi bật là Trường Newton (Hà Nội). Với 5 học sinh dự thi đã mang về cho trường 4 giải, trong đó có 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích. Newton cũng là trường tư duy nhất có học sinh được gọi vào vòng chọn đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế năm nay.

hoc-sinh-khong-chuyen-doat-giai-quoc-gia-2.jpg
Hiệu trưởng, phụ huynh và học sinh đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia Trường THPT Vĩnh Xuân. Ảnh: NTCC

Tạo điều kiện cho học sinh tham gia đội tuyển

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025, TP Hồ Chí Minh có 166 thí sinh đoạt giải (6 giải Nhất, 35 giải Nhì, 54 giải Ba, 71 giải Khuyến khích), trong đó, gần 30 giải đến từ các trường THPT không chuyên.

Chia sẻ của ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh: Thành phố luôn quan tâm cân đối giữa số lượng, chất lượng, đảm bảo tất cả học sinh lớp chuyên được học tập và thi chọn đội tuyển tham dự giải quốc gia, thi học sinh giỏi thành phố; đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh xuất sắc các trường phổ thông tham gia chọn đội tuyển.

Công tác giáo dục mũi nhọn được chú trọng đổi mới; tập trung vào cách tuyển chọn học sinh giỏi thành phố, quốc gia, đổi mới cách bồi dưỡng, đào tạo. Sở GD&ĐT mời chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học để cùng tham gia đào tạo cho học sinh thuộc đội tuyển thành phố thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Việc quy tụ nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi (mời chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, thầy, cô giáo) đóng góp ý kiến để công tác này ngày càng tốt hơn cũng được quan tâm. Với các trường THPT chuyên, sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh.

Chất lượng đầu vào không thể bằng trường chuyên nhưng lại có kết quả giáo dục mũi nhọn bền vững qua các năm, kinh nghiệm của Trường THPT Vĩnh Xuân được thầy Trần Quang Huy chia sẻ trước hết là thành lập đội tuyển ngay từ đầu năm học và mang tính kế thừa (mỗi môn đều tuyển học sinh từ lớp 10, 11, 12).

Làm tốt công tác tư tưởng, tạo niềm tin, động lực, điều kiện thuận lợi cho học sinh trong đội tuyển tích cực tham gia ôn tập. Kế hoạch ôn tập được nhà trường xây dựng mang tính toàn diện trong từng đợt và cả năm học (gồm 3 giai đoạn: Ôn tập - rèn luyện kỹ năng - giải đề). Qua từng đợt có kiểm tra đánh giá để tư vấn.

Trường đồng thời phân công giáo viên có năng lực tốt phụ trách chính đội tuyển và giáo viên cùng tổ hỗ trợ một số chuyên đề. Trường thực hiện vận động cha mẹ học sinh, nhà hảo tâm, giáo viên nhà trường hỗ trợ tinh thần, vật chất cho học sinh khi các em tham gia đội tuyển (hỗ trợ đưa đón từ Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm về nhà vào cuối tuần ôn tập; giáo viên bộ môn hỗ trợ thêm kiến thức vào Chủ nhật hằng tuần; hỗ trợ kinh phí tham gia học tập với chuyên gia tại các tỉnh bạn…). Làm tốt công tác vinh danh, khen thưởng khi học sinh đạt thành tích cao.

Nhà trường luôn bám sát các văn bản của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, xây dựng kế hoạch ôn thi học sinh giỏi phù hợp với tình hình thực tế của trường. Phát hiện, định hướng và tuyển chọn đội tuyển từ đầu năm lớp 10 theo nguyện vọng và lĩnh vực học sinh yêu thích.

Chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Trần Đức Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên đồng thời cho hay: Muốn có học sinh giỏi, trước hết phải có thầy giỏi. Vì vậy, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đoàn kết, yêu nghề, say mê công việc; tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được nâng cao nhận thức lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Phân công từ 2 - 3 giáo viên ôn tập, bồi dưỡng một đội tuyển; phát huy sức mạnh tập thể nhưng đề cao sự phấn đấu và trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm túc kỷ cương trong dạy và học. Việc gắn kết quả ôn tập đội tuyển với đánh giá xếp loại viên chức và thi đua khen thưởng cuối năm cũng được nhà trường chú trọng.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục mũi nhọn, thầy Trần Đức Đạt đề nghị lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; trong đó có chính sách, chế độ ưu đãi, động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia đội tuyển.

Để duy trì bền vững và phát huy hơn nữa kết quả giáo dục mũi nhọn, nhà trường mong sở GD&ĐT tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm ôn tập, chọn đội tuyển, tài liệu bồi dưỡng… với các trường trong và ngoài tỉnh có thành tích cao trong bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia; có chế độ khen thưởng xứng đáng cho học sinh, giáo viên. Nhà trường cũng mong sở GD&ĐT tham mưu các cấp lãnh đạo tiếp tục hỗ trợ kinh phí khi những học sinh này vào đại học, ưu tiên tuyển các em về công tác tại các cơ quan của tỉnh. - Thầy Trần Quang Huy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm vàng giúp nhanh khỏi cảm cúm

Thực phẩm vàng giúp nhanh khỏi cảm cúm

GD&TĐ -Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus gây ra. Dưới đây là một số thực phẩm cần bổ sung sẽ giúp bạn nhanh khỏi bệnh.