Học sinh đọc gì ở thư viện trường THCS?

Học sinh đọc gì ở thư viện trường THCS?

(GD&TĐ) - Là tổ trưởng tổ Ngữ văn của một trường phổ thông nên hàng tháng tôi thường dự họp, dự thao giảng của Hội đồng bộ môn ở các trường bạn. Những lúc chờ đợi tôi hay ghé vào các thư viện nhà trường mượn sách báo đọc để tham khảo. Điều dễ nhận thấy ở các thư viện trường học hiện nay có một điểm chung là sách báo quá ít, nhiều đầu sách không phục vụ được nhu cầu của thầy và trò bởi nó cũng chẳng có gì liên quan đến chuyên môn dạy và học. Và, một điều dễ nhận thấy nữa là thư viện nào cũng vắng hoe không thấy bạn đọc, đặc biệt là các em học sinh.

(ảnh MH: Internet)
(ảnh MH: Internet)

Thời đại thông tin, văn hóa đọc bị mai một dần hay sách báo không phục vụ được nhu cầu của học sinh? Nhiều khi trong giảng dạy, đặc biệt là những tiết trả bài kiểm tra tôi cứ phân trần: các em ít đọc quá, diễn đạt bài văn thì vụng về, vốn từ nghèo nàn, chẳng mấy khi gặp được những từ hay, từ đắt trong bài văn thì các em đã trả lời: các em không có sách, lên thư viện thì chẳng có gì để đọc. Lứa tuổi học sinh cấp 2 các em làm sao nuốt được những báo công an; pháp luật; những quyển sách gì gì ấy, vừa dày, vừa khô khan…các em cũng nghe các anh chị nói có những tờ báo hay như Thiếu niên Tiền phong; Mực Tím; Hoa học trò; Áo trắng; Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ; Tạp chí Toán tuổi thơ… nhưng ở vùng nông thôn này muốn mua để đọc cũng không có người bán, nhà trường lại không đặt mua.

Những câu trả lời của các em rất thật và đó là thực trạng ở các trường phổ thông nông thôn hiện nay. Sách đâu mà toàn là những quyển nhìn vào đã biết không phù hợp với trường cấp 2 rồi: Nghiên cứu văn học nhìn từ góc độ ngôn ngữ; Mỹ học đại cương; Triết học phương Đông; Cảm nhận hay những tác phẩm văn học Trung học phổ thông… Những quyển sách chỉ thiết thực cho tham khảo, nghiên cứu chuyên ngành hoặc các cấp học cao hơn. Tìm những tác phẩm văn học tiêu biểu qua các thời đại, một tập thơ một vài quyển sách viết cho thiếu nhi gần như không có. Hỏi các em lên và đọc gì ở đây?

Những giáo viên, nhiều khi muốn lên tìm một tờ báo hay một cuốn sách tham khảo trên thư viện cũng khan hiếm. Báo thì chỉ có tờ báo tỉnh, tờ Bạn đường, vài tờ thông tin tư tưởng nội bộ của Huyện (toàn báo cho) thư viện nhà trường mà không có cả tờ Giáo dục và Thời đại? 

Vì sao có thực trạng trên? Theo chúng tôi có hai lý do. Thứ nhất là sách của các nhà sách bán không được, tồn kho lâu năm rồi đến ký hợp đồng với Phòng Giáo dục đưa về trường học, mặc dù biết nội dung không phù hợp với trường học THCS nhưng các Phòng giáo dục vẫn ký (…) Thứ hai là khi thực hiện kinh phí khoán cho từng đơn vị, gặp được BGH ham đọc thì đặt, gặp BGH mà cả đời không ngó đến tờ báo thì mỗi năm cho thư viện một khoản kinh phí nhỏ giọt rồi khoán cho nhân viên bưu điện đặt báo. Mà khi nhân viên thư viện đi đặt thì người ta khoái cái tờ nào thì đặt tờ đó nên dẫn đến tình trạng thư viện nhà trường có báo Công an mà thiếu tờ Giáo dục và Thời đại!

Một nguyên nhân nữa mà học sinh không lên thư viện là nhiều trường các phòng ban còn thiếu, nên thường thiết kế chung với các phòng chức năng nên thư viện lại kiêm thêm phòng họp. Một trường có tới cả gần chục tổ chuyên môn thì đảo đi đảo lại trong một tuần là gần kín ngày họp ở thư viện rồi.

Là một giáo viên dạy Văn, chúng tôi có nhiều trăn trở và day dứt và đó cũng là niềm trăn trở của nhiều giáo viên khác cho thế hệ tương lai. Trong lúc có nhiều kênh thông tin chúng ta không kiểm soát được thì rõ ràng những quyển sách hay, phù hợp có tác dụng bồi bổ rất nhiều đến tâm hồn thơ trẻ trong những năm đang định hình nhân cách.

Hướng học sinh đến với văn hóa đọc trước hết cần sự đầu thư, tham mưu của nhiều bộ phận trong trường học. Đặc biệt là sự quan tâm, đầu tư của BGH trường học về phòng ốc, sách báo đúng nghĩa, khuyến khích các em đến đọc sách. Đó cũng là cách tốt nhất để giúp các em tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng học tập trong nhà trường mà lại hạn chế được các trò chơi vô bổ khác trong giới trẻ hiện nay.

Nhật Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ